"Nếu Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chỉ bằng nhân công giá rẻ thì sớm muộn các công ty sẽ tìm đến với Campuchia và Myanmar," ông Stig Maasbol, CEO của ScanCom nhận định.
Lợi thì có lợi...
Tiền thuê nhân công ở Trung Quốc tăng nhanh đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà đầu tư vào Trung Quốc nhưng lại là tin vui cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Ông Ngô Trường Trinh, giám đốc Kiểm soát chất lượng của nhà máy XP Power - nhà sản xuất linh kiện điện tử Anh quốc - chi nhánh Bình Dương cho rằng: "Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam vì giá lao động Việt Nam rẻ và có chất lượng tương đối tốt."
XP Power chỉ là một trong nhiều hãng sản xuất đang tìm kiếm thị trường nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tạo dựng các cơ sở vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc để tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ ở các quốc gia khác và phân tán rủi ro khi tập trung quá nhiều nhà máy sản xuât tại một quốc gia nào đó - Chẳng hạn như thảm họa lũ lụt ở Thái Lan hay sóng thần, động đất Nhật Bản.
Với lực lượng lao động tương đối lành nghề và quy mô rộng lớn, rất ít người nghĩ tới việc danh hiệu "công xưởng thế giới" của Trung Quốc bị đe dọa. Tuy nhiên, việc giá nhân công nước này đang gia tăng khiến các công ty thuộc nhóm ngành sử dụng nhiều lao động chuyển sang đầu tư tại các nước có giá tiền lương thấp hơn như Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.
Lao động phổ thông của Việt Nam thường được trả từ 2 - 3 triệu VNĐ/tháng (100 - 150 USD) trong khi mức lương công nhân ở các khu công nghiệp miền nam Trung Quốc thường là 5 - 6 triệu VNĐ/tháng (300 USD). Mặc dù, cơ sở hạ tầng của Việt Nam không thể so sánh với người láng giềng giàu có Trung Quốc, nhưng các nhà đầu tư cho rằng họ có thể tự khắc phục nhược điểm này.
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ USD hàng hóa cơ bản như giày dép, quần áo, đỗ gỗ nội thật sang châu Âu và Mỹ. Trong năm 2010, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nơi sản xuất giày dép Nike lớn nhất.
Sự xuất hiện của các công ty như XP Power sẽ như một phép "kiểm tra" xem Việt Nam có đủ những công nhân lành nghề và cơ sở hạ tầng cần thiết để thu hút ngày càng nhiều các công ty sản xuất hàng hóa có công nghệ tiên tiến và có giá trị cao hơn hay không.
Những người tiên phong như hãng sản xuất chip Intel và Samsung đã xây dựng các nhà máy tại Việt Nam và đang đẩy mạnh sản xuất. Năm ngoái, hãng điện thoại di động Phần Lan nổi tiếng Nokia cũng cho biết hãng này đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động tại miền Bắc Việt Nam.
Theo ông S. Kesavan, Giám đốc chi nhánh Việt Nam của hãng Jabil Circuit chuyên sản xuất thiết bị điện tử của Mỹ: "Năng suất lao động của công nhân Việt Nam vẫn thấp hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, chi phí lao động ở Trung Quốc tăng quá cao".
Nguy cơ mất lợi thế
Mặc dù có lợi thế về chi phí lao động thấp nhưng với tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất ở châu Á - ngay cả sau khi giá cả tăng chậm lại ở mức 16,4% trong 2/2012 - lợi thế chi phí này của Việt Nam cũng không thể kéo dài lâu.
Thêm nữa, báo cáo gần đây của hãng tư vấn quản lý McKinsey thì lợi tức nhân khẩu học của Việt Nam cũng bát đầu giảm dần. Độ tuổi lao động trung bình của Việt Nam là 27,4 thấp hơn so với 35,2 của Trung Quốc nhưng dân số Việt Nam cũng đang có xu hướng già hóa.
Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam phải thoát khỏi việc phụ thuộc vào chi phí sản xuất thấp để chấm dứt những bất ổn kinh tế gần đây và thực hiện những hứa hẹn về tăng trưởng nhanh.
Một số công ty cũng bắt đầu phàn nàn về tình trạng thiếu lao động ở Việt Nam. Theo McKinsey, Việt Nam phải tăng năng suất lao động hơn 50% để bù cho sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động, nếu muốn đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ nước này là tăng trưởng kinh tế 7-8%/ năm đến trước năm 2020.
ScanCom International, nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Đan Mạch, là một trong những công ty đang đầu tư tại Việt Nam. Bằng cách sử dụng các thiết bị hiện đại công nghệ cao kết hợp với đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, công ty này đã tăng gấp đôi sản lượng bình quân của công nhân ở nhà máy Bình Dương. ScanCom International còn dự tính sẽ tăng gấp đôi sản lượng một lần nữa trong vòng hai năm tới bằng cách đưa nhiều máy móc tiên tiến hơn vào sản xuất chẳng hạn như máy khoan và robot chà nhám có thể làm công việc của 50 người chỉ với một người giám sát.
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com