Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Bức tranh” kinh tế - xã hội năm 2010

Năm 2010 có thể được coi là năm có nhiều những tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực từ quốc tế cũng như trong nước đến nền kinh tế - xã hội nước ta. Với những quyết sách đúng đắn, cách điều hành quản lý và chỉ đạo hợp lý của các cấp vĩ mô, và trên hết là sự nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành chúng ta đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đại Đoàn Kết xin điểm lược lại 10 vấn đề tiêu biểu trong “bức tranh” kinh tế - xã hội năm 2010.

1. Chặn đà suy giảm, GDP vượt tầm mong đợi

Trước tác động của khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,78%, cao hơn kế hoạch đề ra xấp xỉ 0,3% (tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm). Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, dịch vụ tăng 7,5%... GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD.

Vốn đầu tư phát triển năm 2010 ước tăng 12,9% so với năm 2009 và bằng khoảng 41% GDP...

2. Nợ công ở ngưỡng an toàn và minh bạch


Tuy nợ công của nước ta vượt hơn so với quy định của Chính phủ, nhưng vẫn được các chuyên gia kinh tế thế giới và trong nước nhất trí đánh giá ở ngưỡng an toàn, vị thế nợ của Việt Nam vẫn bền vững. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 31-12-2009, nợ công của Việt Nam so với GDP chiếm 52,6%, trong đó nợ Chính phủ chiếm 41,9% (trong khi quy định của Thủ tướng về chỉ tiêu này là 50%). Điều đặc biệt là lần đầu tiên, nợ công được Chính phủ báo cáo chi tiết trước Quốc hội, thể hiện sự minh bạch trước cơ quan quyền lực cao nhất đất nước cũng như mọi người dân.

Chính vì sự an toàn và minh bạch đó, hồi đầu tháng 12 tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2010, các nhà tài trợ vẫn cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với mức hỗ trợ ODA là 7,905 tỷ USD (năm 2009 là 8,063 tỷ USD). Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với nền kinh tế Việt Nam. Các đối tác tài trợ cũng đánh giá cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam trong những năm qua. Tốc độ giải ngân tương đối tốt, đạt 4,1 tỷ USD vào năm 2009 và 3,5 tỷ USD vào năm 2010.

3. Thủy điện Sơn La về đích sớm 2 năm

Ngày 17-12, tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La, công suất 400 MW phát điện hoà lưới điện quốc gia, về đích sớm hơn 2 năm theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là một kỳ tích của các đơn vị thi công, làm lợi cho đất nước hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, công trình này sẽ là bài học để các chủ đầu tư giải quyết căn bệnh trầm kha chậm tiến độ các dự án điện.

Trên số báo cuối tuần ngày 25-12, Đại Đoàn kết đã thông tin: Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất thiết kế 2.400 MW với 6 tổ máy, là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhà máy sẽ bổ sung cho lưới điện quốc gia bình quân 10,2 tỷ KWh/năm.

4. Lạm phát tăng

Bất chấp mọi nỗ lực chặn đà lạm phát, kể cả khi chỉ tiêu lạm phát đã được điều chỉnh, tuy nhiên lạm phát năm nay vượt mức 2 con số.  Chỉ số  giá tiêu dùng (CPI năm 2010) vì thế, cũng ở mức 2 con số, cụ thể là 11,75%. Đồng tiền Việt Nam có thể thẳng thắn nói là đang ngày một mất giá. Theo tính toán của các chuyên gia, con số chính thức cho thấy VND đã mất giá hơn 5,5%, chưa tính ảnh hưởng bởi lạm phát và CPI. Như vậy, trong vòng bốn năm qua, có tới 3 năm lạm phát ở mức hai con số (năm 2007 là 12,63%; năm 2008 là 22,97%).

5. Giá vàng và lãi suất ngân hàng biến động khó lường

Thị trường tài chính tiền tệ coi ngày 9-11 như một kỷ lục, khi giá vàng đã đẩy lên tới 38,2 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân được xác định sau đó là do đầu cơ, là tâm lý đám đông. Đúng 1 tháng sau, ngày 9-12 lại một cơn biến động khác về lãi suất  khi một số ngân hàng thương mại như Techcombank... đã niêm yết công khai mức lãi suất huy động kỷ lục 17,6%. Với sự công khai lãi suất huy động, các chuyên gia kinh tế tính toán mức cho vay phải vào khoảng 21-22% và mức lãi kinh doanh để không thua lỗ đối với các doanh nghiệp sẽ phải lên tới 30%, một thảm hoạ cho sản xuất kinh doanh.

6. An sinh và phúc lợi xã hội ngày càng được chú trọng

Dù trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn chăm lo và bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, góp phần thiết thực vào ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người một tháng đạt 1, 365 triệu đồng, tăng 8,9% (đã loại trừ yếu tố tăng giá).

Cả năm tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm mới; đã đào tạo nghề cho trên 1,7 triệu người. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tích cực triển khai, riêng đào tạo nghề cho nông dân là 430 nghìn người. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực. Chính sách trợ giúp người có công và bảo trợ xã hội tiếp tục được hoàn thiện, đã mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp (tăng 17% so với năm 2009).

7. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm đạt những kết quả thiết thực

Cải cách hành chính tiếp tục được coi là một khâu đột phá với các nội dung là hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính. 16 dự án luật, pháp lệnh đã được Quốc Hội thông qua theo đúng tiến độ, đồng thời đẩy nhanh việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ; đã công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đồng thời chuẩn hóa và thống nhất thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; đang thực hiện đơn giản hoá 258 thủ tục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành, tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế, hải quan. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, việc ứng dụng công nghệ thông tin... đã phát huy hiệu quả thiết thực. Công tác kiểm tra, xử lý và theo dõi thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật được đẩy mạnh. Việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ.

8. Quyết gỡ “mớ bòng bong” trong giáo dục đào tạo


Không phải đợi đến lúc thành phố Đà Nẵng đưa ra chuyện không tuyển dụng cán bộ có bằng đại học tại chức, chúng ta mới có những nghi ngờ chính đáng về việc “làm kinh tế” từ đào tạo “phổ cập tại chức” trong ngành giáo dục. Sẽ là thiếu công bằng nếu không thừa nhận giáo dục và đào tạo có bước phát triển. Tuy nhiên việc những ngày cuối năm Bộ GD&ĐT đã bắt đầu có động thái cũng như những quyết sách siết chặt kỷ cương đào tạo đại học tại chức, văn bằng hai, từ xa... đã cho thấy việc tích cực triển khai thực hiện đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, cơ chế tài chính, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và đổi mới phương pháp giảng dạy... Cùng với việc tăng đầu tư của Nhà nước, đã đẩy mạnh xã hội hoá để nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo từ mầm non đến đại học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non và các cấp học phổ thông tăng nhanh; 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh bỏ học ở hầu hết các vùng đều giảm, kỷ cương trong thi cử đã được thực hiện tốt hơn.

9. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức thành công

Đại lễ kỷ niệm Thăng Long- Hà Nội  tròn ngàn năm tuổi đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm sâu sát của người dân cả nước. Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã tổ chức thành công Đại lễ Thăng long – Hà nội ngàn tuổi với chuỗi những ngày hoạt động với sự tham gia của hàng triệu người dân khắp cả nước và rất nhiều công trình và hoạt động có ý nghĩa: Con đường gốm sứ được công nhận là kỷ lục guiness, khánh thành đại lộ Thăng Long, dừng bắn pháo hoa ủng hộ đồng bào miền Trung... Bia tiến sĩ Văn Miếu đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và sau đó, Hoàng thành Thăng Long cũng được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

10. Tái cơ cấu Vinashin

Sự đổ bể của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) là một sự thật. Tái cơ cấu Vinashin là chủ trương đúng đắn, cần nghiêm túc thực hiện.

(Báo Đại Đoàn Kết)

  • Quản lý nợ công: Không thể xem nhẹ yếu tố rủi ro
  • Sông Nhuệ bị lấn chiếm nghiêm trọng
  • Sự ổn định ở ngay trước mắt
  • Việt Nam không dễ có tên trên bản đồ F1 thế giới
  • Ổn định kinh tế nhờ sản phẩm công nghiệp sáng tạo
  • Nỗ lực hành động vì môi trường kinh doanh
  • GS. Trần Văn Thọ: Xác lập tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ kinh tế Việt - Trung
  • Năm 2020, phấn đấu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 35%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi