Khá nhiều sản phẩm quảng cáo sản phẩm số gắn với giới văn phòng, nhưng thực tế, giới này tuy sở hữu đồ công nghệ mới nhưng sử dụng không nhiều.
Hàng lạ nguồn hiếm
Giới văn phòng giờ đây quá bận rộn, tranh thủ sử dụng các sản phẩm công nghệ trong khi ăn là hình ảnh thường gặp.Ảnh: Lê Quang Nhật |
Thay vì chiếc ghế matxa hàng chục triệu đồng thì trên thị trường đã xuất hiện những thiết bị mátxa “mini” chuyên mátxa đầu. Dĩ nhiên, giới bán hàng gắn nó với đối tượng văn phòng. Bà Thu, đang làm việc tại một công ty nước ngoài (Q.10, TP.HCM) cho biết, chiếc máy mátxa đầu chỉ có giá 1,2 triệu đồng, không rõ nhà sản xuất, có tác dụng thư giãn vào những lúc nghỉ trưa. “Chỉ cần bật ở tốc độ thấp, cái đầu căng thẳng cũng dịu đi ít nhiều, giúp cho giấc ngủ trưa sâu hơn”, bà Thu nhận xét. Cũng là chiếc máy mátxa mini nhưng nếu là hàng mang thương hiệu uCrown của hãng OSIM lại có giá gần 6 triệu đồng vì ngoài chức năng mátxa, còn có tích hợp chức năng nghe nhạc chuẩn MP3. Mặt hàng này đang được bán rộng rãi tại Parkson, Diamond Plaza…
Hiện trên thị trường vừa xuất hiện sản phẩm quạt “không có cánh” phù hợp với không gian văn phòng và với những ai không chịu được luồng thổi từ máy lạnh. Sản phẩm này có thiết kế gọn nhẹ, không có cánh. Gió từ máy được tạo trong ống (như máy lạnh), sau đó thổi ra ngoài qua khe nhỏ. Vì đặc biệt nên giá của thiết bị này khá cao, gần 10 triệu đồng. Theo một nhân viên của cửa hàng Hàng Độc (226 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) vì giá cao nên mặt hàng này bán chậm.
Với nhân viên đồ hoạ, việc vẽ hình bằng chuột sẽ bị mỏi tay vì bàn tay phải giữ chuột và di chuyển liên tục. Khắc phục nhược điểm này, tại nhiều cửa hàng bán máy tính tại TP.HCM bán khá nhiều bảng vẽ, dụng cụ vẽ kỹ thuật số của SolidTek, Wacon, Boogie... Chỉ cần dùng cây viết chuyên dụng (kèm theo bảng vẽ) vẽ trên màn hình LCD (bảng vẽ) hoặc trên bàn phím cảm ứng của dụng cụ vẽ, hình ảnh sẽ hiển thị trên máy tính (kết nối hai thiết bị qua cổng USB). Giá bảng vẽ số hiện được niêm yết với giá khoảng 2,8 triệu đồng tuỳ theo kích thước màn hình và hãng sản xuất. Còn với dụng cụ vẽ có giá khoảng 2,2 triệu đồng.
Thay vì mua iPad để xem phim, chơi game…, nhóm sản phẩm đọc sách điện tử (còn gọi là e-book hoặc e-Reader) ngày càng nhiều trên thị trường với giá ngày càng thấp như Sony PRS-900/ PRS-300SC (đọc sách điện tử), Archos 7 (vừa đọc nhiều định dạng text, vừa lưu trữ và kết nối internet…) với giá 3 – 4 triệu đồng.
Ít thời gian hưởng thụ
Nhiều nhân viên văn phòng xác nhận: “Không có nhiều thời gian để hưởng thụ những sản phẩm số trong khoảng thời gian làm việc tại văn phòng”. Bà Mai, đang làm việc tại một hãng điện tử nói rằng, hai thiết bị gần gũi nhất, bị khai thác nhiều nhất là chiếc điện thoại di động và máy tính. “Tôi có khả năng để mua sắm nhưng phải thừa nhận rằng, là không có thời gian. Hết cắm mặt vào máy tính lại nghe điện thoại. Mệt quá nên thời gian nghỉ trưa chẳng cần nhạc hay mátxa cũng ngủ ngon”, bà Mai chia sẻ. Tương tự, bà Tú (Tân Bình, TP.HCM) chơi chứng khoán chuyên nghiệp nên đồ chơi số “online 24/24” là chiếc máy tính và chiếc điện thoại di động. Khi iPad vừa có mặt tại thị trường Việt Nam, bà Tú lập tức mua một chiếc với giá 22 triệu đồng nhưng chỉ dùng hơn một tháng là cất nó vào ngăn bàn vì… “không có thời gian để xem phim. Còn dùng để đọc sách lại quá đau mắt”. Để đọc sách điện tử, bà Tú chọn mua thêm một thiết bị e-Reader với giá gần 4 triệu đồng vì đọc sách trên e-Reader sẽ an toàn cho mắt hơn!
Dân làm việc văn phòng không thiếu thông tin về các sản phẩm số hỗ trợ cho khoảng thời gian làm việc tại văn phòng. Nhưng nghịch lý, giới thu nhập cao (vài chục triệu đồng/tháng) lại không có nhiều thời gian để hưởng thụ, có mua, dùng được vài lần cũng cất kỹ. Còn với nhóm thu nhập thấp và trung bình (dưới 10 triệu đồng/ tháng), lại có thời gian nhưng lại không đủ tiền để mua sắm những sản phẩm cần cho bản thân và công việc. “Vì công việc, tôi cần một chiếc máy ảnh nhưng với thu nhập chỉ vừa đủ trả tiền nhà và ăn uống hàng ngày, biết đến bao giờ mới mua được”, Thu Thảo, một nhân viên ở quận 3 cho biết như vậy.
( Theo TRỌNG HIỀN // Báo SG Tiếp Thị Online )