Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và của Bộ LĐ-TB&XH, phần lớn người lao động (NLĐ) trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang phải hưởng mức lương quá thấp. Điều đáng nói hơn là mức chênh lệch về lương ở khối doanh nghiệp này lại quá lớn giữa người có thu nhập cao nhất với người có thu nhập thấp nhất.
Việc tăng lương tối thiểu cho người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là việc làm cần thiết để bảo đảm lợi ích của người lao động cũng như tạo sự ổn định cho doanh nghiệp. Trong ảnh: May chăn ga xuất khẩu tại Công ty Everpia Việt Nam. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Nhận diện mặt bằng lương
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, lương của NLĐ trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang có nhiều dấu hiệu bất ổn. Thống kê cho thấy, lương bình quân của NLĐ ở khu vực này chỉ bằng 56,6% lương ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và bằng 68,4% khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chỉ trả lương cao hơn mức tối thiểu 7%. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng, mức tăng tiền lương cho lao động chưa đủ bù đắp mức tăng giá cả.
Cũng theo báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay tiền lương của NLĐ làm việc trong DN đang thấp hơn tiền lương của lao động tự do. Cụ thể, nếu tiền lương bậc 1 (hệ số lương 2,34) của người lao động vừa tốt nghiệp ĐH là 50.700 đồng/ngày thì lao động tự do, lao động nông nghiệp làm các công việc như bốc vác, giúp việc gia đình, gặt lúa... có thể kiếm được từ 80.000 đồng - 120.000 đồng/ngày. Đối với lao động phổ thông hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thì mức lương cũng chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu và đạt khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/người/tháng. Chính vì sự quá chênh lệch trong mức thu nhập này khiến một bộ phận lao động tự do, lao động nông nghiệp không còn muốn vào làm việc trong DN, nhất là DN ởcác đô thị, KCX - KCN xa nơi cư trú. Điều này cũng lý giải vì sao thời gian gần đây các DN không thể tuyển được lao động phổ thông.
Chênh lệch quá lớn!
Lý giải về việc lương của NLĐ thấp, hầu hết các DN đều vin vào lý do khủng hoảng kinh tế hoặc đơn vị còn nhiều khó khăn. Lý do mà DN đưa ra có nhiều khiên cưỡng và chưa đủ sức thuyết phục khi mà mới đây, một loạt số liệu cho thấy, họ đang trả lương cho NLĐ thấp hơn mức có thể trả.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đưa ra thống kê về mức lương, thưởng Tết của các DN trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, trong khi mức lương năm 2009 của NLĐ trong khối DN nhà nước chỉ chênh nhau 3,7 lần thì DN ngoài quốc doanh chênh nhau đến cả trăm lần. Cụ thể, nếu tính bình quân thì tiền lương của NLĐ khu vực DN dân doanh hoạt động theo Luật DN cũng như DN FDI đã đạt mức 2,2 đến 2,3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, những lao động có mức thu nhập thấp nhất chỉ đạt 1,1 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó, những người có mức thu nhập cao ở hai khối DN này lên đến 50 triệu đồng/người/tháng đối với doanh nghiệp dân doanh hoạt động theo Luật DN, và 140 triệu đồng/người/tháng đối với doanh nghiệp FDI.
Theo các chuyên gia về quan hệ lao động, mức chênh lệch về lương trong từng DN cụ thể cho thấy mối quan hệ lao động không được hài hòa, đặc biệt là quan hệ về thu nhập, phân bố hiệu quả sản xuất, kinh doanh. NLĐ ở những DN này phải chịu mức lương thấp không phải do DN làm ăn thua lỗ mà do DN cố tình đánh giá thấp công sức lao động của họ. Cũng theo các chuyên gia lao động, mức thưởng Tết hiện đang là vấn đề nhiều NLĐ quan tâm và đánh giá kết quả 1 năm hoạt động của doanh nghiệp. Mức thưởng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có chênh lệch khá cao, người cao nhất lên đến 50 triệu đồng, trong khi đó người thấp nhất là 200.000 đồng, với địa bàn Hà Nội, chênh nhau lên đến 250 lần. Riêng ở Đà Nẵng, thống kê cho thấy, mức chênh lệch lên tới hơn 2 nghìn lần với mức thấp nhất trên 70 nghìn đồng/người và cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng/người.
Thống kê trên cho thấy, một số DN tuy thừa khả năng trả lương tương xứng với công sức của NLĐ nhưng họ chỉ trả ở mức thấp. Thậm chí, nhiều DN FDI chỉ trả cho NLĐ theo mức lương tối thiểu. Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tăng lương tối thiểu ở khu vực DN ngoài quốc doanh là điều cần thiết. Điều đó vừa tạo sự ổn định trong DN, vừa tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ NLĐ trong bối cảnh cung - cầu lao động đang có sự mất cân bằng như hiện nay.
(Theo Bảo Chân/HNMO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com