Những lời chúc mừng thành tích vượt qua khủng hoảng và phục hồi kinh tế đang củng cố thêm quyết tâm tăng trưởng cao trong 2010 của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, đừng quá lạc quan và mất cảnh giác trước những nhân tố bất ổn, đe dọa sự phát triển bền vững dài hạn của chính mình.
Nghi ngờ mức 7%.
Đầu tháng 11/2009, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010, trong đó GDP tăng 6,5% và lạm phát 7% được thông qua. Khi đó, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, rất khó để dự báo cho năm 2010 và không nên xây dựng các chỉ số của năm tới dựa trên thực tế hiện tại, không tính đến những tác động dài hạn của chính sách kích cầu, diễn biến mới của kinh tế thế giới và trong nước. Lạm phát 7% có thể phải xem lại. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước lại phản biện, với sự ổn định của chính sách tiền tệ thì không khó khi dự báo cho 2010, lạm phát 7% là tính toán có cơ sở.
Đến cuối tháng 11, chính sách tiền tệ đảo chiều, lãi suất cơ bản tăng lên 8%, tỷ giá USD tăng lên, Chính phủ quyết định dừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào 31/12, hầu hết các ưu đãi thuế cũng sẽ chấm dứt. Những quyết định này khiến chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng lên. Tất nhiên, những biến số để tính lạm phát 2010 cũng đã thay đổi.
Ông Thiên cho biết thêm: “Hiện giá dầu đã tăng tới 80 USD/thùng, và nguyên liệu đầu vào sẽ tăng lên khi kinh tế hồi phục là không tránh khỏi. Tất cả các chỉ số đều cho thấy, các yếu tố gây lạm phát hoàn toàn không như năm 2009 và mức 7% cần phải xem lại”.
Đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng là 36,08%, trong đó, dư nợ VNĐ tăng 41,66%. Dù là lường trước tín dụng năm 2009 sẽ vượt 30% nhưng con số này đã khiến nhiều người giật mình.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Khoa học Thị trường giá cả - Bộ Tài chính nói, vào đầu năm, tín dụng dự kiến tăng khoảng 25%, sau đó điều chỉnh lên 30% nhưng nay vượt 30% rất xa, có khả năng lên 40% cho cả năm.. Mức tăng 40% hay 50% là đáng lo nhưng lo hơn là có dấu hiệu không kiểm soát nổi tăng tín dụng. Trường hợp này giống năm 2007 khi tín dụng bùng nổ. Mục tiêu của năm là 25% nhưng lại tăng đến 53%. Hiện nay, mức độ chưa trầm trọng như trước nhưng rõ ràng khả năng kiểm soát đang có vấn đề. Đây là điểm đáng ngại nhất. Vì thế, ông Ánh cho rằng “khó giữ mức 7% như chỉ tiêu đề ra”.
Bên cạnh đó, hàng loạt yếu tố khác đang khiến cho nguy cơ lạm phát cao đang đến gần hơn như: bội chi ngân sách ở mức khoảng 7% và không loại trừ bội chi sẽ tiếp tục cao trong năm 2010; giá điện, nước, than, xăng dầu tăng; tiền lương tăng, dòng vốn nước ngoài vào nhiều hơn... Nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng cao đến 20% trong năm 2009 bất chấp khủng hoảng và đi ngược với xu hướng chung của thế giới cũng là một nhân tố góp phần vào lạm phát.
Vì thế, ông Thiên cho rằng, dự báo lạm phát 7% cho năm 2010 có thể được xây dựng dựa trên thực tế và chính sách hiện tại khi sức cầu còn yếu, chi phí đẩy không mạnh, giá cả còn chưa tăng... chưa có nhiều tác động dài hạn của các chính sách kích cầu... Nhưng kinh nghiệm cho thấy, như thế là quá đơn giản, dễ dẫn đến sai số lớn.
Ổn định để tăng trưởng dài hạn
Theo ông Thiên, GDP là biểu hiện của tăng trưởng, lạm phát biểu thị sự ổn định. Với những mục tiêu đề ra, dường như chúng ta vẫn nhắm vào tăng trưởng ngắn hạn. Trong khi đó, rất nhiều nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần phải ưu tiên ổn định vĩ mô, hạn chế những nguy cơ để phát triển trong dài hạn.
Ông Thiên đề xuất. chúng ta cần lo lắng cho ổn định hơn là chống suy giảm. Bởi vì, yếu tố bất ổn thể hiện những điểm yếu của cơ cấu bên trong mà hai năm vừa rồi đã bộc lộ rõ rệt. Vì thế, có cần dốc sức cho tăng trưởng khi tốc độ tăng trưởng không có gì quá tồi tệ. Do vậy theo ông Thiên, trong năm tới nên tập trung cho mục tiêu ổn định, tức là kiểm soát lạm phát hơn là cố gắng năng cao tăng trưởng.
Chính vì thế, ông Ayumi Konishi - Giám đốc ADB tại Việt Nam nói, Việt Nam đã quen với tăng trưởng cao. Khi nghe GDP tăng 5% cảm thấy thấp và kỳ vọng cao hơn. Chúng ta phải kiểm soát và điều phối được kỳ vọng để tạo sự phát triển dài hạn nếu không sẽ đẩy kinh tế tới các nguy cơ bất ổn.
Nhìn về trung hạn, Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn cho phát triển. Vì thế, Việt Nam cần tập trung cho sự ổn định trước mắt, Việt Nam cần tăng trưởng cao nhưng lưu ý đó là sự tăng trưởng dài hạn.
Ông Vũ Quang Thịnh - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư SGI cũng cho rằng, Việt Nam có thể tăng trưởng đến 8-10% mỗi năm, nhưng phải khắc phục được nhưng điểm yếu của mình, nếu không chúng ta sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ.
Ngân hàng Thế giới từng cho rằng, Việt Nam cần tăng trưởng 7%/năm để hấp thụ hết số lao động mới và duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ vừa qua thì không nên máy móc tính cho từng năm mà cần có cái nhìn dài hơn. Vì thế, không nên tập trung để đạt tốc độ phát triển nhanh trong năm 2010, vì có thể sẽ đối mặt với nguy cơ lạm phát mới. Mức tăng trưởng 6,5% là hợp lý, nếu không dùng đến các biện pháp kích cầu.
Ở vị thế của mình, Việt Nam không thể tăng trưởng thấp vì như thế chúng ta sẽ ngày càng tụt hậu. Tuy nhiên, không phải là tăng trưởng với bất kỳ giá nào, gây nên mất cân đối vĩ mô, làm mất ổn định nền kinh tế. Và việc cân bằng giữa ổn định và tăng trưởng đòi hỏi sự lựa chọn khôn ngoan và quyết đoán của Chính phủ.
(Báo Tổ Quốc)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com