Cuối năm, nhu cầu rút tiền mặt tăng mạnh, vì thế nhiều người không còn đủ thời gian để kiểm đếm lại dẫn đến bị nhận tiền giả, tiền rách, thậm chí thiếu. Không kiểm đếm ngay quầy, phần thiệt thuộc về người rút tiền.
Các ngân hàng (NH) cho biết khi nhận tiền phải kiểm đếm ngay tại quầy, nếu phát hiện sai sót hoặc tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông sẽ được NH giải quyết ngay.
Khó khiếu nại ngân hàng
Chị H. rút 200 triệu đồng tại một NH cổ phần có trụ sở ở phía Bắc cho biết gồm 15 xấp mệnh giá 100.000 đồng và một xấp mệnh giá 500.000 đồng. Các bó tiền này được cột chặt và có giấy niêm phong của NH, vì thế chị không kiểm lại. Khi đem tiền còn nguyên niêm phong đến nộp tại một NH cổ phần khác thì bị thiếu hai tờ 100.000 đồng.
Một trường hợp khác rút tiền bằng séc, trên séc ghi rõ 99 triệu đồng. Đến chiều cùng ngày đem ra đếm lại thì phát hiện thiếu hai tờ 500.000 đồng. Khiếu nại thì NH nói đã chi đủ, số tiền trên bảng kê thể hiện đã chi cho chị 99 triệu đồng.
Đầu tháng 1-2010, một khách hàng rút 500 triệu đồng tại một NH quốc doanh và đến nộp tiền tại một chi nhánh NH Kỹ thương (tại Q.3, TP.HCM), khi nộp vào một chi nhánh NH cổ phần, dù tiền còn nguyên niêm nhưng khi kiểm đếm vẫn lẫn trong đó tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng.
Các trường hợp trên không phải là cá biệt và hầu hết khi khiếu nại đều không được giải quyết. Càng gần thời điểm cuối năm phản ảnh của người rút tiền cho rằng bị chi thiếu hoặc có lẫn tiền rách, tiền giả càng phổ biến.
Niêm phong chỉ có giá trị nội bộ
Khá nhiều người rút tiền bức xúc vì sao tiền còn nguyên niêm nhưng có lẫn tiền giả, tiền rách, thậm chí thiếu, khi trở lại khiếu nại tại NH chi tiền thì nơi này lại từ chối trách nhiệm.
Ông Phạm Văn Hai, phó giám đốc Vietcombank TP.HCM, giải thích: nguyên tắc trong giao dịch NH là “kiểm đếm trước khi rời quầy” để nếu có tiền giả, rách hoặc chi thiếu thì khiếu nại ngay. Cũng theo ông Hai, trên thực tế có nhiều trường hợp không đếm, khi cần dùng mới phát hiện, khiếu nại, nhưng NH không có cơ sở giải quyết vì tiền đã ra khỏi NH.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sẽ - giám đốc Sở giao dịch II Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), về nguyên tắc niêm phong bó tiền chỉ có giá trị trong nội bộ NH. Người đứng tên trên niêm phong sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số tiền do họ kiểm đếm. Khi giao tiền cho khách, NH sẽ xé niêm phong đồng thời yêu cầu khách hàng kiểm tra lại tiền trước khi rời khỏi NH.
Ông Hai giải thích thêm khi chi tiền cho khách hàng, NH không chi theo cọc mà chi theo tờ, đồng thời có lập bảng kê chi tiết từng loại tiền, số lượng bao nhiêu và yêu cầu người nhận kiểm tra số tiền đã nhận trước khi ký vào giấy nhận tiền.
Như vậy về lý, khách hàng phải kiểm tra kỹ trước khi đồng ý ký nhận. Các NH đều tuân theo các nguyên tắc khi kiểm đếm nhưng cũng khó tránh khỏi sai sót. Vì vậy, tốt nhất người nhận nên kiểm lại tiền khớp với những gì mình đã ký nhận. Trong trường hợp nhận nhiều hoặc không biết sử dụng máy đếm tiền thì có thể yêu cầu nhân viên hỗ trợ đếm và khách hàng đứng chứng kiến.
Nên giao dịch chuyển khoản
* Để tránh rủi ro và không mất thời gian, ông Hồ Hữu Hạnh - giám đốc NH Nhà nước TP.HCM - cho rằng người dân nên tận dụng các giao dịch chuyển khoản. Việc chuyển tiền rất thuận lợi, thủ tục đơn giản và đã được đại đa số người dân, doanh nghiệp sử dụng. Trường hợp bất khả kháng, nếu phải rút tiền với số lượng lớn thì nên bố trí nhiều người để kiểm đếm tại chỗ.
* Trong khi đó, để tránh rắc rối với khách hàng, nhiều nhân viên kho quỹ của NH đã thực hiện thao tác cắt dây bó tiền trước khi giao cho người nhận. Toàn bộ hoạt động của bộ phận quỹ tại NH đều được ghi hình, vì thế khi đã cắt dây niêm phong, khách hàng khó có thể khiếu nại NH.
Tuy nhiên, một số người rút tiền lại hiểu nhầm vẫn còn nguyên giấy niêm phong nên không kiểm đếm, do đó bị thiệt.
Vì sao không được đổi lại tiền giả?
Giám đốc kho quỹ một NH ở TP.HCM cho biết theo quy trình thu tiền mặt của NH, đối với tiền mệnh giá lớn, giao dịch viên phải kiểm lại bằng tay sau khi đã kiểm để loại tiền giả qua máy đếm tiền. Do vậy giao dịch viên không cần phải kiểm lại bó tiền khi chi cho khách. Việc này khách hàng phải tự kiểm tra.
Về xác suất kiểm tiền thật giả, do tiền giả ngày càng tinh vi, NH không loại trừ khả năng tiền giả còn sót lại trong tiền do NH chi ra, nhưng tỉ lệ rất thấp. Tuy nhiên, trước phản ảnh của khách hàng, NH cũng thường xuyên đánh giá lại chất lượng cán bộ kiểm ngân để bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền.
Xung quanh vấn đề xử lý khi phát hiện tiền giả, các NH cho biết khi khách hàng nộp tiền mà NH phát hiện có tiền giả thì sẽ lập biên bản thu hồi. Cuối tháng NH thương mại sẽ tổng hợp số tiền và biên bản để báo cáo NH Nhà nước và cơ quan công an.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết thêm theo quy định, khi phát hiện tiền khách hàng nộp vào NH có lẫn tiền giả thì NH phải lập biên bản thu hồi ngay. Biên bản gồm hai bản, một do khách hàng giữ và bản kia do NH giữ. NH phải lập biên bản là để xác định số tiền tịch thu là tiền giả, trên biên bản có mô tả đặc điểm tờ tiền, số xêri... để báo cáo NH Nhà nước và cơ quan công an.
Đồng thời NH sẽ đóng dấu hoặc bấm lỗ lên tờ tiền giả để phân biệt, tránh tờ tiền này lại đưa vào lưu thông. Dựa trên biên bản và chứng cứ được gửi về NH Nhà nước và cơ quan công an để nơi này phân tích nhằm đấu tranh với nạn tiền giả. Việc lập biên bản cũng là để ghi nhận, theo dõi nhằm phát hiện các trường hợp liên tục nộp tiền có lẫn tiền giả vào NH, hoặc nộp số tiền giả lớn. Với trường hợp liên tục nộp tiền giả thì phải khai nguồn gốc của số tiền giả trên.
(Báo Tuổi Trẻ)