Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta” được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian vừa qua đã nhận được sự đồng tình và hoan nghênh nhiệt liệt của cộng đồng doanh nhân cả nước. Có thể coi đây là những điểm mới rất quan trọng trong tư duy của người đứng đầu Chính phủ; đồng thời cũng từ đây, có thể hy vọng về những đổi mới thực sự trong hành động của các cơ quan nhà nước. Đối với kinh tế tư nhân, lâu nay, trong các văn bản chính thức của Đảng, vẫn thường viết: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Thế nhưng, tư duy phân biệt đối xử vẫn tồn tại. Trong bài viết “Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay”, GS.TS Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội có viết: “Trong đó (nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - VQT), kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế hỗn hợp, đa sở hữu, nhất là các doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” (theo báo Nhân Dân ngày 5-5-2010). Trong thực tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, kinh tế tư nhân vẫn đóng góp phần quan trọng trong GDP, trong đầu tư phát triển, với tốc độ phát triển trong công nghiệp thường nhanh hơn kinh tế nhà nước, có năm nhanh hơn cả kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Điều quan trọng là kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho phần rất lớn người đến tuổi lao động, nhất là ở nông thôn, qua đó, góp phần xóa bỏ các tệ nạn xã hội, do “nhàn cư vi bất thiện” (tại các làng nghề, nơi thanh niên có việc làm, hầu như không có tệ nạn xã hội). Thế nhưng, doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận các nguồn lực, nhất là đất đai, vốn liếng, bắt nguồn chủ yếu từ tư duy kỳ thị kinh tế tư nhân. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân đã kìm hãm các lực lượng sản xuất, không phát huy được tiềm năng rất to lớn của dân ta vào phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế này đã được phản ánh tại nhiều cuộc diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng từ nhiều năm nay. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nhân hết sức phấn khởi khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Để tăng trưởng cao, đạt tốc độ bình quân 7 - 8%/năm, phải tháo gỡ mọi cản trở về thể chế và thủ tục hành chính, giải phóng và phát triển mạnh lực lượng sản xuất gắn với nâng cao trình độ khoa học, công nghệ. Phải tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân - thành phần có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tạo nhiều việc làm nhất trích trong bài viết của Thủ tướng, theo trang web Baodientu.chinhphu.vn ngày 16-7-2010). Nhiệm vụ “Tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” đòi hỏi sự chuyển biến toàn diện trong mọi cơ chế, chính sách liên quan đến sự ra đời của doanh nghiệp tư nhân cũng như trong suốt quá trình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, bảo đảm cho kinh tế tư nhân lớn mạnh xứng tầm vị trí và vai trò mà Thủ tướng đã khẳng định. Đối với doanh nghiệp nhà nước. Lâu nay, do dựa vào vị trí “chủ đạo” của kinh tế nhà nước, lại được những sự ưu ái (có phần quá đáng), không ít doanh nghiệp nhà nước đã kinh doanh kém hiệu quả, đầu tư tràn lan, gây ra thất thoát vốn, công nợ chồng chất. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cũng đã được thảo luận khá sôi nổi ở nhiều diễn đàn. Trước thực tế ấy, chúng ta hết sức tâm đắc khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Mặt khác, phải đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước trở thành công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách cơ cấu và định hướng tổ chức thị trường. Phải thực hiện đa sở hữu, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quan trọng hơn là đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường. Chỉ có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước mới không chèn lấn các nguồn lực để phát triển khu vực tư nhân - một động lực chủ yếu của tăng trưởng”. Như vậy, Thủ tướng đã xác định vai trò của doanh nghiệp nhà nước là “công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách cơ cấu và định hướng tổ chức thị trường” và phải “đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường”. Đó là những tư duy cực kỳ quan trọng, bởi vì trong thực tế, do doanh nghiệp nhà nước được nhiều ưu ái (như đất không phải thuê, lại được ở những nơi đắc địa; vốn thiếu thì được vay - không ít trường hợp, được vay “theo chỉ định”, nợ không trả được thì khoanh nợ, giãn nợ hoặc chuyển nợ thành vốn Nhà nước cấp…), không ít tập đoàn kinh tế nhà nước ở vào vị trí độc quyền, cho nên trên thị trường, đã không có sự cạnh tranh đúng nghĩa. Tình hình này dẫn đến doanh nghiệp ỷ lại vào Nhà nước, còn người đứng đầu doanh nghiệp thì không chịu trách nhiệm đầy đủ về kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp nhà nước không đóng được vai trò như mong muốn và nguy hại hơn nữa, đó là tài sản nhà nước - cũng là của dân, bị thất thoát. Không những thế, đúng như Thủ tướng viết, phải làm cho sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước“không chèn lấn các nguồn lực để phát triển khu vực tư nhân”, vì trong thực tế, do nguồn lực của Nhà nước được tập trung quá nhiều cho doanh nghiệp nhà nước, nguồn lực dành cho doanh nghiệp tư nhân - trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, không còn bao nhiêu (điển hình như trong gói kích cầu được trợ giúp 4% lãi suất năm vừa qua). Một nhiệm vụ hết sức cấp bách, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết: “phải đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước”, cũng tức là, phải rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước để tái cấu trúc một cách thích hợp. Vừa qua, việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên hoặc công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mới chỉ là một bước. Đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước thấy vẫn cần nắm giữ cổ phần lớn hoặc nắm giữ 100% vốn, thì cần thay đổi toàn bộ hệ thống quản trị, bao gồm cả việc quản trị nội bộ doanh nghiệp và việc thực hiện quyền của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp; dứt khoát tách bạch vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước ra khỏi vai trò quản lý nhà nước. Đối với doanh nghiệp nào mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ hoàn toàn, thì nên thực hiện cổ phần hóa, qua đó thu hút vốn và nhất là kỹ năng quản lý của những doanh nhân giỏi trực tiếp quản lý doanh nghiệp, tạo ra những nhân tố mới cho sự phát triển doanh nghiệp. Thực tế cho thấy tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là một công việc hết sức cam go, quyết liệt, vì nó đụng chạm đến lợi ích của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó, không tránh khỏi có tác động của những nhóm lợi ích. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang mong mỏi những ý tưởng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài viết được quán triệt đầy đủ trong cơ chế, chính sách, thành những hành động cụ thể, đưa kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững. Theo VŨ QUỐC TUẤNNgười tiêu dùng chọn mua sản phẩm điện tử của Công ty TNHH Tiến Đạt - Ảnh: Đức Trí
Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần// Theo Tuổi Trẻ
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com