Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá cả leo thang, nguy cơ lạm phát rình rập

Chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã bắt đầu nóng lên. Câu hỏi được quan tâm hiện nay là diễn biến giá cả thời gian tới sẽ như thế nào, tái lạm phát liệu có xảy ra?

Nhiều mặt hàng sẽ tăng giá trong những tháng cuối năm. Trong ảnh: Khách hàng tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Linh Tâm

Hàng hóa kéo nhau lên giá

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù đã có những biện pháp bình ổn thị trường nhưng trong tháng 11, CPI vẫn tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 6,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung đã có mức tăng cao hơn so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tương quan dãy số với các tháng trước đó, CPI tháng 11có sự đảo chiều mạnh mẽ (CPI tháng 6 tăng 0,55%, tháng 7 tăng 0,52%, tháng 8 tăng 0,24%, tháng 9 vọt lên 0,62%, tháng 10 tăng 0,37%).

Các chuyên gia nhận định, sự đảo chiều đột ngột của CPI tháng 11 tuy không lớn, chỉ gia tăng thêm 0,18% so với tháng trước nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế suy giảm, mức tăng này là đáng kể, làm gia tăng áp lực lạm phát. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là xu hướng cho những tháng tới khi CPI đang bước vào chu kỳ cuối năm (theo quy luật, sức mua đều tăng so với những tháng trước đó; ngoài ra, giải ngân đầu tư được đẩy nhanh và nhu cầu tín dụng sẽ tăng hơn trước)?

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 vẫn tiếp tục tăng và mức tăng có thể tương đương với mức tăng của tháng 11. Còn theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12 sẽ tăng cao do nhu cầu tiêu dùng cuối năm, bên cạnh đó sự chênh lệch tỷ giá đồng USD sẽ đẩy giá các mặt hàng. Dự báo, CPI tháng 12 sẽ ở khoảng 7%.

Diễn biến thị trường trong những ngày đầu tháng 12 cho thấy thị trường - giá cả đang nóng hơn. Trước tình hình tỷ giá USD biến động và đứng ở mức cao so với những tháng trước, giá bán một số mặt hàng nhập khẩu tăng. Chẳng hạn, nhóm sản phẩm linh kiện máy tính như ổ cứng, màn hình LCD, mainboard, RAM, các loại máy tính xách tay có tỷ lệ tăng giá mạnh và khá nhanh; trong khi đó, thị trường ô tô, nhất là các loại ô tô nhập khẩu đều tăng giá rất mạnh so với đầu tháng 11 và gây ngỡ ngàng cho người tiêu dùng.

Tại Hà Nội, nhiều siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá. Một số nhà cung cấp đồ nhựa gia dụng, nước giải khát, thực phẩm chế biến đông lạnh... đã đề xuất mức tăng 5-10%. Kéo theo đó, hiện tại giá hầu hết nhóm hàng bánh kẹo, nước giải khát, đồ hộp, văn phòng phẩm... nhập khẩu tăng cao, tới hơn 10%. Theo nhận định, sở dĩ các mặt hàng nhập ngoại tăng cao hơn hàng hóa trong nước vì giá euro, giá USD tăng giá, nguyên liệu sản xuất tăng. Các mặt hàng trong nước tăng giá lại chủ yếu do sức ép giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua đã tạo thêm áp lực tăng lên sản phẩm.

Nguy cơ tái lạm phát

Không ít chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát cao quay trở lại, có thể vào cuối năm nay hoặc sang đầu năm 2010. Một trong những cơ sở cho nhận định này là giá cả nhiều hàng hóa chủ yếu của thế giới đang gia tăng trở lại, bởi nhiều nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục. Khi giá cả hàng hóa thiết yếu thế giới tăng trở lại, thì sức ép lạm phát cũng tăng theo. Thực tế cho thấy, một nguyên nhân quan trọng đẩy CPI tháng 11-2009 đảo chiều so với những tháng trước đó chính là do giá cả vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới tăng làm cho giá vật tư, hàng hóa nhập khẩu tăng (giá nhập khẩu: xăng dầu tăng 4,15%, phôi thép tăng 3,49%, khí hóa lỏng tăng 5,32%, lúa mỳ tăng 0,69%, giấy các loại tăng 0,82%...).

Ngoài áp lực từ thị trường thế giới, sức ép lạm phát từ thị trường trong nước cũng không ít. Trước hết, theo quy luật hằng năm, trong các tháng cuối năm và giáp Tết thường có nhiều yếu tố tạo sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán như đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách tập trung, nguồn vốn trái phiếu chính phủ; doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh chuẩn bị hàng hóa phục vụ lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; sức mua và nhu cầu hàng hóa dịch vụ của các tầng lớp dân cư tăng hơn các tháng bình thường…

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng tiếp tục diễn biến phức tạp, mặt khác do ảnh hưởng của bão, lũ, lụt tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã gây thiệt hại trực tiếp đến kết quả sản xuất nông nghiệp, giảm nguồn cung có thể đẩy giá nông sản của Việt Nam tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, việc thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh một số vật tư, hàng hóa quan trọng như xăng dầu, than, nước sạch sinh hoạt... đã điều chỉnh tăng giá bán (trong đó xăng dầu từ ngày 24-10 điều chỉnh tăng khoảng 1,97- 5,18%). Đáng chú ý, tác động của việc tăng giá xăng dầu từ ngày 20-11 sẽ góp phần đưa chỉ số giá tháng 12 tăng theo.

Sự cộng hưởng của thị trường tiền tệ cũng tác động phần nào tới diễn biến giá cả thị trường. Trước hết là lãi suất cơ bản đã tăng từ 7% lên 8%/năm áp dụng từ ngày 1-12, tác động tới lãi suất huy động và cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vay vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ở mức cao đã và đang tạo thêm sức ép đối với lạm phát. Liên quan đến vấn đề này, có những dự báo cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt gần 40%, tổng phương tiện thanh toán sẽ vượt mức tăng 25% trong so sánh cuối năm và đầu năm. Báo cáo cập nhật của ADB mới đây đã điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2009 của Việt Nam lên mức 6,8% thay vì mức 4% như hồi tháng 3 và đưa ra khuyến cáo là nên tránh việc thực hiện thêm các biện pháp kích thích tài chính trước khi đánh giá kỹ lưỡng các tác động trung hạn của những biện pháp đã thực hiện.

Chủ động kìm hãm đà tăng giá

Tuy nhiên, bên cạnh áp lực tăng giá, cũng có cả những yếu tố làm giảm xu hướng này. Có thể kể đến những yếu tố quan trọng như: Các gói kích cầu của Chính phủ thông qua các chính sách tài chính, tiền tệ như giãn, hoãn, giảm, miễn thuế, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ lãi suất… đã góp phần tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn trước giúp phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc, tiêu thụ hàng hóa tồn kho, giảm chi phí sản xuất và chi phí lưu thông để bình ổn giá hàng hóa dịch vụ.

Bên cạnh đó, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững là yếu tố quyết định để bình ổn thị trường, nguồn cung trong nước dồi dào; đồng thời cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thu hút các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh bán ra với việc thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Nhiều tỉnh, thành phố đã hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp lớn mua hàng hóa dự trữ để bán cho nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán, theo đó các doanh nghiệp phải cam kết bán hàng hóa với giá thấp hơn giá thị trường (thành phố Hồ Chí Minh cho các doanh nghiệp vay 422,3 tỷ đồng với lãi suất 0% để mua hàng bình ổn giá cho dịp Tết Nguyên đán 2010, thành phố Hà Nội cho vay 250 tỷ đồng).

Sự tác động đan xen của các nguyên nhân chủ yếu trên sẽ tạo ra xu hướng giá cả trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc lại rằng nhiệm vụ kiềm chế lạm phát năm 2009 khó hơn năm 2008, vì phải đồng thời bảo đảm mục tiêu kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, lại vừa phải kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế trong nước đã bắt đầu hồi phục, nhưng cũng đang xuất hiện những động thái mới từ diễn biến của thị trường tài chính - tiền tệ, do đó cần hết sức cảnh giác và chủ độngđối phó với nguy cơ tái lạm phát đang rập rình.

(Theo Bình Thu // Hanoimoi Online)

  • 2010, VN sẽ còn đối diện với nhiều rủi ro
  • Công bố Việt Nam ICT Index của một số ngành kinh tế quan trọng
  • CitiBank lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm tới
  • Thế giới nhận định và dự báo kinh tế Việt Nam 2010
  • Bàn kế hoạch 2011-2015: Phân cấp và chuyện “thả gà ra đuổi”
  • Phát huy vai trò các hiệp hội trong thời kỳ mới
  • Tìm giải pháp tạo ba đột phá lớn cho nền kinh tế
  • Tái cấu trúc và phát triển doanh nghiệp nhà nước : Cần bắt đúng bệnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi