Dù giá cả nhiều mặt hàng đã hạ xuống đáng kể nhưng sức tiêu dùng vẫn có xu hướng giảm, giá trị hóa đơn thanh toán trung bình của mỗi khách cũng giảm đi đáng kể.
Theo dõi hóa đơn mua sắm của khách hàng, lãnh đạo nhiều siêu thị nhận xét, người tiêu dùng ngày càng căn ke, so sánh giá nhiều hơn. Họ không còn mua sắm theo ý thích mà bó chặt chi tiêu vào những mặt hàng thiết yếu nhất. Đại diện hệ thống siêu thị Intimex tính toán, một khách hàng vào siêu thị trước đây có thể mua sắm phổ biến ở mức 200.000 đồng/lần, con số này hiện tại chỉ vào khoảng hơn 100.000 đồng. Các mặt hàng như đồ gia dụng, quần áo, điện máy... tại Intimex từ Tết đến nay đã giảm doanh số từ 20 – 30% so với cùng kỳ.
Tại TP HCM, đại diện hệ thống Citimart cho biết, sức tiêu thụ hàng hóa hiện nay giảm từ 10%-20% so với cùng kỳ năm ngoái, còn so với thời điểm Tết, mức giảm lên đến 70%. Do sức mua yếu nên sắp tới khả năng các nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa buộc phải điều chỉnh giá giảm để kích cầu. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: Để kích thích người tiêu dùng mua sắm, Saigon Co.op phải tổ chức thường xuyên các chương trình giảm giá. Nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu hiện nay vẫn bán với giá thấp hơn thị trường từ 10%-20%, hàng gia dụng giảm giá từ 10%-20%... nhưng sức mua cũng chưa khả quan...
Trước sự suy giảm của thị trường tiêu dùng, nhiều hệ thống bán lẻ đã tăng cường các chiêu khuyến mãi nhằm kích cầu người mua. Một loạt các tên tuổi lớn trong làng bán lẻ như Fivimart, Citimart, hay Big C… đã tiên tục tung ra các chương trình khuyến mãi lớn. Song song với đó là thực hiện cắt giảm chi phí tối đa, kể cả quan hệ công chúng, quảng cáo, khuyến mại. Một số siêu thị cũng đã nỗ lực đàm phán, chia sẻ với nhà cung cấp, sản xuất để giảm giá hơn nữa cho người tiêu dùng được cho là một động thái tích cực.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Bài thuộc chuyên đề: 01/01/2009 Mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam