Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thói quen tiêu dùng thay đổi theo túi tiền

Sự eo hẹp của túi tiền lại ngược chiều với sự phát triển phong phú của hàng hoá, cũng như nhu cầu hưởng thụ tăng lên, đã làm thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng.

Ghi nhận thực tế từ bốn hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM gồm Co.opmart, Big C, Maximark và Citimart cho thấy, dưới tác động của những khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nên khi mua sắm họ phải tính toán kỹ lưỡng hơn. Song song đó, sự eo hẹp của túi tiền lại ngược chiều với sự phát triển phong phú của hàng hoá, cũng như nhu cầu hưởng thụ tăng lên, đã làm thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng.

Ngày 25.2, tại Co.opmart Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM), lúc đặt hàng lên quầy cho nhân viên quét mã vạch tính tiền thì vợ chồng ông bà Hiền - Loan vẫn tranh cãi với nhau có nên mua bộ thố nắp nhựa hay không. Ông thì cho rằng giá khuyến mãi đang rẻ nên mua. Bà thì chần chừ khi phải tốn thêm hơn 100.000 đồng. Cuối cùng họ bỏ bộ thố lại. Tính ra trong hoá đơn gần 500.000 đồng của khách hàng này, đến 90% là thực phẩm, chỉ có ba món phi thực phẩm là xà bông cục, nước rửa chén, giấy vệ sinh.

Thay đổi cơ cấu chi tiêu

Số liệu thống kê từ doanh thu bán hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart đang có mặt tại 32 tỉnh thành trên cả nước cho thấy, các năm 2009 - 2010 doanh thu nhóm hàng thực phẩm không vượt quá 45%, phi thực phẩm chiếm 55 - 60%. Từ đầu năm 2011 tỷ lệ đang thay đổi dần và đến thời điểm hiện nay nhóm hàng thực phẩm đã chiếm đến 57%, phi thực phẩm chỉ còn 43%. Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op nhận xét: "Để tiết kiệm, người tiêu dùng đã chọn cách ưu tiên mua các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, mà trong đó quan trọng nhất là ăn. Kế đến mua các mặt hàng có khuyến mãi nhiều. Họ không còn chọn hàng theo nhãn hiệu quen hay sản phẩm mới..."

Ở Citimart, hiện tại, khoảng 70% doanh thu bán hàng là của nhóm thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu (xà bông, bột giặt, dầu gội...) trong khi năm 2009 tỷ lệ này chỉ dưới 40%. Ông Lâm Minh Huy, tổng giám đốc hệ thống siêu thị Citimart nói: "Ở trung tâm quận 1, khách đi siêu thị cũng không còn như trước đây: thấy rẻ thì mua, thấy mới, đẹp thì sắm, hay thau xô nhựa xài thấy cũ là thay mới... Nay họ chỉ mua hàng đáp ứng tiêu chí vừa cần thiết, vừa rẻ (tức có khuyến mãi). Thậm chí có khách còn hỏi siêu thị có dịch vụ sửa chữa đồ gia dụng cũ hay không..."


Giảm giá đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng

Năm 2011, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị tại TP.HCM chiếm khoảng 35% doanh thu bán lẻ trên địa bàn trong khi năm 2002 là 15%. TP.HCM hiện có 140 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 500 cửa hàng tiện ích và ba chợ đầu mối, 244 chợ truyền thống cùng với hơn 10.000 tiệm tạp hoá. Kết quả khảo sát trên 1.000 người tại TP.HCM do một công ty nghiên cứu thị trường thực hiện cho thấy, 80% số người có thói quen đi siêu thị mua sắm mỗi tuần so với mức 12% cách đây mười năm.

Ở hệ thống Big C, thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh cũng chiếm đến 70 - 80% trong hoá đơn mua hàng của khách.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại của Big C nhận xét: "Chính vì tính toán tiết kiệm của người tiêu dùng khi so sánh giá cả, chất lượng, nên các nhãn hàng riêng không chỉ của Big C, mà ở các hệ thống siêu thị khác cũng đang có cơ hội tăng trưởng tốt". Hệ thống Co.opmart cũng dự kiến hàng nhãn riêng năm 2012 này sẽ tăng thêm 30 mặt hàng và đạt đến 4% doanh thu (khoảng 800 tỉ đồng/năm).

Phân hoá giàu nghèo

Các nhà kinh doanh siêu thị trên đều xác nhận tổng doanh thu bán hàng vẫn tăng, nhờ lượng khách đến tăng lên, nhưng giá trị trung bình của hoá đơn mua sắm không tăng. Mức khuyến mãi phải ngày càng "tăng đô" mới hấp dẫn người dùng. Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc Maximark nhận xét: "Trước năm 2010 thực phẩm giảm giá chỉ ở khoảng 5%, phi thực phẩm khoảng 10%, nhưng hiện nay thực phẩm giảm giá phải 10 - 22% và phi thực phẩm 15 - 50% mới tạo được ấn tượng thu hút khách mua hàng".

Tuy nhiên, việc thay đổi trong chi tiêu có sự khác biệt giữa các tầng lớp có thu nhập khác nhau. Cụ thể, ở Citimart cách đây ba năm hoá đơn bình quân ở các siêu thị bình dân khoảng 150.000 đồng/khách và siêu thị "cao cấp" (tức nằm ở khu dân cư có thu nhập cao hoặc chung cư/cao ốc có nhiều khách nước ngoài qua lại) khoảng 300.000 đồng/khách, thì đến nay siêu thị bình dân vẫn chỉ ở mức 150.000 - 180.000 đồng/khách, trong khi siêu thị "cao cấp" đã vượt mức 500.000 đồng/khách.

Ông Huy cho rằng: "Nếu tính mức tăng giá cả hàng hoá, ba năm qua vào khoảng 30 - 50%, thì rõ ràng chi tiêu mua sắm của khu vực bình dân đang giảm. Tôi đã cố gắng kéo trị giá hoá đơn lên 200.000 đồng/người, nhưng cũng chỉ được ngắn hạn trong đợt khuyến mãi ào ạt, sau đó quay về ngưỡng cũ. Trong khi đó người có tiền, thì vẫn mua sắm đều đặn theo sự phát triển của thị trường".

(Theo SGTT)

  • 8/3: Chọn đồ rẻ độc thời tăng giá
  • Giá dịch vụ ăn uống “nhảy múa”
  • Quà tặng 8/3: Hàng bằng vàng ròng lên ngôi
  • Lẩu vỉa hè: Của rẻ là của... ôi?
  • Người tiêu dùng Hà Nội 'khoái' thông tin truyền miệng
  • Quà Valentine thời khủng hoảng: Vật chất hay tinh thần?
  • Dân văn phòng "săn" phiếu khuyến mại làm quà tặng Tết
  • Về "lò" miến, ngỡ ngàng 100% miến nhuộm phẩm màu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng