Khảo sát từ các nhà sản xuất quạt, các siêu thị, cửa hàng bán quạt, có đến 90% sản phẩm quạt gia đình đang được bán trên thị trường có giá từ 1 triệu đồng trở xuống, có những sản phẩm chỉ có giá 120.000 đồng. Các nhà sản xuất Việt Nam khẳng định họ đủ sức làm quạt cao cấp nhưng ít làm vì giá cao, khó bán.
Khách hàng thích chọn những dòng quạt giá thấp. Ảnh: Minh Phúc |
Năm 2010, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu chiếc quạt, trong đó có đến 95% là những sản phẩm quạt dùng trong gia đình, bao gồm từ quạt gió, quạt hơi nước, cho đến quạt phun sương, phần còn lại là những sản phẩm quạt công nghiệp dùng trong công xưởng, khu vực sinh hoạt công cộng... Trong đó, thị phần quạt cao cấp, theo đại diện của Asia, bao gồm quạt nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia... và cả do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hoàng, giám đốc kinh doanh của Senko, thị phần quạt cao cấp chỉ dao động từ 3 – 5%.
Sự khác biệt giữa những dòng quạt cao cấp và những sản phẩm phổ thông, theo nhiều doanh nghiệp sản xuất, không chỉ thể hiện ở mức giá, mà còn công nghệ, chất lượng, kiểu dáng thiết kế, độ bền... Một chiếc quạt cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản, qua kinh nghiệm của một số người sử dụng, có thể chạy liên tục trong mười năm mà không cần bảo dưỡng. Trong khi đó, quạt giá rẻ do trong nước sản xuất, sau khoảng một năm sử dụng, lượng gió ngày càng giảm, có tiếng kêu từ môtơ, trục xoay hay bị hư. Một số loại quạt đứng xuất hiện hiện tượng đế rung.
Theo kỹ sư Vũ Đức Thịnh (Asia), chất lượng quạt không cao là do nhà sản xuất “tiết giảm chi phí sản xuất” bằng cách sử dụng linh kiện kém chất lượng như quấn môtơ bằng dây đồng pha nhôm, tỷ lệ sử dụng nhựa tái sinh trên 10%.
Các doanh nghiệp như cơ điện Thống Nhất, Cơ Phát, Senko đều khẳng định họ có thể làm được những sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, công nghệ mới như các sản phẩm nhập khẩu. “Nhưng tại sao chúng tôi không làm? Vì làm hàng bán cho ai trong khi phần lớn người tiêu dùng trong nước chỉ cần những sản phẩm giá thành thấp”, ông Hoàng (Senko) nói. Không tiết lộ chi phí đầu tư một bộ khuôn mới với quy trình sản xuất mới nhưng theo ông Hoàng, phải bán được 100.000 chiếc mới hết khấu hao đầu tư ban đầu, sau đó mới nghĩ đến chuyện lợi nhuận. Cũng theo ông Hoàng, 10% sản phẩm của Senko xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Indonesia. Ông Lâm Tấn Chương, giám đốc công ty Cơ Phát ở TP.HCM cho biết, 90% sản lượng của Cơ Phát để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Duy Đức, giám đốc công ty điện cơ Thống Nhất (Hà Nội) cũng cho rằng: “Với nhóm sản phẩm quạt dùng trong sinh hoạt gia đình hiện nay, những sản phẩm nào có giá thấp mới bán được, còn giá cao sẽ rất khó bán”. Còn theo ông Hoàng, nếu người tiêu dùng đã có đủ tiền để mua sắm những chiếc quạt cao cấp thì “họ đã chọn những chiếc máy lạnh với giá chỉ gấp đôi chiếc quạt và chi phí trả tiền điện tiêu thụ hàng tháng”.
“Chúng tôi sẵn sàng làm được những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá tương đương như hàng nhập khẩu nhưng những sản phẩm này khó bán hơn những dòng giá thấp”, ông Đức chia sẻ thêm.
Theo ông Đức, trong năm 2010, Thống Nhất đã bán trên thị trường trong nước (các tỉnh phía Bắc) hai triệu chiếc. Ông Trần Thạch Quang, giám đốc tiếp thị quạt Asia cho biết năm 2010 đã tiêu thụ khoảng 1,1 triệu chiếc, trong đó, khoảng 90% là những sản phẩm phổ thông, phần còn lại là hàng cao cấp dành cho nhóm khách hàng riêng và phục vụ cho những lô hàng xuất khẩu.
(Theo sgtt)