Một số nhà phân phối trứng chiếm thị phần lớn như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt vừa có đợt tăng giá mới. Trứng vịt từ 24.200 đồng/chục lên 25.300 đồng/chục loại 1. Trứng gà từ 17.200 đồng/chục lên 18.400 đồng/chục.
Ông Trương Chí Thiện, giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt nói, nguyên nhân tăng giá là do người chăn nuôi loại thải bớt đàn gia cầm đẻ trứng; đồng ruộng ở các tỉnh ĐBSCL cạn nước… dẫn đến nguồn trứng thiếu hụt.
Giá các mặt hàng thực phẩm chế biến hiện tăng khá mạnh, doanh nghiệp giải thích là do chi phí sản xuất đầu vào cao! Ảnh: Hồng Thái |
Bên cạnh mặt hàng trứng gia cầm, từ nửa cuối tháng tư đến nay, giá các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng tăng khá mạnh, có doanh nghiệp tăng giá tới 80% dòng sản phẩm đang bán trên thị trường. Mở đầu đợt tăng giá này phải kể đến dòng sản phẩm thương hiệu Fisco trong hệ thống siêu thị, cửa hàng, tỷ lệ tăng lên tới 5-20% giá trị so với trước đây. Chẳng hạn, một cái lẫu thái trước đây có giá 35.100 đồng, nay tăng lên 37.500 đồng. Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty cổ phần hải sản S.G Fisco giải thích việc tăng giá xuất phát từ nguyên liệu đầu vào tăng. Theo bà, dòng sản phẩm lẩu của Fisco sử dụng nguyên liệu hải sản như tôm, mực, cá viên… Những loại nguyên liệu này đã tăng giá mạnh từ đầu 2010 đến nay, ít thì 5%, nhiều lên tới 10-15, thậm chí 20% như tôm. Ngoài sản phẩm chế biến nội địa, thị trường còn ghi nhận thêm hai dòng sản phẩm nhập khẩu khác của Fisco tăng giá tới 20% là cá trứng và cá hồi nhập từ Nhật, Na Uy. Theo giải thích của Fisco, tỷ giá thay đổi là nguyên nhân chính buộc họ phải tăng giá sản phẩm. Ngoài ra, từ 1.3.2010, hàng loạt chi phí đầu vào khác như điện, nước, xăng dầu, cước vận chuyển cũng được tính thêm vào giá thành sản phẩm do đã được điều chỉnh tăng giá.
Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre cũng tăng giá từ 5-10% với 80% số lượng mặt hàng thực phẩm chế biến. Sản phẩm tăng giá gồm chả giò, há cảo, cá viên, tôm viên, bò viên, mực viên, giò lụa, lạp xưởng… Một đại diện công ty Cầu Tre cho rằng, từ đầu năm đến trước khi có quyết định tăng giá (giữa tháng tư), công ty phải gồng gánh kìm giá thực để hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Chỉ tính riêng đợt tết nguyên đán 2010, do không được phép tăng giá nên Cầu Tre bị thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. “Nay giá nguyên liệu đầu vào tăng nên công ty buộc phải điều chỉnh giá bán”, vị đại diện này nói. Bên cạnh hai “đại gia” nói trên, sản phẩm cùng loại của một số đơn vị có thương hiệu ít tên tuổi hơn như lẩu của Hải Lộc, Phi Long, An Bình, Cholimex, Trung Sơn cũng tăng giá từ 5% trở lên. Chỉ có Vissan đến nay chưa tăng giá, do trước tết nguyên đán công ty này đã điều chỉnh giá.
Tìm hiểu thị trường nguyên liệu ở thời điểm hiện nay, phóng viên ghi nhận nhiều nhóm hàng tăng giá thực sự, như tôm sú tăng tới 30% so với cuối 2009 do chưa vào vụ thu hoạch, nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm sử dụng nguyên liệu thịt heo hay gia cầm thì ít bị tác động, vì loại nguyên liệu này hiện nay khá rẻ do ảnh hưởng dịch bệnh heo tai xanh.
(Theo Hoàng Bảy // SGTT Online)