Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Miền trung tháng 3 kỳ diệu - Kỳ 3: Bên những pho tượng Chàm

Những ngày đầu sau giải phóng, nơi yên ắng hơn cả giữa TP Đà Nẵng đang kẹt cứng người là Viện Bảo tàng Chàm. Viện vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn cơ ngơi và các hiện vật quý, nhờ cuộc tiến quân thần tốc của quân giải phóng

Tôi say sưa ngắm các pho tượng cổ chỉ được thấy qua ảnh in trên sách báo ở Viện Bảo tàng Chàm mà mình đã từng nghe tiếng từ thời còn đi học với tên gọi Musée Cham. No nê, tôi mới lân la tìm gặp người phụ trách. Toàn bộ viên chức được chính quyền Sài Gòn trả lương để quản lý Viện Bảo tàng Chàm chỉ có vài người, gồm anh quản thủ, một viên chức trẻ măng và người gác cổng luống tuổi.

Cơ ngơi nguyên vẹn

Quản thủ viện bảo tàng cho biết anh không được đào tạo chuyên ngành khảo cổ. Anh chỉ là một cử nhân văn chương, vì say mê nghề này nên vào đây làm việc. Lời đầu tiên của anh là tỏ lòng chân thành biết ơn quân giải phóng, ngay từ hôm vừa vào TP đã phái một tiểu đội quân phục chỉnh tề đeo súng ống đến giúp giữ gìn trật tự an ninh, ngăn ngừa bọn trộm cướp cổ vật và hôi của.

Dường như có chút mặc cảm, anh quản thủ cho mời vị tiền nhiệm đã nghỉ hưu đến cùng tiếp nhà báo Bắc Việt. Đó là một cụ già dong dỏng cao, phong thái trí thức, tuổi ngoài 70. Cụ là chuyên viên khảo cổ học, từng làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp từ năm 1928, quen thân nhiều nhà trí thức hàng đầu của ngành này ở ngoài Bắc...

Chuyện trò một lát, có lẽ nhận thấy anh bộ đội giải phóng tò mò hỏi han đủ chuyện này (suốt thời gian đi công tác, tôi vẫn mặc bộ quân phục) cũng có biết ít nhiều về nền văn hóa một thời vang bóng, nhà khoa học trở nên cởi mở hơn.


Bảo tàng Chàm Đà Nẵng. Ảnh: S.T

Cụ mở tủ lấy ra một cuốn sách khổ lớn bằng tiếng Anh in rất đẹp, trang đầu có thủ bút của tác giả đề tặng cùng lời cảm ơn “Mr Nguyễn Xuân Đồng”. Đây là công trình nghiên cứu của một nhà khoa học phương Tây khái quát những thành tựu khảo cổ học ở Đông Dương, do Trường ĐH Harvard - Mỹ xuất bản chưa lâu. Cụ Đồng chỉ cho tôi xem vài dòng cuối của lời nói đầu. Ở đó, tác giả bày tỏ lòng cảm tạ các nhà khảo cổ học VN, đặc biệt ba người đã giúp đỡ và cho phép tham khảo, trích dẫn công trình nghiên cứu của họ. Tên cụ, Nguyễn Xuân Đồng, in bên cạnh tên hai nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Văn Tố và Trần Văn Giáp.

Cụ Đồng tâm sự: “Tôi say mê khảo cổ học từ thời còn trẻ và đã cống hiến trọn đời cho ngành này. Tôi mới nghỉ hưu cách đây chưa lâu, không phải vì đã hết sức làm việc. Nguyên nhân chính khiến tôi xin nghỉ việc là vài năm trước, ông Nguyễn Văn Thiệu lập Đảng Dân chủ, ép những người đứng đầu các cơ quan, công sở phải vào đảng của ông ta. Tôi biết nếu không lo về hưu thì rồi tôi sẽ phải làm cái việc mình không thích”.

Nhà nghiên cứu cho biết điều cụ vui mừng nhất là Viện Bảo tàng Chàm vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn cơ ngơi và các hiện vật quý, nhờ cuộc tiến quân thần tốc của quân giải phóng khiến đối phương không kịp trở tay, bọn chuyên trộm cắp cổ vật tuồn ra nước ngoài cũng chẳng còn bụng dạ nào nghĩ tới chuyện ấy. Để phòng bọn vô lương thừa lúc lộn xộn hôi của, trộm cướp bảo vật, chính quyền cách mạng dù bận rộn mà vẫn nhớ và phái ngay một tổ bộ đội đến bảo vệ an toàn cho viện. Mấy vị phụ trách ngành văn hóa cũng đã đến thăm hỏi, khích lệ anh em tiếp tục làm phận sự của mình như ngày thường.

Hai thế hệ, một tâm tư

Cụ Đồng đưa mắt nhìn anh quản thủ nãy giờ vẫn đứng chắp tay khiêm nhường bên cạnh, bảo: “Tôi cũng như chú kia, đều hết sức vui mừng trước việc các vị có sự quan tâm tới ngành này. Tôi có một số công trình viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp, tiếng Anh chưa công bố, bởi tôi hiểu dưới chế độ ông Thiệu, chẳng mấy ai cần đến những thứ ấy. Tôi ước mong và sẵn sàng cống hiến công sức nhỏ bé của cả đời mình vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc”. Anh quản thủ ngập ngừng tiếp lời: “Em ước gì được học hỏi các bậc đàn anh trong ngành ở ngoài Bắc”.

Rời những pho tượng, chia tay nhà khoa học và các nhân viên Viện Bảo tàng Chàm, tôi viết một bài ngắn gửi về tòa báo, lấy tựa Hai thế hệ, một tâm tư. Không ngờ một bài chép ngắn gọn, vội vàng, nay đọc lại thấy quá sơ lược, về một chủ đề tưởng chừng thứ yếu, lại có tiếng vang trong dư luận quốc tế. Sau khi ta toàn thắng, trở về Hà Nội tôi mới biết điều ấy. Bài báo của tôi lọt vào đôi mắt giàu kinh nghiệm của một nhà báo nước ngoài - Karl Hagel, phóng viên thường trú Báo Neues Deutschland (Nước Đức mới) tại Hà Nội. Ông cho dịch bài báo ra tiếng Đức, đăng lên cơ quan ngôn luận của đảng cầm quyền nước Cộng hòa Dân chủ Đức, kèm theo một bài bình luận ngắn tô đậm ý tưởng chủ đạo. Bài báo được hãng thông tấn Tây Đức dùng lại từ báo Đông Đức. Tiếp đó, các hãng thông tấn Pháp, Anh và vài tờ báo xuất bản ở Mỹ cũng trích dẫn, bình luận.

Bài bình luận của Karl Hagel cho rằng tại những TP và vùng nông thôn miền Nam VN mà quân giải phóng vừa giành lại từ chế độ Sài Gòn, tuyệt nhiên không hề xảy ra cảnh hỗn độn, trả thù, cướp phá. Đặc biệt, càng không có chuyện “cộng sản cho san bằng các di tích văn hóa bởi coi chúng liên quan đến chế độ thực dân phong kiến” như bộ máy tuyên truyền của Mỹ vẫn rêu rao. Ngược lại, chính quyền cách mạng tôn trọng cuộc sống tâm linh. Họ cố gắng bảo tồn những gì ít ỏi còn lại từ một nền văn minh nay đã lụi tàn.

Nhịp cầu xa quê

Đầu năm nay, ở Hà Nội có cuộc họp mặt đồng hương Đà Nẵng mừng Xuân Canh Dần. Tôi cũng được mời đến dự.

Cuối buổi họp, một người không quen tới bắt tay tôi rồi kể: “Hồi Đà Nẵng mới giải phóng, tôi có đọc bài báo của anh viết về Musée Cham, trong đó có nhắc tới bác Nguyễn Xuân Đồng. Quê tôi ở Huế, sau Tết Mậu Thân 1968, cả nhà vào Đà Nẵng sinh sống. Tôi xa quê và không rõ địa chỉ gia đình. Bác Đồng là bạn của ba tôi thời ở Huế. Sau khi đọc bài báo của anh, biết bác làm việc tại Viện Bảo tàng Chàm, tôi liền viết bức thư thăm hỏi. Cuối thư, tôi nhờ bác nếu có dịp gặp gia đình tôi thì xin báo giúp là tôi vẫn khỏe mạnh, đang chờ dịp trở về quê. Vậy mà bác Đồng đã chịu khó lần mò tìm cho được địa chỉ gia đình tôi, mang bức thư tới cho ba tôi...”.

 (Theo PHAN QUANG // Nguoilaodong Online)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Miền trung tháng 3 kỳ diệu - Kỳ 2: Trở về quê cũ
  • Miền trung tháng 3 kỳ diệu - Kỳ 1: Cờ cách mạng trước Ngọ Môn
  • Hơn 320.000 người nước ngoài đăng ký tạm trú tại Việt Nam
  • “Lên bờ”, đừng để… ngồi chơi !
  • Phóng sự ảnh sập cầu Cần Thơ
  • Phóng sự ảnh: Những ngày cuối của 'hung thần'!
  • Phóng sự ảnh: Nào ta cùng Yoga !!!
  • Phóng sự ảnh: Đổ về Hà Nội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi