Miền Trung những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975 toàn một biển người. Một biển người thấp thỏm đợi chờ, mong ngóng được trở lại quê hương, được đoàn tụ người thân tản mác do bom đạn. Ai cũng thấp thỏm ngày về và chính quyền cách mạng đã kịp thời có mặt, cùng quân đội ta tìm mọi cách tạo điều kiện cho đồng bào di tản sớm trở lại quê cũ
Suốt nửa tháng sau ngày giải phóng Đà Nẵng, 29-3-1975, trên các nẻo đường của một dải miền Trung ngày đêm tấp nập các đoàn xe nối đuôi nhau đưa đồng bào lưu lạc trở về cây đa bến cũ, về phố phường xưa mà tình thế hỗn loạn cộng với sự hù dọa, ép buộc của những phần tử ngoan cố trong bộ máy quyền lực Sài Gòn xô đẩy họ ra đi.
Bộ đội tiến vào giải phóng TP Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh: S.T
Nhốn nháo trước ngày giải phóng
Đồng bào theo tâm lý số đông, đành phó mặc số phận, ùa nhau dấn thân đến những nơi ai cũng biết là vô định. Chính quyền Sài Gòn cưỡng ép dân di tản đến những vùng họ còn kiểm soát nhưng lại rêu rao đồng bào tự nguyện rời bỏ quê hương ra đi vì sợ quân giải phóng vào sẽ sát hại!
Các phóng viên nước ngoài có cái nhìn khách quan và dám nói lên sự thật. Hai tờ báo uy tín của Pháp lúc ấy có chung nhận định: Nhân dân những vùng sắp giải phóng hối hả ra đi trong hoảng loạn, bởi chính quyền Sài Gòn đã cho loan truyền rất rộng rãi thông tin : Ở những vùng Bắc Việt sẽ chiếm được, không lực Mỹ và quốc gia sẽ dội bom xuống bất cứ những gì đang chuyển động, không cần phân biệt đó là quân cộng sản hay dân thường!
Báo Chính Luận xuất bản tại Sài Gòn ngày 23-3-1975 đăng tường thuật của phóng viên từ Huế: “Sáng 19-3, dân Huế đổ xô vào Đà Nẵng bằng tất cả mọi phương tiện. Từng đoàn xe hàng, xe lam, xe Honda nối đuôi nhau vượt đèo Hải Vân, bỏ rơi TP Huế”. Phóng viên Jacques Decornoy viết trên báo Pháp Le Monde số ra ngày 21-3-1975 về tình hình nhốn nháo ở Quảng Trị và Huế trước ngày giải phóng: “Dân thường đang bỏ chạy, ít nhất cũng một phần. Họ trốn chạy cộng sản? Đó chính là lý lẽ mà Washington và Sài Gòn vẫn thường đưa ra mỗi khi có một cuộc tiến công của quân đội Chính phủ Cách mạng lâm thời... Chuẩn xác hơn, dân thường sợ đánh nhau và nhất là sợ những cuộc trả thù (của quân đội Sài Gòn). Mọi người đều biết rằng mỗi khi quân Sài Gòn rời bỏ một vùng nào đó thì ngay lập tức, nơi đó trở thành vùng tha hồ ném bom”.
Ở Huế, tôi có dịp chuyện trò với GS Trần Viết Ngạc, nguyên chủ tịch Nghiệp đoàn Giáo chức TP Huế, sau giải phóng là ủy viên Ban Điều hành lâm thời Viện ĐH Huế. Theo GS, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn không có ý định đón, đưa dân di tản. Họ thừa biết nếu để dân tị nạn từ các nơi ùa vào được Sài Gòn thì TP này sẽ vỡ tung. Họ thúc dân Huế vào Đà Nẵng, dân Đà Nẵng vào Cam Ranh, dân Cam Ranh vào Vũng Tàu, Bà Rịa. Như thế, ai ai cũng là người tị nạn, đâu đâu cũng gặp dân tị nạn. Họ biết sớm hay muộn đồng bào rồi cũng sẽ trở lại quê cũ, vậy mà vẫn tìm đủ cách thúc ép bà con di tản, ít ra cũng nhằm làm cho mọi người sẽ mang mặc cảm: Tại sao mình đã không đủ tỉnh táo để ở lại đón chào quân giải phóng; tại sao mình lại tự tạo ra khoảng cách với chính quyền cách mạng...? Sài Gòn hy vọng chính quyền mới sẽ có sự kỳ thị nhất định đối với những người đã bỏ xứ sở ra đi. GS Ngạc cũng cho biết viên tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng Huế trước giải phóng đã từng tuyên bố: “Thời buổi này, dân càng hoang mang càng tốt”!
Hối hả hồi cư
Sau ngày giải phóng, trên mọi nẻo đường trong TP cũng như từ Đà Nẵng tỏa về các nơi, đến đâu chúng tôi cũng gặp toàn những con người nhếch nhác, mệt mỏi, lấm láp bụi đường, mồ hôi nhễ nhại. Vậy mà khi cán bộ, bộ đội ta ngẫu nhiên tiếp cận bất kỳ ai đều nhận được ở họ nụ cười đầy thiện cảm, đều nhìn thấy ở đồng bào sự hân hoan với lời bộc bạch: “Những ngày qua, chúng tôi vất vả, khổ cực quá chừng, đã mấy lần tưởng chết tới nơi! Những ngày khổ cực ấy chắc chắn là “khổ tận cam lai” rồi đó”.
Các cây cầu hỏng được quân đội ta sửa chữa, khó sửa quá thì bắc cầu tạm, làm đường tránh cho mọi phương tiện vận chuyển thông suốt hai chiều. Tôi chứng kiến những chiếc Honda 50 phân khối kĩu kịt chở 3-4 người cùng hành lý cồng kềnh mà vẫn phóng vun vút, rú ga ầm ĩ, nẻo nào cũng lách, lối nào cũng bươn qua được. Trên những ô tô chở người, trẻ em, người lớn chen chúc tranh chỗ với đủ thứ vật dụng lỉnh kỉnh. Xe gắn máy cạn xăng đành chịu buộc ép vào đầu ô tô. Xe đạp móc lủng lẳng từng chùm ở đuôi xe đò, xe tải...
Trong những đoàn người hồi cư kia, không chỉ có đồng bào vừa vội vàng chạy loạn tuần trước nay hối hả trở về mà còn có nhiều gia đình bị dồn từ lâu vào các trung tâm định cư đặt trên các trảng cát khô cằn, cháy bỏng ven bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam. Bộ đội, an ninh, du kích tay cầm cờ hiệu chạy đi chạy lại giữ trật tự lưu thông, ai cũng mồ hôi đầm đìa.
Gặp cây cầu tạm tuy ngắn nhưng rất hẹp phía Bắc đèo Hải Vân, xe cộ ùn lại. Có ai đó từ phía trong lên tiếng: “Xin vui lòng ưu tiên cho xe ra! Xe chúng tôi có nhiều em bé, cụ già hồi cư”. Có tiếng đáp lại ngay: “Thì chúng tôi cũng vội vào, đồng bào trong đó thiếu ăn đang mỏi mắt chờ xe để hồi cư đây”...
Bình tâm lại ngay Tại Đà Nẵng vài ngày sau giải phóng, tôi có dự một cuộc tọa đàm của các ký giả báo chí Sài Gòn đang có mặt ở TP hoặc bị kẹt lại hay cố tình không di tản. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân được mời dự với danh nghĩa cố vấn Phân bộ Ký giả miền Trung. Ông cao giọng: “Nếu bộ đội giải phóng vào muộn 5-10 hôm nữa, tôi e một nửa số dân Đà Nẵng này đến chết hết vì bệnh dịch tả!”. Nhà văn phân tích: “Những người di cư chủ yếu là thị dân, bà con nông thôn ít. Đồng bào thừa biết những nơi mình đưa chân tới không phải là thiên đường, chủ yếu họ sợ sẽ chết oan vì bom của chính không lực Sài Gòn... Quý vị có thể hiểu tâm trạng của chúng tôi trong những ngày ấy. Quân giải phóng vào, chúng tôi bình tâm lại ngay”. |
Kỳ tới: Bên những pho tượng Chàm
(Theo PHAN QUANG // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com