Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trong thế giới rác - Phần 1: Những đường dây gom rác

Ở Sài Gòn từ xưa đến nay, người Trà Vinh làm nghề gom rác dân lập đông nhất (cả chủ lẫn người làm mướn). Người xứ khác như Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang cũng có, nhưng ít. Mãi đến khoảng năm 1998 – 1999, người Trảng Bàng (Tây Ninh) mới xuống Sài Gòn mua dây rác làm nghề. Dân làm rác hay gọi đùa người Trảng Bàng là “phá giá”, vì họ mua dây rác giá cao hơn bình thường và khá siêng năng. Một người trên đó bán hai mươi công đất xuống Sài Gòn mua được một dây rác và tự đi thu gom, sau ba năm, họ có đủ tiền mua lại số ruộng đã bán và còn lời đường rác.

Người làm nghề thu gom rác dân lập tại TP.HCM. Ảnh: A.Q

Chủ và làm mướn

Đã thành lệ, gần 7 giờ sáng, ông Hai và một người nữa đẩy chiếc thùng composite 660 lít bắt đầu công việc gom rác các hộ dân. Dây rác này nằm gần khu chợ phường 2, quận 3, của một người bà con ở Tân Phú. Ông vốn ở Trà Vinh, làm ruộng hoài không dư, người bà con về thăm quê, thấy vậy rủ anh lên Sài Gòn gom rác. Việc không nặng bằng cày bừa, chỉ tội hôi thúi và cần luôn tay. Hai giờ chiều, khi chiếc xe ép cuối chạy đến cuốn rác vào thùng là xong việc. Từ ngày một tháng này, anh phải đổi giờ làm vì theo quy định mới, rác thu gom vào cuối ngày và ban đêm, bắt đầu lúc 3 giờ chiều và kết thúc khoảng 10 giờ đêm, còn lại mọi thứ như cũ. Như khoảng 3.000 người khác làm nghề thu gom rác dân lập ở Sài Gòn (theo sở Tài nguyên và môi trường thống kê), dù trời nắng hay mưa, công việc của ông Hai vẫn đều và thu nhập ít thay đổi.

Giới chủ đường dây rác có thể phân chia ra làm hai nhóm, dựa trên số lượng dây rác mà họ sở hữu. Chủ cái thu gom rác dân lập ở Sài Gòn không nhiều, chỉ chừng chục người. Ông Năm, một người đã có nhiều năm nghề gom rác, thống kê: ở chợ khu vực quanh Tân Bình có ông Đ.; khu vực Thủ Đức, Bình Thạnh (Sở Thùng) có bà Ch., bà Th., ông Ba T.; Bình Tân: bà N.; Bình Chánh có ông Tám Th. Mỗi chủ lớn sở cứ một khu, tách biệt nhau và có nhiều chục dây rác. Hầu hết những chủ cái đều đã sống ngoài chục năm trong nghề. Những chủ nhỏ, sở hữu chừng dăm bảy dây rác, thì nhiều vô kể, lượng này phải tính hàng trăm. Ở Tân Phú, Bình Chánh, sẽ không lạ nếu một gia đình làm nghề gom rác dân lập có hàng chục chủ nhỏ, họ là anh em, dâu rể, con cháu một nhà. Trong thế giới rác dân lập, các chủ không giành giật nhau, họ tự phân chia ranh, có nơi phường làm việc này. Cũng không ít chuyện tương trợ khi một bên hư xe, đau bệnh.

Mua bán và giá cả

Việc bán – mua một dây rác, ít nhất có từ giữa thế kỷ trước. Giá trị một dây rác khi mua bán do tiêu chí thu nhập quyết định, thu nhập phụ thuộc vào số lượng hộ và địa điểm.

Một dây rác có từ gần 200 – 300 hộ dân. Nếu theo đơn giá của thành phố hiện nay, mỗi hộ dân trong hẻm đóng 15.000đ/tháng, số tiền mỗi tháng người chủ thu được tối đa sẽ từ gần 3 – 4,5 triệu đồng. Tất nhiên, chẳng mấy dây thu được 100%, nhưng thực tế, tổng tiền thu trong tháng luôn cao hơn con số báo với phường (để nộp 10% phí). Vốn lượng rác thải hàng ngày của các hộ dân không như nhau, hộ cho thuê phòng trọ, quán cà phê, quán nhậu, rác thải sẽ nhiều hơn. Với những hộ nhiều rác, hai bên sẽ thương lượng mức giá phù hợp (chứ không phải chỉ 15.000đ). Một chủ dây rác ở Tân Bình cho biết, giá thu mỗi phòng trọ từ 4.000 – 5.000đ, quán cà phê từ 60.000 – 150.000đ, quán nhậu vài trăm ngàn đồng… Thành thử, tổng thu trong tháng sẽ xê dịch từ 5 – 7 triệu đồng/dây, và đây là giá trị thực.

Ngon nhất vẫn những dây rác nằm ở xung quanh những doanh nghiệp sản xuất (ở Bình Tân, Bình Chánh…) Trung bình, một doanh nghiệp nộp khoảng 2 triệu đồng/tháng tiền rác sinh hoạt. Ngoài ra, phế liệu trong doanh nghiệp cũng nhiều hơn hộ dân.

Khi hai bên mua bán dây rác, họ sẽ dựa vào doanh thu trong tháng và thương lượng bán bao nhiêu tháng. Bà Hoa (Tân Phú), vừa bán một dây rác kể, dây rác thu 6 triệu/tháng x 30 tháng = 180 triệu đồng.

Thu – chi – lợi

Ông Tứ (ở Tân Bình – gốc Trà Vinh), có năm đường dây rác  hé chuyện, mỗi tháng thu được khoảng 30 – 35 triệu đồng. Còn Hướng, người gọi Tứ là anh họ, nhiều dây hơn, thu được khoảng 40 triệu đồng/tháng, phần này gồm cả của cha Hướng, giao cho Hướng quản lý. Đấy là doanh thu của các chủ nhỏ, còn chủ cái, chẳng ai biết là bao nhiêu, vì số lượng dây rác của họ cũng bí ẩn.

Tứ không ăn trọn hơn 30 triệu đồng này, mỗi tháng Tứ bỏ 10 triệu đồng thuê người thu gom, mỗi dây giá 2 triệu đồng. Xe cộ thu gom Tứ phải sắm cho người làm mướn, hư hỏng lớn, Tứ phải bỏ tiền ra sửa. Ngày trước, mỗi dây rác sắm một xe lam cũ, hoặc sắm ba gác. Nay xe lam bị cấm chạy, ba gác còn chạy tạm ở ngoại thành. Trong nội thành, thì thay xe bằng thùng rác 660 lít, tiền mua không rẻ, nhưng bền, hơn 5 triệu đồng/thùng. Chưa hết, hàng tháng đóng phí 10% cho phường, thêm một vài chi phí khác, cuối cùng Tứ kiếm được một nửa.

Với hai triệu đồng mỗi tháng, bình quân gần 70 ngàn đồng/ngày, hai người gom rác mướn chỉ đủ tiền ăn sáng và đổ xăng. Với họ, thu nhập chính là tiền bán ve chai. Bình quân, nếu gom  từ 1 – 1,2 tấn rác, hai người kiếm được chừng 100kg bọc nilông, bán được 50 ngàn, các phế liệu còn lại như: nhựa, sắt, nhôm… cũng bán được gần 100 ngàn đồng nữa. Tổng cộng được gần 150 ngàn đồng. Tính tháng, mỗi người gom rác kiếm 3,5 – 4,5 triệu đồng.

Một chủ dây đúc kết, nghề gom rác mướn là nơi dung những người nghèo, thiếu nợ ở quê lên. Làm ít năm trả xong nợ, có người quay về quê tiếp tục việc cũ, có người ở lại Sài Gòn, chạy vạy mua đường rác tiếp tục theo nghề. Nghề gom rác, tuy cực mà bền, vì rác ngày càng nhiều lên. (còn tiếp).

( Theo Vĩnh Hoà // SGTT Online)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi