Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng tới 1,05% so với tháng trước, lạm phát cho tới thời điểm này đã lên tới 7,58% - gần chạm ngưỡng 8% mà Chính phủ đề ra cho cả năm 2010. Như vậy, mối quan ngại ngay từ đầu năm về khả năng tái lạm phát đã thành hiện thực.
Rõ ràng, vào thời điểm này, không hề là ngẫu nhiên, khi cùng lúc, tại nghị trường Quốc hội, ngoài thị trường, trong doanh nghiệp, ở vùng rốn lũ miền Trung..., chuyện giá cả nóng lên từng ngày. Lạm phát tăng cao trở lại đã và đang ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống xã hội và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Sau khi CPI tháng 9 tăng tới 1,31% so với tháng trước, mối lo ngại lạm phát lại bắt đầu dấy lên. Ảnh: Chí Cường |
Giữ quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI (38-39%), trong tháng 10/2010, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng tới 1,32% so với tháng trước. Trong đó, riêng giá lương thực tăng 1,89%. Miền Trung trong cơn lũ lịch sử, mùa màng thất bát, sẽ còn tác động đến giá lương thực trong những tháng tới. Điều này ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, đặc biệt người dân nghèo, những người đang gặp khó khăn vì ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Tương tự như vậy, với các doanh nghiệp, khi giá cả đầu vào tăng cao, mà giá bán không thể tăng tương ứng, thì khó có thể nói tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Lạm phát ảnh hưởng tới giá vốn, chi phối giá vốn, và vì thế, cộng thêm tác động của việc giá vàng, giá USD biến động bất thường thời gian gần đây (tháng 10, giá vàng tăng 7,87%, còn giá USD tăng 0,6% so với tháng trước), doanh nghiệp sẽ càng khó khăn, ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Hoàn toàn dễ hiểu nếu các vấn đề liên quan tới giá cả tăng cao là do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu vấn đề nằm ở khâu chỉ đạo, điều hành thị trường trong nước, thì cần phải đặc biệt xem xét lại.
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên lại có các nghi vấn về việc "làm giá" USD và vàng trong thời gian gần đây. Nếu tình trạng đô-la hóa được kiểm soát, nếu người dân không "quên" nội tệ, mà chạy theo tích trữ quá lớn vàng và đô-la, thì thị trường sẽ giảm bớt căng thẳng. Nếu các chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá điều hành linh hoạt hơn, thị trường sẽ khó có những biến động bất thường.
Lạm phát là mối lo không của riêng ai. Sau khi CPI tháng 9 tăng tới 1,31% so với tháng trước, mối lo ngại lạm phát lại bắt đầu dấy lên. Tháng này, càng lo lạm phát, khi so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 10 đã tăng tới 9,66%; còn nếu tính trung bình, 10 tháng năm nay so với 10 tháng năm ngoái, CPI tăng 8,75%.
Lạm phát đã chạm chỉ tiêu cho phép, khả năng kiềm chế lạm phát trong 2 tháng cuối năm đặt ra một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề, do giá cả vẫn có xu hướng tăng cao, những diễn biến bất thường trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như cộng hưởng tác động tiêu cực của thiên tai. Vì thế, càng dầy thêm nỗi lo tái lạm phát trong những tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011, nỗi lo một mặt bằng giá mới lại tiếp tục được thiết lập.
Lạm phát tăng đồng nghĩa thu nhập thực tế giảm đi. Nền kinh tế nước ta chỉ vừa chạm ngưỡng thu nhập trung bình, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, việc giá cả tăng cao tác động rất lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, để đảm bảo an sinh xã hội phải tuyên chiến quyết liệt với lạm phát.
(Theo Báo đầu tư)