Tổng kết tình hình kinh tế quý 1 năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra lạc quan với nhận định: "Tóm lại, về tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2012 có những chuyển biến tích cực. Các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có bước phát triển. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tốt, đảm bảo cân đối các nhu cầu chi một cách chủ động". Câu hỏi đặt ra, nhận định đó có tương thích với những gì diễn ra trong thực tế?
Vẫn đầy âu lo
Kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong văn bản phục vụ cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm nay với các bộ, ngành và địa phương. Nó có vẻ tươi sáng so với diễn biến thực tế, đến mức đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẳng thắn đề nghị cần được sửa lại trước khi trình lên Chính phủ. "Chúng ta thảo luận thì thấy tình hình vẫn rất đáng lo mà kết luận thế thì không đúng", vị này nói. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP quý I ước đạt 4%, tăng thấp so với 5,57% cùng kỳ năm ngoái và 6,1% của quý 4 năm 2011. Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước, cũng chỉ tăng trưởng 7,4% trong quý I, thấp hơn so với 10,3% cùng kỳ năm ngoái. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Hà phát biểu đầy lo ngại: "Sản xuất khó cả đầu vào lẫn đầu ra".
Nhận định của ông Hà được củng cố bởi những thống kê vĩ mô. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trích số liệu quý I của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng thấp trong mấy năm gần đây. Nhập siêu chỉ vỏn vẹn 251 triệu đô la, bằng 1,02% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt như xăng dầu giảm 32,1%, phân bón giảm 27,4%, máy và thiết bị 1, 4%, vải giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2 và đang có xu hướng tăng chậm lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, CPI tăng thấp là do tồn kho tăng gây áp lực giảm giá, thu nhập của người dân giảm, việc làm giảm, dẫn đến giảm tổng cầu trong nền kinh tế. Ông Hà nhận định: "Nhập siêu giảm mạnh, giúp cân đối ngoại tệ, nhưng cũng phản ánh tình hình đầu tư và sản xuất kinh doanh trong nước đình trệ. Đây không phải là dấu hiệu lành mạnh của nền kinh tế".
Dù xuất khẩu tăng trưởng tốt, đạt 24,5 tỷ USD trong quý I, nhưng triển vọng xuất khẩu vẫn rất đáng lo |
Đại diện Bộ Công Thương tại hội nghị trên cho biết, dù xuất khẩu tăng trưởng tốt, đạt 24,5 tỷ USD trong quý I, nhưng triển vọng xuất khẩu rất đáng lo. "Phần lớn các doanh nghiệp da giầy và dệt may đã hết đơn hàng", bà nói và cho biết, chỉ có "một vài" doanh nghiệp lớn trong ngành ký được đơn hàng cho quý 2. Da giầy và dệt may không phải cá biệt. Công nghiệp chế tạo như ngành điện tử, điện lạnh sụt giảm nghiêm trọng do sức mua đình đốn. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng đã phải giảm sản lượng do tồn kho ở mức cao. Còn nhiều mặt hàng nông sản như: gạo, hạt điều, cà phê tồn kho cao, giảm cả lượng lẫn giá.
Tuy nhiên, ông Bùi Hà nhận định, bức tranh kinh tế không chỉ có mỗi gam màu xám. Xuất khẩu quý I tiếp tục đạt tốc tộ tăng trưởng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011, thu ngân sách tính đến 15/3 vẫn đạt gần 137 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ 19% dự toán năm là những tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh đó, theo ông Hà, tỷ giá ổn định, lãi suất đang có dấu hiệu giảm dần trên thị trường tiền tệ và các chỉ số vĩ mô như lạm phát, thâm hụt thương mại, bội chi ngân sách cho thấy tình hình đang ổn định trở lại.
Gốc rễ vấn đề
Với gốc rễ của bất ổn kinh tế vĩ mô đã ăn sâu, bám chặt vào cơ cấu nội tại của nền kinh tế, cộng với việc điều hành kém hiệu quả, liệu khi nào nền kinh tế sẽ bước ra khỏi tình trạng phải gồng mình chống lạm phát, rồi có lẽ sắp tới lại là chống đình đốn? |
Tình hình quý I năm nay chỉ là phần kéo dài của những diễn biến kinh tế trong suốt những năm qua mà gốc rễ của nó đã ăn sâu, bám chặt trong cơ cấu của nền kinh tế.
Một trong những rễ chính đó là hệ lụy của cách điều hành chính sách tiền tệ. Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét, những sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ của năm 2007, đưa tiền ra nhiều đã làm lạm phát bùng lên trong năm 2008. Ông Thành nói: "Sai lầm đã kéo dài khi người điều hành chính sách tiền tệ đã tỏ ra bối rối và nền kinh tế phải hứng chịu". Kể từ lúc đó, bất ổn trong hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng gia tăng với các biểu hiện nợ xấu tăng cao, thanh khoản luôn khó khăn, lãi suất cho vay cao, lãi suất huy động giảm… Những điều này cho thấy, sự thất bại của vai trò trung gian tài chính của hệ thống ngân hàng.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, thanh minh hộ ngành mình. Bà nói, Ngân hàng Nhà nước rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải theo đuổi nhiều mục đích, "vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ vừa phải khuyến khích tăng trưởng". Nhưng, rễ chính của bất ổn vĩ mô kéo dài, theo Tiến sỹ Thành, là khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư tới 10% mỗi năm trong suốt nhiều năm qua. Điều này được thể hiện rõ khi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên mở rộng đầu tư trong khi chất lượng đầu tư ngày càng giảm. Doanh nghiệp Nhà nước chiếm nguồn lực lớn đã đầu tư tràn lan và phân tán. Để bù đắp thâm hụt giữa tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm về lý thuyết, nền kinh tế phải phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Nhưng nguồn vốn nước ngoài giảm sút, nên Việt Nam bù đắp bằng nguồn vốn trong nước. Thể hiện rõ nhất là tỷ lệ bội chi ngân sách tăng cao, trong khi Nhà nước luôn phải tăng cường bán trái phiếu Chính phủ. Điều này là nguyên nhân cốt lõi gây ra lạm phát và bất ổn vĩ mô.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com