Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Lên bờ”, đừng để… ngồi chơi !

Trước lúc nhắm mắt, bà Lan gọi con cháu rồi chỉ vào chỗ đang nằm hỏi “cắc cớ”: “Chỉ cần một tấm ván và mấy cục đá là có cái giường. Hồi ở dưới đò, có đứa mô nghĩ mình được nằm trên giường không?”.

Một góc vạn đò trên sông Đông Ba (ảnh chụp năm 2008).

Bà hỏi đi hỏi lại mấy lần, nhưng tiệt không có tiếng trả lời. Cùng ở với nhau trên đò, dân vạn đò biết rõ điều này. “Ba mét vuông cho 10 người ở, nằm duỗi chân còn khó, lấy đâu ra chỗ đặt giường? Từ ngày còn con gái, và đến bây giờ là mẹ của tám đứa con, bà cụ vẫn chưa một lần được đặt lưng lên chiếc giường tre dành cho sản phụ lúc hong phơi. Thế nên cụ ước, dù chỉ một lần” - Trần Văn Khoa bỏ lửng câu chuyện về giấc mơ của người vạn đò, nâng cốc rượu lên miệng. Chén cạn tới đáy.

Khép lại giấc mơ

Khoa là cháu nội bà Lan. Cả gia đình cùng trên 160 hộ dân vạn đò trên các sông ở Huế gần cuối tháng 12 vừa qua đã được UBND thành phố Huế tổ chức di dời, đưa đến định cư ở khu TĐC xã Hương Sơ, nằm ở phía bắc thành phố. Ở nhà mới được hơn chục ngày thì cụ Lan mất.  

Khu TĐC Hương Sơ- nhà mới của dân vạn đò.

 Mỗi căn hộ 0m2 ở đây được bán cho người vạn đò với giá 65 triệu đồng, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng. Số 50 triệu đồng còn lại, họ sẽ trả dần sau 6 tháng định cư, ổn định cuộc sống.

“Nhà ni, bầy tui chưa trả tiền cho Nhà nước, nhưng trước lúc đi, mệ tui có dặn: Đời làm thằng vạn đò cực, nhục lắm. Không nhục đến đời tui, mà còn đến con cháu tui! Bởi rứa, dù cực mấy củng cố làm để trả tiền nhà, giữ lại nhà để làm “ông tổ của người vạn đò trên cạn”- Khoa kể tiếp- “Mệ tui dặn xong câu đó thì chết. Lúc đi, tay bà vẫn giữ chặt thành giường, như muốn được sống thêm, nhưng nét mặt thì thanh thản vô cùng. Mong ước từ xưa, đến thời mệ tui đã thành sự thật”.

Vì là dân vạn đò

“Không biết vì răng tui sinh ra đã thành người vạn đò. Anh nói tiếng Huế, chắc cũng là người ở Huế? Anh nghĩ răng về bầy tui? Tui mới học hết lớp 3. Hồi xưa đi học, mỗi lần cãi nhau với bạn, dù tui đúng, nhưng bạn bè nạt: “Đồ vạn đò biết chi!”, rứa là tui thua vì xấu hổ. Làm thằng vạn đò, cả nhà đu đeo trên chiếc đò rộng 3m2, ăn ở, ỉa đái đều trên đó cả, vừa nhớp, vừa hôi hám”- Khoa vẫn chưa dứt được câu chuyện quá khứ.

Sau cốc rượu, Khoa kể tiếp: “Có đứa bạn ở lớp xuống chơi, thấy tui đái xuống sông, hắn che mặt. Thấy mạ tui múc nước dưới sông lên nấu uống, nó không dám đụng tay vô cái cốc. Chuyện nớ, cả lớp đều biết nên không ai chơi với tui. Sống trong thành phố, cùng một phường Phú Bình với nhau, nhưng trong mắt mấy đứa cùng lớp trên cạn, tui như thằng của thế giới khác, bởi vì tui là dân vạn đò”.

Trần Văn Khoa: "Tui là thằng của thế giới khác!".

Nhà Khoa có sáu anh em, tất cả đều học chưa tới lớp bốn. Đó là “bệnh” mà đa số dân vạn đò ở Huế đều gặp phải. Công việc bấp bênh, thiên tai triền miên, dân vạn đò ở Huế phần lớn đều bị rơi vào cảnh nghèo đói. Và hệ luỵ của đói nghèo, không được quan tâm giáo dục đã khiến nhiều thanh niên vạn đò sớm dính vào vòng lao lý. Vạn đò, được xem như nơi nảy sinh nhiều tệ nạn.

Đến năm 22 tuổi, Khoa kết hôn. Vợ Khoa cũng là người trong vạn. Lấy nhau năm năm, hai vợ chồng ra riêng, sống trên một chiếc đò nhỏ, mỏng như lá lúa. Rồi Khoa có con. Không chịu được khổ, lại thêm bệnh uống rượu, Khoa bị vợ bỏ. Ngày này Khoa xuống sông bắt cá nuôi con.

Chờ việc hay tìm việc?

Cuối năm 2009, UBND thành phố Huế di dời đồng loạt. Trên 160 hộ vạn đò được đưa về định cư ở khu TĐC Hương Sơ. Khoa vẫn còn hộ khẩu với mẹ. Các anh chị đã lấy vợ lấy chồng giờ ở riêng. Khoa là trụ cột của gia đình bốn người, một bà mẹ già yếu, một bà chị bị liệt, một đứa con.

Hơn một tháng qua, ngày ngày Khoa ra quán cà phê, ai thuê thì làm, không thuê thì đánh bài. Nhưng việc làm ngày càng hiếm, không tự tìm thì chẳng ai đến tìm. Nam không có việc nên suốt ngày làm bạn với những quân bài.

Chị Lê Thị Thu “cả ngày tui ngồi như ri đây”.

Cạnh nhà Khoa, chị Lê Thị Thu, 33 tuổi và tám đứa con gần tháng qua cũng không biết làm gì. Chồng chị đạp xích lô, chị làm nghề cá. Lên bờ, chị thất nghiệp. Cũng đã thử loay hoay nhưng chưa kiếp được việc phù hợp, chị kể: “Tui đi đúc bờ lô thuê cho người ta, được hai buổi thì mưa, mưa dai dẳng tới chừ. Chắc tui phải kiếm việc khác, Huế mình mưa nhiều nắng ít, đúc bờ lô thuê, ngó rứa mà bấp bênh”.

Thu nhập chưa đảm bảo bên mặc dù nhà đã có điện nhưng chị không dám dùng nhiều. “Mối ngày chỉ bật đến tám giờ tối, sau tắt, để dùng ắc qui. Bình ắc qui thắp được 15 đêm, chỉ mất 4.000 đồng để sạc”, chị tính nhẩm.

Một số ít thanh niên vạn đò trong khu TĐC đã tìm được việc, có người đi xe ôm, có người đi làm cát sạn, nhưng cũng còn rất nhiều người suốt ngày ngồi chơi.

Tôi thắc mắc tại sao không học như người ta, kiếm một chiếc xích lô để lao động, kiếm thêm thu nhập ? – Khoa chỉ cười : “Mấy người đó đi xe lâu rồi. Còn tui là dân làm cá, tay chân loèo khoèo thì đạp xích lô sao được ?”

“Trước khi thành phố di dời, họ đã cho đăng ký nghề nghiệp để bố trí, tại sao không nói để được đưa về khu TĐC khác gần sông nước hơn ? – “Có ai hỏi tui mô”, Khoa đáp khi tôi chưa dứt lời.

Một số thanh niên vạn đò đang gửi gắm tương lai vào… quán nước.

Trong khu TĐC cư này, ngoài Khoa còn có nhiều thanh niên khác đang ngồi chờ việc. Vì vậy từ sáng đến chiều tối, những quán cà phê trong vùng lúc nào cũng đông người ngồi đánh bài. Người có tiền thì uống cà phê, người ít thì ngồi hóng chuyện, thêm lời, hoặc bày nhau đánh bài, chơi cá ngựa. Phần lớn gia đình họ đều có người làm trên cạn, làm dưới nước. Khu TĐC này xa sông, người làm nghề cạn kiếm được việc làm, người làm nghề nước suốt ngày chơi, thời gian chờ dài không khác những cơn mưa Huế.

Bài học nhãn tiền

Trên lý thuyết, chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải hoàn tất khâu đào tạo nghề, bố trí công ăn việc làm trước, sau mới tiến hành di dân nhằm tránh những xáo trộn. Thế nhưng theo ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Huế thì: “Trước khi di dời, thành phố đã tổ chức thống kê. Khu TĐC Hương Sơ là nơi dành cho các hộ vạn đò sống bằng nghề trên cạn, còn khu khác chúng tôi có xây âu thuyền để phục vụ những hộ dân vạn đò sống bằng nghề cá. Hiện trên sông còn 200 hộ chưa lên bờ. Sau này, khi đưa tất cả hơn 1000 hộ dân lên bờ xong, chúng tôi sẽ điều tra nhu cầu việc làm theo dự án của tỉnh. Lúc đó, bà con muốn học nghề thì đăng ký”.

Không phải đây là lần đầu tiên Huế di dời dân vạn đò. Cách đây khoảng 20 năm, Huế đã tiến hành di dời gần trăm hộ dân vạn đò, đưa đến định cư ở Kim Long. Khi đến đây, do không có việc làm nên nhiều thanh niên vạn đò chỉ biết uống rượu, đánh nhau, trộm cắp, thậm chí là cả giết người. Cám cảnh, hơn chục hộ dân đã vội vàng bán đất, quay lại với con đò để sống như trước.

Đừng để họ tái diễn cảnh sống vạn đò ngay trên bờ.

Trở lại cuộc sống của một bộ phận người dân ở khu TĐC Hương Sơ, sau một hồi suy ngẫm, Khoa buột miệng: “Nhà nước cho bầy tui lên cạn như ri là tốt lắm rồi, nếu đòi thêm nữa thì hơi quá. Nhưng nếu họ có ý định dạy nghề, tui chỉ có nguyện vọng nhỏ, đó là hãy thu xếp cho bầy tui học nghề mà xã hội đang cần. Bấy lâu bầy tui cũng được mấy tổ chức nước ngoài cho đi học nghề, nhưng học rồi không biết làm chi hết. Ngoài đường tiệm sửa xe nằm nhan nhản. Nếu được học nghề, đề nghị cho tui học nghề mới, ít người làm, chứ không cũng không giải quyết được chi”.

Mưa vẫn đang xối xả ở Huế, và suốt dọc miền trung. Tết này, toàn bộ hơn 1.000 hộ dân vạn đò trên các sông ở Huế đã được đưa lên bờ. Với chính quyền địa phương, đó là một kỳ tích.

Nhưng, sẽ ấn tượng, xứng đáng hơn, nếu người vạn đò được tiếp sức, được trao “cần câu” để họ vĩnh viễn xoá đi quá khứ đói nghèo, lạc hậu và ô nhiễm. Còn không, họ sẽ tái diễn cảnh sống vạn đò, tạm bợ, buông thả, trôi dạt ngay chính trên bờ.

Điều đó không ai muốn, cả chính quyền và những người vốn cả một đời chỉ ước được sống cho ra sống trên bờ.

 

(Theo DƯƠNG QUANG TIẾN // Báo Nhân dân)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Phóng sự ảnh sập cầu Cần Thơ
  • Phóng sự ảnh: Những ngày cuối của 'hung thần'!
  • Phóng sự ảnh: Nào ta cùng Yoga !!!
  • Phóng sự ảnh: Đổ về Hà Nội
  • Chùm ảnh: Hà Nội - sông và cống
  • Phóng sự ảnh: Mùa thiếu nước trên cao nguyên đá
  • Chùm ảnh: Trẻ vùng cao và thành thị-2 mảng màu khác biệt
  • Đường tới "thiên đường": Bĩ cực mà chẳng thái lai (Kỳ 2)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi