Dù thu nhập chỉ đáp ứng được 30-50% nhu cầu tối thiểu của gia đình công chức, nhưng hầu hết người Việt đều cố “xin một chân” trong đội ngũ công chức Nhà nước để cho “ổn định”. Vậy bản chất của vấn đề này nằm ở đâu, lương thấp có phải là hệ quả tất yếu của vấn nạn tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu hay không?
“Chạy” bằng được những suất lương “chết đói”
Nói đến cán bộ công chức (CBCC) là người ta hay nghĩ đến những người có “đồng lương ba cọc ba đồng” hay “đồng lương chết đói”. Không chỉ giáo viên mới kêu la mà ở nhiều ngành, nhiều nơi, hay như cán bộ ngành tư pháp CBCC, họ “kêu mãi cũng nản”. Như một kiểm sát viên đã công tác hơn 10 năm, thì thu nhập từ lương và các khoản khác ( thu nhập tăng thêm...” cũng chỉ khoảng hơn ba triệu. Trong khi đó, công việc của họ lại chủ yếu là nghiên cứu các vụ án, nếu để sơ xuất nghiệp vụ thì có thể dẫn đến gây oan cho người khác nhưng với mức lương này thì đúng là nhiều người chịu không thấu. Trưởng phòng cảnh sát cơ động của Hà Nội trong một cuộc họp mặt các tấm gương điển hình tiên tiến ngành công an còn cho hay, một số cán bộ, chiến sỹ phải tranh thủ đi làm... xe ôm vì tiền lương quá thấp.
Và khi thông tin về việc tăng lương vừa “nhấp nhỏm” trên các phương tiện truyền thông thì các mặt hàng ở chợ đã kịp “chạy” trước. Một giáo viên trường Cao đẳng đóng tại Hà Nội còn cho biết: “Đầu tháng đưa lương cho vợ rồi lại xin nhiều hơn, biết sao được”. Theo con số thống kê, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã tiến hành ba cuộc cải cách tiền lương , tuy nhiên thực tế mức tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức vẫn ở mức thấp, mới chỉ đáp ứng được 30-50% nhu cầu tối thiểu của gia đình công chức. Tuy nhiên, nhiều CBCC không sống nhờ lương mà điều mà họ quan tâm là “làm việc chỗ đó có màu mè không?” và họ phải ‘tính cách” để có thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình. Đây cũng chính là lý do khiến “nhiều người sẵn sàng mất hàng vài chục triệu đồng để kiếm một chân vào biên chế".
TS Đặng Đức Đạm- Nguyên Phó ban Nghiên cứu của Thủ tướng cũng chỉ ra rằng một nghịch lý, dù chỉ có đồng lương “chết đói” nhưng hầu hết CBCC đều sống đàng hoàng, tiền lương rất thấp nhưng để được vào biên chế hưởng đồng lương ít ỏi đó lại cực kỳ khó khăn; tiền lương không đủ sống nhưng khi đến tuổi rất nhiều người vẫn không muốn về hưu. Những nghịch lý này chỉ có thể giải thích bằng thực tế, đó là thu nhập ngoài lương rất lớn, có nhiều khoản thu nhập chưa được đưa vào lương (nhà ở, xe cộ, điện thoại…) hay lợi thế không phải chỉ là vấn đề vật chất (mà còn là cơ hội, uy tín…) để từ đó tạo ra các mối quan hệ làm ăn, dự án khác...
Ba năm, 16.000 người “bỏ chạy”
Theo kết quả nghiên cứu của Viện các vấn đề phát triển (VIDS), năm 2008 mức tiền lương tối thiểu của nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 60-65% nhu cầu cuộc sống của người lao động và bước vào năm 2010, tiền lương tối thiểu của nước ta thấp hơn các nước trên thế giới 40%.
TS Trần Thị Thu Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Sự nghiệp-Bộ Tài chính, chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2001-2010 cũng đã khẳng định “tiền lương là hình thức đầu tư trực tiếp cho con người, đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và hoạt động công vụ”. Vấn đề là ở chỗ mặc dù ai cũng thừa nhận lao động công vụ là loại lao động được đào tạo công phu, phức tạp, trình độ cao, chủ yếu bằng trí óc, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn (sản phẩm công) đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, nhưng qua ba lần cải cách hệ thống chế độ tiền lương cán bộ công chức (CBCC) vẫn chưa tương xứng với vị thế công quyền của bộ máy nhà nước.
Hệ thống tiền lương chưa được cải cách cơ bản theo mục tiêu, nội dung đã đề ra. Các thang, bảng, ngạch, bậc lương rất phức tạp, có chỗ chưa hợp lý giữa các đối tượng, các ngành nghề khu vực. Nói tóm lại, tiền lương của cán bộ công chức chưa đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình.
Tiến sỹ Thang Văn Phúc, Viện trưởng Viện VIDS cũng chỉ ra rằng, với mức tiền lương trong các đơn vị nhà nước không đủ sức cạnh tranh với khu vực tư và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, do đó, phát sinh nhiều hệ lụy trong xã hội. Ba năm (từ năm 20006-2009) đã có tới 16.000 người xin ra khỏi khu vực nhà nước. Các tệ nạn quan liêu, sách nhiễu, tham nhũng trong khu vực công ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp đang trở thành vấn nạn.
Làm chơi mà đòi ăn thật, lương lĩnh thế cũng là nhiều!
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cải cách tiền lương (CCTL) chưa có bước đột phá, theo TS Trần Thu Hà, Việt Nam đã xây dựng được một chương trình CCHC rất hiện đại, nhiều tư tưởng tiến bộ nhưng tổ chức thực hiện chậm, kết quả hạn chế. Trong khi đó, số lượng CBCC tăng quá nhanh (tăng hơn hai lần) làm quỹ tiền lương tăng nhanh, nhưng tiền lương từng người tăng ít. Điều quan trọng là mức lương tối thiểu không tương xứng tình hình thực tế xã hội và sức lao động hao phí của CBCC…
Theo TS Dương Quang Tung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, tuy nói tiền lương của CBCC là thấp nếu so với nhu cầu thiết yếu của cuộc sống nhưng lại không phải là thấp so với hiệu quả lao động thực tế của họ. Vì thực tế hiện nay, đa số CBCC làm việc không tốt (chỉ có 30% CBCC làm việc tương đối tốt). Ông Tung cũng chỉ ra, tiền lương hiện đã chiếm trên 30% trong chi ngân sách và gần 60% chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Do đó, vấn đề đặt ra là không thể tăng ngân sách vô hạn để chi cho tiền lương mà cần phải giải quyết một loạt các biện pháp để giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách.
(Theo HƯƠNG NGUYÊN // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com