Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

3 tháng triển khai Nghị quyết 11: “Kiểm nghiệm” hiệu lực

Vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm trong năm 2011 là 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.
Tiêu đề bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng này có thêm phần đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 11.

Trên nhiều con số được liệt kê, báo cáo cho thấy những điều chỉnh sau 3 tháng các chính sách đi vào thực hiện, nhưng thực tế dường như khó khăn chưa thuyên giảm.

Tiền tệ “đánh xuống” nhiều chỉ tiêu

Ở góc độ tiền tệ, nhiều con số chỉ dao động biên độ hẹp so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết 11, cho thấy những tác động mạnh tay từ phía Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt với hai chỉ tiêu: tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 và tín dụng.

Cách đây 1 năm, nền kinh tế cũng trong giai đoạn thắt chặt chính sách, chỉ tiêu cung tiền và tín dụng vào tháng 5 đều ở quanh mức 7,5% so với cuối năm trước. Nay, M2 chỉ tăng tương ứng 1,59%, thậm chí thấp hơn so với con số cuối tháng 2/2011, thời điểm Nghị quyết được ban hành. Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 6,16%, cách rất xa so với trần cho phép.

Diễn biến trên dẫn đến một chỉ tiêu khác quan trọng hơn đối với kiểm soát lạm phát, tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng đến 20/5 giảm mạnh so với tháng trước đó và chỉ còn tăng 2,44% so với cuối năm 2010.

Trong khi đó, việc huy động trần huy động ngoại tệ, tăng dự trữ bắt buộc… đã ổn định lại thị trường ngoại hối, VND lên giá nhẹ so với USD, tính theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Giá vàng dưới tác động của xu hướng này cũng tương đối ổn định trong 3 tháng nay, cho thấy những tác động tích cực đến ổn định giá cả trong nước.

Tuy nhiên, “mặt trái” của chính sách tiền tệ “đánh xuống” còn thể hiện ở chỉ tiêu về lãi suất. Khi thắt chặt tiền tệ cũng đồng nghĩa với tăng giá tiền đồng và lãi suất được kéo lên.

Cuối tháng 2, các công bố chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lãi suất huy động VND bình quân khoảng 13,04% và lãi suất cho vay 16,23%. Đến tháng này, cũng theo nguồn tin trên, hiện lãi suất đang tăng mạnh.

“Lãi suất huy động tăng đến 17-19% cho các kỳ hạn, cá biệt lên đến 20%; lãi suất cho vay dao động khoảng 20-25%, cá biệt lên đến 27%...” Bộ này viện dẫn.

Tài khóa: Cắt giảm “treo” khá lớn

Đối với chính sách tài khóa, mục tiêu tăng thu 7-8% so với dự toán đã thể hiện tại báo cáo tháng này. Theo con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, thu ngân sách 5 tháng đã bằng 46,6% dự toán cả năm, cao hơn khoảng 8,3 điểm phần trăm so với thời điểm này năm ngoái.

Nhiều con số liên quan đến cắt giảm đầu tư cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư liệt kê “hoành tráng” trong báo cáo tháng 5.

Cụ thể, tính đến ngày 15/5, Bộ này tổng hợp từ báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cho hay, tổng số tiền cắt giảm chi thường xuyên là 3.857,7 tỷ đồng. Vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm trong năm 2011 là 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011…

Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia, chi thường xuyên mới là khoản cắt giảm “để đấy” và có thể được xem xét, quyết đinh khác vào quý 3 năm nay; vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ chuyển nguồn thực chất là không vay của năm trước và năm sau; vốn điều chuyển giữa các dự án thì vẫn là “tiêu” ở dự án khác… Cho nên, ở một số chỉ tiêu quan trọng không thấy sự chuyển động tích cực của chủ trương cắt giảm.

Chi ngân sách nhà nước so với kế hoạch cả năm đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 7,5 điểm phần trăm. Kết quả là bội chi ngân sách 5 tháng đầu năm 2011 so với kế hoạch cũng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Không rõ tác động chính sách tới các ngành, các cấp thế nào, chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tiến khá nhanh. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chi đầu tư phát triển 5 tháng năm 2011 đã bằng 39% kế hoạch cả năm, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thời điểm trước khi Nghị quyết được ban hành, chỉ tiêu này mới xấp xỉ 14% (cách đây 1 năm, chỉ tiêu này so với kế hoạch chỉ ở mức 36,5%). Điều này cho thấy, trong giai đoạn khởi động chính sách cắt giảm đầu tư công, dòng vốn giải ngân không chậm trễ đã thực hiện được một phần khá lớn kế hoạch.

Chi tiết hơn, Hậu Giang đã thực hiện xong 73,5% kế hoạch cả năm; Đà Nẵng 59,2%; Quảng Ninh 56,6%; Cần Thơ 55,7%... Liệu đến lúc hướng xử lý cụ thể cho các nguồn vốn dự kiến cắt giảm như nói trên được chính thức ban hành, có địa phương nào đó đã hoàn thành kế hoạch cả năm?

Nhưng trong khi đầu tư khu vực công chưa giảm, tăng trưởng GDP 6 tháng năm nay có thể chỉ đạt 5,6%, thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2010 (6,16%); lạm phát từ mức 3,87% tại tháng 2 đã lên mức 12,07% trong tháng 5 (so sánh với tháng 12/2010).

Với các cân đối vĩ mô khác, nhập siêu 2 tháng mới 1,88 tỷ USD, 5 tháng đã lên mức 6,6 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước và bằng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt chỉ tiêu ấn định 16%; giải ngân vốn FDI từ mức tăng 4,5% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm, nay chỉ còn tăng 0,4% trong 5 tháng.

Để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại và ngân sách, vay ODA gia tăng nhanh chóng, từ mức trên 125 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 5 này đã đạt khoảng 1,26 tỷ USD, bằng 52,5% kế hoạch cả năm.

Trong khi tăng trưởng GDP còn khó khăn, lạm phát, lãi suất ngân hàng, nhập siêu, vay nợ nước ngoài gia tăng… cho thấy thách thức ổn định kinh tế vĩ mô còn ở phía trước.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 80.550 tỷ đồng vốn đầu tư cắt giảm trong năm 2011, số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 giảm 15.000 tỷ đồng so với thực hiện năm 2010; giảm khoảng 15.000 tỷ đồng do không ứng vốn đầu tư năm 2012, không kéo dài thời gian giải ngân vốn kế hoạch năm 2010; số vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011 cắt giảm để điều chuyển cho các dự án hoàn thành, các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ là 8.333 tỷ đồng; số vốn các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm là 39.212 tỷ đồng; số vốn tín dụng kế hoạch năm 2011 giảm 10% là 3.000 tỷ đồng.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi