Khẳng định người tiêu dùng là nhóm yếu thế so với các doanh nghiệp, dùng sức mạnh thị trường để chống các vi phạm, thống nhất một cơ quan chịu trách nhiệm là những định hướng đáng chú ý nhất trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng do Bộ Công Thương soạn thảo.
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng coi người tiêu dùng có vị trí yếu thế trong quan hệ với nhà sản xuất kinh doanh - Ảnh minh họa |
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2010 diễn ra từ 30/3 - 1/4, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trình.
Dự luật gồm 8 chương, 67 điều được xây dựng dựa trên một số định hướng chủ yếu.
Trước hết, dự thảo coi người tiêu dùng có vị trí yếu thế trong quan hệ với nhà sản xuất kinh doanh. Theo phân tích của Bộ Công Thương, người tiêu dùng luôn là bên thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Bên cạnh đó, họ thông thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Do đó sự can thiệp của nhà nước vào các quan hệ này sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội và trong một chừng mực nhất định tạo ra thế cân bằng trong giao lưu dân sự.
Thứ hai, dự thảo luật hướng tới sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng từ đó ngoài việc bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng còn hướng tới bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Định hướng này được cụ thể hóa trong các quy định như công bố công khai danh sách các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng để dùng sức mạnh của dư luận đấu tranh răn đe và loại bỏ các hành vi này.
Về vấn đề xây dựng hệ thống cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, dự thảo Luật theo hướng thống nhất cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính và có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan có liên quan.
Dự thảo Luật cũng đặt mục tiêu xã hội hóa việc bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là các trung tâm hòa giải tranh chấp tiêu dùng… Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia cùng Nhà nước trong “cuộc chiến” này.
Dự thảo Luật cũng khẳng định sẽ cân bằng lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, không thể vì bảo vệ người tiêu dùng mà hạn chế các quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tránh tạo ra những kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng quyền lợi của người tiêu dùng gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, các thành viên Chính phủ đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể cho phù hợp với thực tế Việt Nam trong từng thời kỳ phát triển.
“Cơ chế xử lý vi phạm còn phức tạp” Năm 1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam còn được quy định bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa…. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, kết quả nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và khảo sát, đánh giá thực tiễn thi hành cho thấy các quy định pháp luật vẫn còn bất cập và không còn phù hợp với yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng trong tình hình mới. Mặt khác, pháp luật hiện hành chưa đưa ra được những chế tài đặc thù, đủ sức răn đe để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy cơ chế để kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn phức tạp, khó thực hiện. Thực trạng công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam cũng cho thấy, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm. Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng đã được phát hiện như vụ xăng pha aceton, nước tương nhiễm chất 3-MCPD, gian lận xăng dầu hay hàng loạt các cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ xuất xứ… Những vụ việc này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Riêng trong lĩnh vực thực phẩm, từ năm 2004 - 2008, cả nước có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 người mắc và 321 người tử vong. |
(Theo Minh Anh // Tin Chính phủ)