Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các năm 2013 - 2014 có thể thiếu điện nghiêm trọng

picture
Theo tính toán và dự báo của Chính phủ thì năm 2013 và 2014 sẽ thiếu điện nghiêm trọng.

Kéo dài trong kiến nghị của cử tri, gay gắt trên diễn đàn Quốc hội tại nhiều kỳ họp, song vấn đề cung ứng điện vẫn đứng đầu trong 6 tồn tại, hạn chế chủ yếu tại báo cáo mới nhất về kinh tế - xã hội năm 2010 của Chính phủ.

Theo Chính phủ, việc cung ứng điện không đảm bảo do nguồn thủy điện sụt giảm trong những tháng nắng nóng và tiến độ xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện không đảm bảo đã ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp và đời sống nhân dân.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp giữa năm nay, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết, điện là một trong ba điểm yếu mà Chính phủ nêu ra và ưu tiên giải quyết. “Ba điểm yếu của chúng ta có hai cái nhanh và một cái chậm. Nhập khẩu tăng nhanh, giá và lãi suất tăng nhanh. Nhưng điện giải quyết chậm”.

Trước đó, tại phiên họp đầu tháng 5/2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một vị đại diện Bộ Công Thương đã cho biết “tin mừng” là tháng 5 và 6 tình hình cấp điện sẽ khá hơn, vì tại các công trình thủy điện, nước đang về nhiều.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế thì thiếu điện nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt trong những tháng đầu năm, chỉ được tạm thời khắc phục từ giữa tháng 7/2010. Hầu hết các dự án lưới điện và nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2010-2011 bị chậm.  

”Việc triển khai các dự án trong tổng sơ đồ điện VI chậm so với tiến độ là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu điện trong năm 2010 và có nguy cơ tiếp tục thiếu điện cho những năm tiếp theo”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền chỉ rõ.

Từ kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về điện lực. Như, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện lực chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hoạt động quản lý, không chỉ hướng dẫn thiếu kịp thời mà còn có những nội dung chưa phù hợp với quy định của luật.

“Cho đến nay văn bản pháp luật quy định về khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện và các loại phí liên quan  trên vẫn chưa được ban hành”, Trưởng ban Dân Nguyện Trần Thế Vượng cho biết.

Cũng vì thiếu quy định cụ thể dẫn đến các đơn vị điện lực và UBND địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc cắt điện, trong việc ưu tiên, hạn chế cung cấp điện khi xảy ra thiếu điện, ông Vượng nói tiếp.

Kết quả giám sát của Ban Dân nguyện nêu rõ, cử tri thông cảm và chia sẻ với ngành điện về việc thiếu điện nhưng không đồng tình với việc thực hiện cắt điện, ngừng, giảm mức cung cấp điện mà không thông báo trước theo đúng quy định của pháp luật, chưa bảo đảm luân phiên, công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện, thiếu thống nhất giữa các địa phương trong những lúc thiếu điện như thời gian vừa qua.

Theo dự kiến cân đối về điện của Chính phủ vừa báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, thì để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 7-7,5%, nhu cầu điện năm 2011 dự báo sẽ tăng khoảng 14 - 15% so với thực hiện năm 2010. Theo đó, nhu cầu điện thương phẩm khoảng 97 tỷ KWh, điện sản xuất và nhập khẩu khoảng 110,5 tỷ KWh.

Các số liệu tính toán cân đối nhu cầu và khả năng đáp ứng này dựa trên công suất đặt dự kiến đến hết năm 2010 là 20.295 MW (trong đó thuỷ điện: 8.158 MW, chiếm 40,2%; nhiệt điện 11.437 MW, chiếm 59,8%).

Công suất đặt dự kiến tăng thêm năm 2011 khoảng 4.585 MW, trong đó nhiệt điện 1.680, thuỷ điện 2.905 MW. Nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào: 950MW, trong đó Trung Quốc 700 MW, Lào 250 MW.

Đồng thời cùng với dự báo điều kiện thuỷ văn bình thường, ít ảnh hưởng đến các nhà máy thuỷ điện thì khả năng điện sản xuất và nhập khẩu có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nhưng không vững chắc. Nếu chỉ một dự án nguồn điện chậm tiến độ hoặc thời tiết không thuận lợi sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu điện, Chính phủ lo ngại.

Cũng theo tính toán và dự báo của Chính phủ thì năm 2013 và 2014 sẽ thiếu điện nghiêm trọng, đòi hỏi phải quyết liệt đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện ngay từ năm 2010, đồng thời nghiên cứu lại giá điện để thu hút các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các nhà máy điện.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển một số ngành lĩnh vực, hạn chế việc cấp phép đầu tư các dự án sản xuất tiêu thụ điện năng cao như gia công thép từ phôi, xi măng. Đồng thời, có chính sách ưu tiên cụ thể cho các ngành sản xuất có công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ nguồn, công nghệ sạch...

Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan kịp thời rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, quan tâm giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri về hoạt động điện lực.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi