![]() |
Máy phay, tiện tự động trong nhà máy của công ty TNHH Vietubes |
Nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao là yếu tố quyết định cho công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, tiến trình được Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) xác định phải đi trước cả nước 5 năm. Thế nhưng, cho đến nay nguồn nhân lực kỹ thuật cao dường như vẫn đang “trốn” các DN tại BR-VT.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh BR-VT, từ nay đến 2015 bình quân mỗi năm nhu cầu lao động cho toàn toàn tỉnh vào khoảng 25.000 - 30.000 người, chủ yếu cung ứng cho các khu công nghiệp.
Gần như không có lao động kỹ thuật cao
Tuy nhiên, hiện số lao động được đào tạo từ các trung tâm dạy nghề của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 3.000 đến 4.000 lao động/năm, là quá ít so với nhu cầu thị trường lao động. Gọi là lao động trình độ cao, nhưng số lao động này chủ yếu trình độ sơ cấp đến trung cấp, thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên, ngành nghề đào tạo gồm: Các ngành cơ khí, may mặc, điện, tiện, hàn... Số lao động này chỉ đảm bảo được những công việc đơn giản, không đáp ứng được yêu cầu công việc của các DN đưa ra. Còn lao động có trình độ kỹ thuật cao thực sự gần như không có.
Cty CP Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (Vũng Tàu Shipyard), chuyên đóng sửa các loại tàu thuyền, sửa chữa bảo trì giàn khoan... Máy móc, thiết bị nhà máy này được trang bị hiện đại, phục vụ cho các hoạt động dịch vụ mang tính kỹ thuật cao. Để vận hành những thiết bị này, đòi hỏi lao động phải có trình độ kỹ thuật cao, đội ngũ thợ có tay nghề vững. Tuy nhiên, thu hút được đội ngũ lao động này không dễ. Ông Lê Thành Kính - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu nói: “Chúng ta có mấy trường đào tạo nghề nhưng các em ra trường xuống đây đều không đáp ứng được công việc nên chẳng tuyển dụng được mấy. Công nhân có được đào tạo đấy, nhưng cái khó ở chỗ là các em khi ra trường vào Xí nghiệp cũng phải mất 2 năm đào tạo nữa mới có thể lành nghề được”. Tương tự, Cty TNHH Vietubes, chế tạo “ren” ống, gia công, sửa chữa, phục hồi và kiểm tra, kiểm định các lọai cần khoan ống chống, sản xuất đầu nối, khớp nối phục vụ cho họat động thăm dò, khái thác dầu khí tại Việt Nam và xuất khẩu, chuyên sử dụng các loại máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, bộ điều khiển bằng kỹ thuật số, đòi hỏi phải có đội ngũ lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao, thông thạo vi tính. Thế nhưng, nguồn cung ứng tại địa bàn gần như không có, buộc Cty phải tuyển dụng từ các nơi khác, thậm chí ở tận Khánh Hòa, nhưng cũng không được nhiều. Ông Nguyễn Văn Minh - TGĐ Cty cho biết, có những vị trí, Cty sẵn sàng trả 2.500 USD/tháng nhưng cũng không có ứng cử viên nào. Chưa hết, Cty Strategic Magin và Cty STX, hai Cty đóng tàu sử dụng công nghệ đóng tàu hiện đại tại BR-VT, từ quy trình thiết kế hình ảnh, đến khâu thi công vỏ tàu, thân tàu, trang bị bên trong cho tới khâu hạ thủy, đều được ứng dụng công nghệ tiên tiến, cũng cùng chung tình cảnh thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Đây cũng là tình trạng của tất cả các DN hoạt động trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp kỹ thuật.
Níu chân”người tài”
Để giải quyết bài toán lao động kỹ thuật cho DN, giải pháp các DN chọn lâu nay vẫn là tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề bình thường hoặc ít nhất có trình độ văn hóa cấp III, tùy theo vị trí công việc, sau đó tự bỏ ra một khoản kinh phí để đào tạo, kể cả đào tạo ở nước ngoài, “khoản” này cũng “ngốn” khoảng vài trăm triệu đồng/năm - ông Lê Thành Kính cho biết thêm. Còn Cty TNHH Vietubes cho biết mất khoảng 500 triệu đồng mỗi năm cho công tác đào tạo nhân lực; Thép Vinakyoeil cũng tiêu tốn trên 300 triệu đồng mỗi năm. Khác với các đơn vị vừa nêu, Cty Strategic Magin chọn phương án liên kết với trường nghề Hồng Lam, tự bỏ chi phí ra để đào tạo nghề cho những thực tập sinh của trường. Cụ thể là Cty chịu trách nhiệm tổ chức thực tập tại nhà máy của Cty, toàn bộ chi phí ăn ở trong quá trình thực tập, kể cả trả lương cho thực tập sinh Cty chịu. Khi ra trường, Cty tiếp nhận những lao động được đào tạo dưới hình thức liên kết này vào và tiếp tục đào tạo thường xuyên hơn tại Cty để nâng cao tay nghề. Ông Dave McCormack, GĐ điều hành Cty cho rằng:“Chỉ như vậy chúng tôi mới giải quyết được bài toán về lao động và mới không gặp khó khăn”. Còn để giữ chân lao động có tay nghề thì mỗi DN một phương cách riêng, trong đó phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là đưa ra những quyền lợi, chế độ hấp dẫn đối với người lao động.
Hiện thu hút đầu tư vào BR-VT chủ yếu là dòng công nghệ cao. Trong bối cảnh thiếu lao động có trình độ tay nghề như đã nêu, các DN rất chật vật để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cái khó nhất là các DN đang phải đối mặt với tình trạng không ít DN cùng hoạt động trên cùng một lĩnh vực ngành nghề, sử dụng công nghệ tương đương nhau, dẫn đến thu hút nhân lực của nhau. Từ đó, xuất hiện sự “cạnh tranh” lao động giữa các DN khá gay gắt. Cty TNHH Vietubes dù dành khá nhiều chế độ đãi ngộ cho lực lượng lao động tay nghề cao của mình, nhưng hàng năm vẫn bị mất từ 3 - 5% số này. Ông Trần Nguyên Hoài - GĐ sản xuất Cty TNHH Vietubes chia sẻ: “Thực tế, do nguồn nhân lực kỹ thuật cao địa phương không đáp ứng được nhu cầu, vì vậy các Cty sử dụng lao động tương đương thu hút nhân lực của nhau, làm như vậy họ tiết kiệm được chi phí đào tạo mà vẫn có nguồn nhân lực có tay nghề cao”. Ông Lê Thành Kính cho biết thêm: Đối với đội ngũ này, Cty phải “chiều”, thậm chí khi không có việc, Cty vẫn trả lương đầy đủ để họ không bỏ đi...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com