Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giáo sư Dapice: Nền kinh tế Việt Nam - Tiềm năng lớn, rủi ro cao

Phát hiện một Việt Nam đầy tiềm năng - thiên đường để đầu tư - nhưng các giáo sư tại các trường hàng đầu Hoa Kỳ cảnh báo thị trường vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro.


"Bàn tay" can thiệp của Nhà nước

Hơn ba thập niên kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, từ một nền kinh tế suy sụp, Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những nền nền kinh tế năng động và hứa hẹn nhất Đông Nam Á.

Thị trường chứng khoán (TTCK) của Việt Nam - bao gồm cả TTCK TP.HCM và TTCK Hà Nội, hoạt động vừa được một thập niên, đã có gần 600 công ty niêm yết với khối lượng vốn lên tới 33,2 tỷ USD.

Mặc dù đã kéo dài được một giai đoạn tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia tương đối nghèo, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, thiếu các ngành công nghiệp công nghệ cao và thường dễ bị tổn thương trước sự can thiệp mang tính hành chính của chính quyền trung ương vào nền kinh tế.



Giáo sư David Dapice, nhà kinh tế học của Chương trình Việt Nam tại Trường Quản lý Nhà nước John K. Kennedy (Đại học Harvard) cho biết: "Rất nhiều công ty niêm yết trên TTCK vẫn đang thuộc quyền sở hữu nhà nước, và nhà nước vẫn có ảnh hưởng đến các hoạt động của chúng. Tuy vậy, khoảng một nửa số lượng các công ty niêm yết là các công ty tư nhân".

Ví dụ, Chính phủ nắm cổ phần chính trong một số công ty lớn như Vinamilk (công ty sản xuất sữa lớn nhất của đất nước), Vietcombank và Công ty Cổ phần Bảo Việt - công ty bảo hiểm và cung cấp các dịch vụ tài chính.

Giáo sư Dapice cho biết thêm, các khoản đầu tư trực tiếp của nhà nước như nhà máy lọc dầu Dung Quất,  hay Vinashin - một công ty đóng tàu vừa mới được tái cấu trúc gần đây, đều mang tính phi hiệu quả cao. Ông ước lượng khoảng 40-50% tỷ lệ các khoản đầu tư là từ phía nhà nước.

Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu của Việt Nam (với một mức giới hạn cụ thể), nhưng phần lớn các cổ phiếu đều có giá trị vốn hóa nhỏ và tính lỏng thấp (khó chuyển đổi thành tiền mặt).

Giáo sư Dapice chia sẻ: "Các nhà đầu tư nước ngoài hiện chiếm khoảng 30% lượng cổ phiếu trên thị trường, nhưng họ đều nhận ra rằng vẫn còn đó nhiều rủi ro kinh tế vĩ mô cho các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam"

Các doanh nhân nước ngoài có thể đi tới nhiều tỉnh thành của Việt Nam và không phải đối mặt nhiều với sự can thiệp của nhà nước, ông Dapice cho biết.

"Tuy vậy, các công ty nước ngoài có thị phần chủ yếu tại thị trường Việt Nam thường phải đối mặt với các luật lệ và quy định phức tại của nhà nước", ông Dapice nói.

Dapice, hiện vẫn đang là giáo sư kinh tế học tại Đại học Tufts, nói rằng hệ thống kinh tế của Việt Nam mang tính nhị nguyên: trong khi khu vực sản xuất hàng xuất khẩu và khu vực sản xuất tư nhân khá hiệu quả trong hoạt động và sử dụng vốn, thì một số công ty do nhà nước kiểm soát lại có hiệu quả rất thấp.

Sự "thất thường" trong quản lý kinh tế

Tuy vậy, trong 8 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu đã tăng tới 19,7%, với giá trị lên tới 44,52 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu tăng tới 24,4%, lên tới ngưỡng 52,68 tỷ USD.

Giáo sư Dapice khẳng định: "Hầu hết các ngành công nghiệp tại Việt Nam đều có công nghệ lạc hậu, ví dụ như các ngành sản xuất sữa, thủy sản, dệt may, giày dép v.v... Tuy vậy, nhà nước và một vài công ty nước ngoài đang mở rộng với quy mô lớn trong một số ngành công nghiệp như xi-măng, luyện thép và lọc dầu. Thêm vào đó, hãng Intel đã đầu tư một nhà máy để lắp ráp chip máy tính. Tuy nhiên, các lĩnh vực đầu tư trong ngành công nghiệp vẫn thường hướng vào các sản phẩm có độ phức tạp tương đối thấp".

Thêm vào đó, Trung Quốc đã thắng thầu trong các cuộc đấu thầu để xây dựng các thủy điện và công trình cơ sở hạ tầng khác, trong khi các quốc gia châu Á giàu có hơn như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore thì đầu tư vào bất động sản và các lĩnh vực sản xuất khác.

Giáo sư Dapice thừa nhận rằng nghèo đói tại Việt Nam đã giảm rõ rệt trong suốt 20 năm qua, do nỗ lực cải cách kinh tế và đầu tư vào ngành nông nghiệp, cũng như do sự bùng nổ của các công ty tư nhân từ sau năm 2000, cộng với các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều lao động.

Ông cho biết thêm: "Tivi và điện thoại di động hiện nay được sử dụng rộng rãi, và có tới hơn 20 triệu chiếc xe máy đang được sử dụng bởi khoảng 20 triệu hộ gia đình. Internet đang xâm nhập vào Việt Nam với tốc độ tương đương Trung Quốc và cao hơn Thái Lan".

Mặc dù tiêu thụ đại chúng tại Việt Nam đang gia tăng, nhưng khả năng chi trả vẫn còn ở mức khiêm tốn. Theo Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam hiện khoảng 1.010 USD, và còn tới 12% cư dân đang sống dưới mức nghèo khổ.

Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, mặc dù cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nền kinh tế phương Tây, đang có xu hướng giảm trong mấy năm gần đây.

Giáo sư Dapice cho biết: "Trong năm 2007 và trước đó, GDP của Việt Nam thường tăng trưởng ở mức trên 8%. Tuy vậy, trong năm 2008, GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 6%, đến năm 2009 giảm xuống còn 5,3%, và có thể tăng lại mức 6% trong năm nay. Thời kỳ tăng trưởng suy giảm này khó có thể vượt qua cho đến khi nào các cải cách quyết liệt hơn nữa được hình thành và thực thi".

Giáo sư Dapice cho rằng Việt Nam có một tiềm năng lớn để trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế trong dài hạn, nhưng để hiện thực hóa được điều này, đầu tiên Việt Nam phải giải quyết được một số vấn đề trong ngắn hạn.

Ông giải thích: "Tín dụng hàng năm tăng trưởng tới hơn 30% trong suốt một thập niên, vì vậy không lấy gì làm ngạc nhiên khi lạm phát của đất nước ở mức cao và mức độ thâm hụt thương mại lớn".

Bên cạnh đó, giá cả tiêu dùng đã tăng tới 8,18% trong tháng 8 so với mức đầu năm, đạt mức độ kỷ lục 8,19% vào tháng 7 vừa qua.

Mức độ thâm hụt thương mại của Việt Nam trong tháng 8 đã dừng ở mức 900 triệu USD trong tháng 8, so với mức 978 triệu USD trong tháng 7, theo số liệu của Tổng cục Thống kế tại Hà Nội. Trong tám tháng đầu năm, thâm hụt thương mại đã lên tới con số 18,16 tỷ USD.

Việt Nam hiện vẫn đang duy trì được thặng dư thương mại với các nước giàu có tại phương Tây, nhưng quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc (nơi mà Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp) đã đẩy cán cân thương mại lệch hẳn sang phía thâm hụt ở mức độ lớn.

Mức độ thâm hụt thương mại cao đã dẫn tới sự phá giá đồng tiền của quốc gia, Việt Nam đồng, với tỷ lệ mất giá lên tới trên 5% so với mức đầu năm.

Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã cảnh báo rằng sự suy giảm trong dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sẽ dẫn tới nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán. Sự lo ngại này của IMF về hiện trạng cán cân thanh toán của Việt Nam đã khiến mức độ xếp hạng về dư nợ nước ngoài tính bằng ngoại tệ của Việt Nam, do Fitch Ratings (công ty đánh giá tín dụng có trụ sở tại New York) công bố, từ mức B+ xuống mức BB- vào cuối tháng 7 vừa rồi. Fitch cũng nhấn mạnh tới sự mâu thuẫn giữa các chính sách kinh tế với nhau, và lo lắng về chất lượng tài sản của khu vực ngân hàng

Trong khi Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ người biết chữ rất cao (tới trên 90%), nhưng hệ thống giáo dục bậc đại học của đất nước vẫn còn nghèo nàn và lạc hậu.

Nhưng, như Giáo sư Dapice đã chỉ ra, khó khăn lớn nhất lại xuất phát từ sự "thất thường" trong quản lý kinh tế của chính phủ.

Giáo sư Dapice nói: "Sự quản lý kinh tế vĩ mô thường không mang tính đồng bộ, hoặc cố gắng làm quá nhiều việc cùng một lúc, trong khi có nhiều nhà đầu tư chịu ảnh hưởng bới các diễn biến chính trị nhiều hơn so với sự cân nhắc về hiệu quả kinh tế".

Cái nhìn lạc quan hơn



Tuy vậy, Mark Sidel, giáo sư luật tại Đại học Iowa (Hoa Kỳ), đồng thời là cố vấn về pháp luật quốc tế cho Dự án cải cách pháp luật, thuộc Chương trình Phát triển Quốc tế của Liên hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội, thì lại thể hiện sự lạc quan hơn về Việt Nam.

Giáo sư Sidel tin tưởng rằng Việt Nam có vị trí khá vững chắc trong nhóm các thị trường mới nổi, với hơn 20 năm lịch sử quan hệ thương mại và đầu tư với thế giới bên ngoài, một thị trường chứng khoán đang phát triển, các thỏa thuận thương mại đa phương được ký kết ngày càng nhiều, và lực lượng lao động có trình độ học vấn cao.

Và mặc dù gặp phải khó khăn từ những can thiệp hành chính của chính quyền vào quá trình lập định chính sách kinh tế, nhưng Giáo sư Sidel cho rằng Việt Nam vẫn là một thực thể kinh tế "phát triển nhanh và năng động".

Giáo sư Sidel nói: "Tôi không nghĩ rằng các chính sách do Hà Nội ban hành đều gây khó khăn cho nền kinh tế. Bất kỳ ai đến thăm các thành phố của Việt Nam đều ngay lập tức nhận ra một môi trường kinh tế mở, đang phát triển mạnh và đầy sức sống".

Tuy thừa nhận rằng nền công nghiệp của việt Nam vẫn đang trong tình trạng chậm phát triển với nền tảng công nghệ thấp, nhưng Sidel tin rằng đất nước này vẫn có thể trở thành một quốc gia với nền công nghệ phát triển cao trong những năm tới.

Giáo sư Sidel nói: "Cần phải có thời gian để xây dựng các tổ hợp công nghiệp công nghệ cao hùng mạnh - giống như những gì Trung Quốc đã làm - nhưng các yếu tố này tại Việt Nam đang được hội tụ dần dần. Người Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển dịch nền kinh tế của mình thành một nền kinh tế dựa trên nền tảng của công nghệ cao".

Công đồng người Việt Nam trên khắp thế giới (đặc biệt là tại Hoa Kỳ, Canada, Australia và Pháp) đều đóng vai trò tích cực trong quá trình phát triển kinh tế tại các quốc gia này.

Các số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, từ năm 2001 tới năm 2008, lượng Kiều hối tại Việt Nam đã tăng gấp ba lần, lên tới 7,2 tỷ USD, tương đương với 8% GDP của quốc gia. Luồng tiền này đang được sử dụng để xây dựng thêm nhiều bất động sản và đầu tư vào các doanh nghiệp.

Và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ dừng lại ở việc gửi tiền về nước. Mỗi năm, có tới khoảng 500.000 Việt kiều trở về quê nhà để đón Tết Nguyên đán.

Nhìn chung, Việt Nam là một quốc gia tiềm ẩn cả những tiềm năng lớn lẫn các rủi ro đáng kể.

 

( Theo Lâm Vũ (theo Ibitimes) // vnr500.vn )

  • “Bình” nhưng không “ổn “!
  • Dự án treo, cơ hội bị bỏ phí
  • Lúa gạo tăng giá: “Bốn nhà” bắt tay, nông thương mới lợi
  • Chờ luật, doanh nghiệp gạo mạnh ai nấy làm
  • 15 ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015
  • Ngăn chặn sớm các nguy cơ tăng giá
  • Kinh doanh dịch vụ CKS ở Việt Nam: Tiềm năng và Thách thức
  • Tỷ trọng ngân sách đầu tư cho kinh tế đang có xu thế giảm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi