Mấy năm gần đây, ở các thành phố lớn tình trạng đăng ký nhập hộ khẩu tăng lên với tốc độ chóng mặt. Số lượng người dân nhập hộ khẩu gia tăng đã dẫn đến nhiều hệ quả về kinh tế - xã hội, trong đó có cả những vấn đề mà các cơ quan quản lý đang căng sức tìm cách tháo gỡ như: ùn tắc giao thông, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, thiếu các công trình công cộng, ô nhiễm môi trường, tăng giá bất động sản,…
![]() |
Có những thời điểm quá tải trong thực hiện thủ tục đăng ký hộ khẩu, nhất là ở những thành phố lớn - Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bộ Công an, qua hơn 2 năm thực hiện Luật cư trú và Nghị định 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú, công an các địa phương đã giải quyết cấp 754.959 sổ hộ khẩu, trong đó đăng ký thường trú cho 518.661 hộ khẩu gia đình với 2.393.330 nhân khẩu, tách 520.332 sổ hộ khẩu với 1.069.501 nhân khẩu; điều chỉnh 375.195 trường hợp có thay đổi trong sổ hộ khẩu.
Thực tiễn cho thấy, các quy định mới của Luật Cư trú và Nghị định 107 đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, giúp chính quyền các địa phương trong công tác quản lý cư trú của công dân và thực hiện các chính sách của Nhà nước tại địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập khi thực hiện Luật và văn bản hướng dẫn như: không có biện pháp, chế tài để xử lý các trường hợp cho người khác đăng ký vào nơi cư trú của mình để trục lợi; chưa có quy định thế nào là thường xuyên sinh sống và không hạn chế số lượng người đăng ký thường trú vào một nhà. Chính vì vậy nên ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng lợi dụng quy định này để nhiều người cùng thường trú tại 1 nhà để đủ điều kiện nhập hộ khẩu.
Nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú về thủ tục nhập hộ khẩu của công dân dẫn đến tình trạng quá tải của các thành phố lớn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP. Nghị định này đã có hiệu lực thi hành cách đây không lâu (hiệu lực từ ngày 10/7/2010).
Sửa chính xác một số bất cập về hộ khẩu
Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như: bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm được xem là lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gồm: cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng 1 chỗ ở, nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định; ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu.
Quy định này đưa ra cũng có tác dụng khắc phục tình trạng có những trường hợp đã lợi dụng sự quen biết để nhờ xin giấy xác nhận hợp đồng lao động tại một số doanh nghiệp để đăng ký hộ khẩu thành phố.
... biện pháp đảm bảo điều kiện sống cho người dân
Theo Nghị định 107/2007/NĐ-CP (quy định cũ) hướng dẫn Luật Cư trú: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”. Tuy nhiên, để hạn chế trường hợp thường trú một nơi nhưng mua nhà ở nơi khác và đăng ký tạm trú để đủ điều kiện nhập hộ khẩu, quy định mới (Nghị định 56/2010/NĐ-CP) còn bổ sung thêm nội dung như: “Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng một người đăng ký nhiều hộ khẩu khác nhau.
![]() |
Quy định mới cũng nhằm tạo môi trường sống cho người dân sống trong các đô thị lớn được bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu |
Đối với chỗ ở hợp pháp, Nghị định 56/2010/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định: “Đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người”. Việc quy định diện tích tối thiểu sẽ khắc phục được tình trạng nhập nhờ, nhập danh nghĩa đồng thời đáp ứng được vấn đề giãn dân tại các thành phố lớn…
Về điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, theo Nghị định 107/2007/NĐ-CP, công dân được xem là tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên tại thành phố trực thuộc Trung ương nếu tạm trú liên tục tại một chỗ ở tại thành phố trực thuộc Trung ương mà thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó từ 1 năm trở lên; hoặc tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau tại thành phố trực thuộc Trung ương mà thời hạn tạm trú tại tất cả các chỗ ở đó từ 1 năm trở lên.
Nghị định mới quy định chặt chẽ hơn, công dân đang tạm trú sẽ được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nếu có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc Trung ương và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 1 năm trở lên; nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú; có sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cấp cho cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Công an; có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn về thời gian và nơi đăng ký tạm trú (đối với trường hợp đăng ký tạm trú nhưng không cấp sổ tạm trú).
Quy định mới cũng cho phép nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhưng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được đăng ký hộ khẩu thường trú. Tránh tình trạng người dân thiệt thòi quyền lợi không được đăng ký hộ khẩu thường trú do vướng quy hoạch treo, dự án treo. Nghị định cũng quy định lại thời điểm không đăng ký thường trú đối với trường hợp công dân chuyển đến chỗ ở mới mà chỗ ở đó bị thu hồi đất cho phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của công dân về cư trú.
Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng trước các quy định ngày càng chặt chẽ hơn. Quy định mới nhằm tạo môi trường sống cho người dân sống trong các đô thị lớn được bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu, và nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên công dân có thể đăng ký hộ khẩu bình thường mà không gặp bất cứ trở ngại nào với thủ tục nhanh gọn, đơn giản.
(Theo Luật sư Lê Văn Hà // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com