Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp điều chỉnh cơ cấu tiền lương, thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để cán bộ, công chức, viên chức có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình. Bộ Xây dựng còn đề xuất việc thành lập quỹ tín thác bất động sản.
Bổ sung chi phí nhà ở cho công chức
Theo Bộ Xây dựng, từ khi bãi bỏ chế độ phân phối nhà ở và thực hiện đưa tiền nhà ở vào tiền lương, nhà nước hầu như không bố trí ngân sách để đầu tư phát triển nhà ở. Nếu tính tỷ lệ tiền nhà là 7,5% mức lương tháng tối thiểu 730.000 đồng, số tiền nhà trong mức lương hiện chỉ là 54.750 đồng mỗi tháng. Trên thực tế, với mức tiền này, để mua hoặc thuê một căn nhà là khó khả thi với nhiều người có thu nhập thấp.
Mặc dù nhà nước đã có chính sách để làm tăng nguồn cung, góp phần làm giảm giá nhà ở nhằm tạo điều kiện cho những người có thu nhập trung bình có khả năng tạo lập chỗ ở, tuy nhiên các chính sách được ban hành còn chưa đồng bộ nên thời gian qua giá nhà ở luôn tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư. Những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp không thể tạo lập được chỗ ở cho bản thân và gia đình.
Với mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 21,5 m2 sàn mỗi người, trong đó nhà ở đô thị bình quân đạt 26 m2 sàn mỗi người, nhà ở nông thôn bình quân đạt 18,8 m2 sàn mỗi người, Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2011 đến 2020 cả nước cần đầu tư xây dựng khoảng 600.000 căn hộ tương khoảng 30 triệu m2 sàn (mỗi năm khoảng 60.000 căn, tương đương 3 triệu m2 sàn).
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo "Chiến lược phát triển nhà đến năm 2020 và tầm nhìn 2030",
dự kiến trình Chính phủ trước 14/2.
Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình nhà ở khoảng 180.000 tỷ đồng (tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý 3/2010). Trong đó, nguồn vốn nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 20%) dành để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước dành cho thuê. Vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 144.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội dành bán hoặc cho thuê mua.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều giải pháp về quy hoạch đô thị, quỹ đất, tài chính... Đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách (có thu nhập thấp), nếu gặp khó khăn về nhà ở thì được giải quyết theo hướng nhà nước trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê.
Đặc biệt, Bộ kiến nghị có giải pháp điều chỉnh cơ cấu tiền lương, thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để cán bộ, công chức, viên chức có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình.
Đề xuất lập quỹ tín thác bất động sản
Nhằm góp phần khắc phục tình trạng thiếu vốn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc phải thành lập Quỹ tín thác bất động sản.
Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 vừa được Bộ xây dựng soạn thảo để trình Chính Phủ phê duyệt.
Theo đó, Quỹ tín thác bất động sản là mô hình quỹ chuyên đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng. Quỹ này sẽ có chức năng huy động vốn nhàn rỗi của các người dân thông qua phát hành chứng chỉ quỹ.
Toàn bộ số vốn này sẽ được đầu tư cho thị trường nhà ở và bất động sản, từ đó khắc phục tình trạng chỉ trông chờ vào ngân hàng như hiện nay. Bộ Xây dựng kỳ vọng, quỹ tín thác bất động sản sẽ tạo được động lực mới cho lĩnh vực phát triển nhà ở.
Tuy nhiên, do mô hình quỹ tín thác bất động sản là một trong những cách chứng khoán hóa bất động sản (thông qua chứng chỉ quỹ), vì vậy Bộ cũng đã đề xuất các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế những nguy cơ do chứng khoán hóa bất động sản đem lại theo hướng quy định cụ thể các tiêu chuẩn về nhân lực, nguồn vốn, quản lý rủi ro, chế độ báo cáo...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com