Chỉ trong một tuần giữa tháng 3, giá thịt heo trong cả nước tăng ít nhất 20%. Theo đánh giá của Bộ Công thương, thịt heo tăng giá nên giá các loại thực phẩm thay thế khác như thịt gà, thịt bò, thủy sản... tăng 2.000-10.000 đồng/kg tùy loại...
Thịt heo đang bị làm giá?
Giá thịt heo tăng vọt ở mức người trong ngành cũng không lý giải được. Ảnh: H.T |
Tại các tỉnh miền Đông, giá heo hơi ngày 23.3 tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng so với hôm đầu tuần, lên 51.000-52.000 đồng, thậm chí loại heo có tỷ lệ nạc cao còn được hét giá đến 53.000 đồng/kg. Anh Vũ, một lái heo ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai nói trong vòng một tuần trở lại đây, hầu như ngày nào giá heo hơi cũng nhảy một vài giá (1.000-2.000 đồng/kg).
“Đầu tuần trước, heo đẹp mua tại trại giao động từ 42.000-45.000 đồng/kg, nhưng nay phải trả thêm 7.000-8.000 đồng nữa người nuôi mới bán”, anh Vũ cho biết.
Mối quan tâm nhất hiện nay của người tiêu dùng, đó là tại sao, chỉ trong thời gian ngắn, giá thịt heo lại tăng quá cao như vậy? Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi nhận định, thức ăn chăn nuôi vốn chiếm khoảng 70% trong giá thành chăn nuôi đã tăng ít nhất 25-30% từ cuối 2010 đến nay là nguyên nhân chính đẩy giá heo hơi tăng cao như hiện nay. Mặt khác, tình hình dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng xảy ra triền miên trong năm ngoái, đặc biệt là sức hút từ thị trường Trung Quốc ít nhiều tác động đến nguồn cung thịt heo hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan, việc giá thịt heo tăng cao như hiện nay còn xuất phát từ yếu tố tâm lý thị trường, nhiều đối tượng lợi dụng vào đó để tăng giá.
“Mấy tuần qua liên tiếp xuất hiện thông tin heo từ phía Nam chở ồ ạt ra Bắc, xuất sang Trung Quốc và cả Campuchia nên bị thiếu hụt, giá tăng”, ông Mười nói. Tuy nhiên, theo ông, đến bây giờ chưa có cơ quan nào thống kê lượng heo xuất ra là bao nhiêu, tác động như thế nào đến thị trường? Và thực tế, heo nuôi trong các trang trại lớn ở khu vực miền Đông còn rất nhiều, muốn mua bao nhiêu cũng có chứ không như tin đồn thổi.
Từ Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, một số thương lái cũng khẳng định đầu mối từ phía Bắc đã ngưng nhập heo từ ba bốn ngay nay do giá ngoài đó chựng lại, xuất ra không có lời.
Ở một góc độ khác, mặc dù giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng người chăn nuôi tính toán giá thành chăn nuôi heo hơi hiện nay chỉ ở mức tối đa 38.000-39.000 đồng/kg, bán ra 41.000-42.000 đồng đã đảm bảo lợi nhuận. “Không có lý do gì giá heo hơi lại tăng đến hơn 50.000 đồng như vậy”, ông Văn Đức Mười cũng bức xúc.
Trên thị trường hiện nay, theo thống kê của SGTT thì không bất kỳ công ty chăn nuôi nội địa nào nắm thị phần đến...1% số lượng thịt heo. Riêng chỉ có duy nhất công ty C.P (100% vốn tập đoàn C.P Thái Lan) chi phối khoảng 20%; chỉ tính từ Đà Nẵng trở vào, trung bình mỗi ngày C.P xuất chuồng 1.500-1.600 đầu heo. Số lượng thịt heo mà C.P nắm giữ được thể hiện qua tổng đàn heo nái. Tổng đàn nái cả nước có khoảng 1,7 triệu con, riêng C.P chiếm gần 12% với trên 200.000 con (có nguồn tin nói con số là gần 21%, tức 350.000 con chứ không phải 12%).
Bữa ăn tăng giá
Cùng với thịt heo, rau củ và các mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng từng ngày. Ảnh: H.T |
Điều đáng nói là thịt heo tăng đã tác động dây chuyền lên giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm thay thế khác như thịt gà, thịt bò, thủy sản (cua, cá). Các mặt hàng này tăng 2.000 - 10.000 đồng/kg (tùy chủng loại).
Ngoài ra, theo Bộ Công thương, một số loại rau, quả do vào cuối vụ, chi phí vận chuyển tăng và thời tiết không thuận lợi nên giá tăng mạnh từ 1.000 - 3.000 đồng (tùy loại) so với tuần trước: cà chua tăng 2.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, rau cải, cải bắp tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, xu hào tăng 1.000 đồng/củ, quýt ngọt, xoài tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg…
Theo khảo sát của SGTT, cơn bão giá đang tác động mạnh đến đời sống người dân. Sáng 22.3, cầm gần 1.000.000 đồng đi chợ mua thực phẩm tươi sống cho cả tuần, cô Ngọc Huyền ngụ ở quận 10 đảo lên đảo xuống hai vòng chợ Vườn Chuối (quận 3) mà vẫn chưa quyết định nên mua món nào. Cô cho biết, năm ngoái bằng nay mỗi tuần mua thịt cá chỉ chừng 500.000 đồng là chất đầy ngăn đá tủ lạnh, mỗi ngày chỉ cần thêm chừng 10.000- 15.000 đồng mua rau tươi, đến dịp tết vừa rồi phải chi đến 800.000 đồng mới đủ ăn cả tuần. Thế nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, chủ nhật nào cũng mua cả triệu đồng mới đủ dùng trong 7 ngày.
“Một ký thịt heo năm ngoái có chưa tới 650.000 đồng, bây giờ là 90.000-100.000 đồng thì hỏi làm sao mà không khốn khó”, bà Huyền nói thêm.
Cũng từ đầu tháng 3 đến nay, nhà bà Cúc ngụ ở phường 3, quận 8 đã có thói quen ăn bữa sáng với cơm nguội và các thức ăn còn dư từ bữa tối hôm trước thay cho các món hủ tíu, phở. Bà Cúc nói: “4 người con tôi đi làm lương khoảng 3 triệu/tháng/người, mỗi đứa góp tiền chợ cho mẹ 1,5 triệu đồng, tưởng là nhiều, vậy mà bây giờ trừ các khoản tiền gas, điện, nước, các khoản phí khác, tôi có 4,5 triệu đồng đi chợ mua thực phẩm cũng phải tiết kiệm lắm mới đủ dùng cả tháng”.
Phản ánh rõ nét của biến động giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu là giá thức ăn ở hàng, quán đều đã tăng thêm 3.000- 5.000 đồng/tô hoặc dĩa, tương ứng với mức tăng 15- 20%. Như phần bún chả ở quán Hà Nội trên đường Trần Phú từ 25.000 đồng đã lên 29.000 đồng. Tô bún bò từ 17.000 đồng lên 24.000 đồng. Anh Thanh Đồng, phụ bán hàng trong chợ An Đông kể: “Tháng trước mới ăn dĩa cơm lề đường 15.000 đồng là no, bây giờ 18.000 đồng cũng không no, bữa nào cũng phải mua thêm 2.000 đồng cơm.”
Vòng luẩn quẩn Qua khảo sát, tiểu thương các chợ than do giá thực phẩm quá cao nên chợ vắng khách. Bà Lan, bán rau chợ Tân Định quận 1 cho hay: “Khách chỉ đi mua chủ yếu buổi sáng, từ sau 11 giờ thưa vắng hẳn, buổi chiều cũng chẳng có mấy người mua. Nên lượng rau từ hơn 100 kg/ngày trước đây nay chỉ còn chừng 70- 80 kg, mà ngày nào cũng dư cả chục kg.” Khách vắng, thời tiết nóng làm rau củ quả, thịt cá mau hư. Để có đủ chi phí cho việc buôn bán và đời sống, hầu hết các tiểu thương đều tăng giá bán lẻ. Mức lãi của mỗi kg rau hiện nay là 5.000- 8.000 đồng, tương ứng 50-70%, mỗi kg thịt là 10.000- 20.000 đồng, tương ứng 10% và cá là 10.000- 15.000 đồng, tương ứng 30%. |
(Theo Hoàng Bảy - Bích Nga/sgtt)