![]() |
Lắp ráp máy kéo bông sen 12 tại công ty TNHH một thành viên máy kéo và máy nông nghiệp. |
Ðảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, giúp các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ và thiết bị, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa (NÐH) trong các sản phẩm trọng yếu của nền kinh tế.
Nhưng qua khảo sát một số đơn vị trong ngành dệt may và cơ khí cho thấy, tỷ lệ NÐH các ngành hàng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chất lượng và giá cả chưa thật sự cạnh tranh.
Thực trạng đáng lo ngại
Có thể nói, mười năm trở lại đây, ngành cơ khí nhận được sự quan tâm rất lớn của Ðảng và Nhà nước. Ngày 26-12-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 186/2002/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, trong đó khẳng định quan điểm: Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước. Ngày 17-10-2003, tại Kết luận 25/KL/TW, Bộ Chính trị đã có ý kiến: Phải coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Trong những năm qua, ngành cơ khí nước ta cũng đã có nhiều nỗ lực tạo sự chuyển biến ở một số lĩnh vực như: đóng tàu, chế tạo và cung cấp thiết bị đồng bộ, xây dựng, giao thông, chế tạo máy nông nghiệp, thiết bị và sản xuất vật liệu điện...; nhiều doanh nghiệp cơ khí từng bước đổi mới, nâng cao khả năng thiết kế, năng lực thiết bị và công nghệ, trình độ quản lý điều hành, vươn lên đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC trong một số lĩnh vực như thủy điện, xi-măng, nhiệt điện, hóa chất, vật liệu xây dựng... Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí năm 2000 đạt 33.830,6 tỷ đồng, năm 2009 đạt 154.870 tỷ đồng (tăng bốn lần), đáp ứng khoảng 35% nhu cầu trong nước. Ðối với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt hơn 9,1 tỷ USD, trong đó phần nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu chiếm hơn 4,3 tỷ USD, và 1,7 tỷ USD nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước, giá trị gia tăng của toàn ngành đạt khoảng hơn 3,8 tỷ USD. Ðiều này cho thấy, sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước đã có sự gia tăng đáng kể và tỷ trọng NÐH trong các sản phẩm dệt may đã tăng khá trong năm 2009. Bốn tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 3,2 tỷ USD, trong đó 300 triệu USD tiền công lao động, 1,5 tỷ USD nhập khẩu nguyên, phụ liệu, tỷ lệ NÐH được nâng lên 48,3%, (cùng kỳ năm 2009 là 45%, năm 1995 tỷ lệ này chỉ khoảng 15%). Như vậy sau 15 năm, NÐH của ngành đã tăng gấp ba lần. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, năm 2010 ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ NÐH 50% và đến năm 2015 đạt 70%, (Chiến lược phát triển ngành đề ra mục tiêu đạt tỷ lệ NÐH 50% vào năm 2015).
Tuy nhiên, những kết quả đó không làm cho bức tranh về NÐH của hai ngành này có được một gam màu sáng. Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam ngày 20-8-2008, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ rõ: Ngành cơ khí nước ta hiện nay vẫn là quy mô nhỏ, trình độ phát triển còn thấp, máy móc thiết bị lạc hậu, tỷ lệ đổi mới thấp, năng lực tư vấn, thiết kế yếu, chủ yếu là gia công, lắp ráp, tỷ lệ sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn thấp, khả năng cạnh tranh còn yếu; nguồn lực có hạn nhưng đầu tư còn dàn trải; hai lĩnh vực tạo phôi và công nghiệp phụ trợ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; đóng góp của ngành cơ khí vào đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng tỷ trọng chế biến sâu, giá trị gia tăng của các ngành kinh tế khác còn hạn chế; gần đây phát triển của ngành có biểu hiện chững lại... Hiện tại, tỷ lệ sản phẩm cơ khí trong nước có hàm lượng công nghệ cao còn thấp, chưa có các cơ sở công nghiệp tiên tiến đủ năng lực thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao từ khâu luyện kim, đúc hợp kim, rèn phôi, đúc phôi lớn. Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ thừa nhận, ngành cơ khí mới chỉ sản xuất những phần "tĩnh", còn phần "quay" là các loại máy, trục máy, phần chuyển động của dây chuyền thiết bị chưa sản xuất được.
Ðặc thù ngành dệt may là phát triển dựa trên một chuỗi sản xuất liên hoàn từ sản xuất bông, xơ, kéo sợi, đến dệt, nhuộm, hoàn tất vải và may. Nhu cầu sử dụng nguyên, phụ liệu trong nước của các doanh nghiệp (DN) dệt may là rất lớn. Việc tổ chức sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước sẽ chủ động khâu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) Lê Quốc Ân, đến nay, các loại nguyên liệu trong nước như bông mới đáp ứng 10%; xơ, sợi tổng hợp 60%... Năm 2009, sản xuất trong nước mới đáp ứng 2.500 tấn bông xơ, 180 nghìn tấn xơ, sợi tổng hợp, các DN phải nhập khẩu 303 nghìn tấn bông xơ và 503 nghìn tấn xơ, sợi tổng hợp. Hiện nay, sản xuất vải còn yếu ở khâu nhuộm, hoàn tất, làm ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp thời trang. Ðây lại là một công đoạn quyết định đến chất lượng, mẫu mã của vải Việt Nam để có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài. Ðối với các DN may, việc tìm được nguyên, phụ liệu phù hợp để chủ động sản xuất hiện nay là không dễ. Chủ tịch HÐQT Tổng công ty may Nhà Bè Dương Thị Ngọc Dung cho biết, mỗi khi DN phải thực hiện những đơn hàng gấp, DN luôn có nhu cầu mua nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước để tiết kiệm chi phí và thời gian, bảo đảm tiến độ giao hàng cho đối tác. Tuy nhiên, nguyên, phụ liệu chưa phong phú, đa dạng, giá bán lại cao hơn hàng nhập khẩu từ 5 đến 10%, cho nên hiện tại DN mới chỉ sử dụng được 20% nguyên liệu và 50% phụ liệu sản xuất trong nước, còn lại đều phải nhập từ nước ngoài.
Một số nguyên nhân
Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành dệt may là thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu phục vụ sản xuất, đặc biệt là bông nguyên liệu. Trong khi đó, việc phát triển vùng nguyên liệu bộc lộ nhiều bất cập như: trồng phân tán, diện tích, sản lượng không ổn định, năng suất không cao...; quỹ đất trồng bông còn hạn chế, thiếu giống bông chất lượng cao, nguồn tài chính eo hẹp, cho nên sau nhiều năm triển khai trồng bông, diện tích không được mở rộng, mà còn bị thu hẹp, hiện chỉ còn khoảng 20 nghìn ha do nhân dân trồng xen canh với các loại cây lương thực. Chưa có một trang trại hoặc một vùng chuyên canh trồng bông nào theo hướng công nghiệp.
Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Việt Thắng Nguyễn Ðức Khiêm thừa nhận, đến nay nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng yêu cầu cho các DN dệt may. Khả năng cung ứng nguyên liệu của các DN trong nước còn hạn chế, chất lượng phục vụ và giá cả không cạnh tranh. Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội (Hanosimex) Nguyễn Khánh Sơn cũng cho biết: DN đang phải nhập khẩu khoảng 20 nghìn tấn bông, xơ/năm, trị giá 24,5 triệu USD để sản xuất các sản phẩm như sợi, vải dệt kim, vải jean, khăn do trong nước chưa đáp ứng đủ. Một số nguyên liệu trong nước sản xuất được nhưng giá ngang bằng sản phẩm nhập khẩu, chất lượng lại không ổn định. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Ðồng Nai Bùi Thế Kích cho biết: Hiện công ty mới chỉ sử dụng 30% vải nguyên liệu và 50% phụ liệu sản xuất trong nước như: chỉ của Công ty TNHH cost Phong Phú, khóa kéo của Công ty cổ phần phụ liệu may Nha Trang... còn lại vẫn phải nhập khẩu. Mặc dù trong nước đã sản xuất được nhiều loại nguyên, phụ liệu cho DN may, nhưng cơ bản vẫn chưa sản xuất được hàng cao cấp đáp ứng yêu cầu đa dạng của các DN may nhất là những đơn hàng xuất khẩu chuyên biệt.
Ngoài ra, theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường: Tăng tỷ lệ NÐH sản phẩm dệt may không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố nguyên, phụ liệu cho sản xuất, mà DN còn phải quan tâm tới những giá trị vô hình đó là thương hiệu, thiết kế, hệ thống phân phối. Giá trị gia tăng có thể được nâng cao thông qua phương thức sản xuất từ gia công sang kinh doanh trực tiếp (FOB) nhằm giảm bớt chi phí trung gian, tăng hiệu quả kinh doanh. Công tác thiết kế cũng đem lại những giá trị mới cho sản phẩm dệt với các loại vải phong phú, đa dạng, được người tiêu dùng ưa chuộng... Tiếc là những vấn đề này chúng ta chưa làm được bao nhiêu.
Ðối với ngành cơ khí, theo VAMI, nguyên nhân chính là do việc quán triệt và thực hiện Kết luận 25 của Bộ Chính trị và Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ chưa đầy đủ, tích cực, nhận thức về vai trò định hướng phát triển công nghiệp cơ khí, về hỗ trợ cho sản xuất cơ khí trong nước... còn khác nhau; cơ chế, chính sách còn vướng mắc, các bộ, ngành, hiệp hội chưa phối hợp chặt chẽ, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN; đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ còn hạn chế, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đúng tầm.
Việc đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, sản xuất các phôi đúc rèn chưa có chính sách cụ thể, lại không có đầu ra nên tỷ lệ NÐH cho công nghiệp chế tạo cơ khí còn thấp. Phần lớn các doanh nghiệp cơ khí (DNCK) đầu tư còn nhỏ lẻ, chủ yếu vào khâu chế tạo, gia công kim loại, kết cấu thép... là những ngành hàng không đòi hỏi đầu tư lớn, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu giải quyết việc làm. Công nghiệp cơ khí chế tạo nước ta mới đạt trình độ trung bình về gia công kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn, chế tạo các máy công cụ, máy động lực, máy nông nghiệp cỡ nhỏ.
Ngành công nghiệp tàu thủy tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng được cả những loại tàu sức chở 53 nghìn tấn, nhưng thực chất mới chỉ gia công vỏ tàu và một số phần nội thất đơn giản. Tỷ lệ NÐH mới chỉ đạt khoảng 20 đến 25%. Lĩnh vực công nghiệp ô-tô, các đơn vị trong nước mới làm phần vỏ và ít linh kiện, phần động cơ và các thiết bị quan trọng khác vẫn phải nhập khẩu. Ngành cơ khí nói chung là khó khăn, nhưng cơ khí nông nghiệp càng khó khăn gấp bội bởi khách hàng là bà con nông dân, thu nhập thấp, sản phẩm tiêu thụ chậm kéo theo công nghiệp phụ trợ không phát triển, trong khi máy nông nghiệp chất lượng thấp của nước ngoài tràn ngập thị trường không kiểm soát được đã gây khó khăn cho hàng sản xuất trong nước.
Báo cáo của VAMI tại Hội thảo Thực tiễn phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam giai đoạn 2000 - 2009 đã chỉ ra rằng, những yếu kém, bất cập hiện nay của ngành cơ khí do đầu tư phát triển ngành cơ khí chế tạo đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp, ít DNCK đủ sức đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ, luôn trong tình trạng đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, dàn trải. Việc chỉ đạo đầu tư phát triển của các bộ, ngành quản lý Nhà nước đối với cơ khí còn thiếu tập trung, thiếu nhất quán nên thực tế ngành cơ khí chưa được hỗ trợ là bao khi bước vào hội nhập. Mặt khác, do không có quy hoạch nên giữa các DNCK cũng không có sự liên kết, thường đầu tư khép kín, trùng lặp dẫn đến lãng phí, không tận dụng hết công suất đầu tư, làm giảm sức cạnh tranh. Ngành nào cũng có cơ sở chế tạo cơ khí nhưng không có trọng điểm, trong khi toàn ngành lại thiếu các trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm và sản xuất công nghệ cao. Lực lượng nghiên cứu phát triển, nhất là tư vấn thiết kế, quản lý dự án của ngành thiếu và yếu. Hầu hết các phần thiết kế, thiết bị vẫn phụ thuộc nhà thầu nước ngoài; thiếu lực lượng công nhân lành nghề đã qua đào tạo. Những người tâm huyết với ngành cơ khí đang ngày một ít, tỷ lệ sinh viên theo học khoa cơ khí các trường đại học, cao đẳng rất thấp vì "đầu ra" khó khăn, thu nhập thấp. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) Phạm Thị Thu Hà cho biết, ngành dầu khí luôn ưu tiên cho DNCK trong nước làm tổng thầu các công trình đầu tư của ngành. Tuy nhiên, khi có được lợi thế này thì không ít DNCK lại chào thầu với giá cao hơn giá của nhà thầu nước ngoài, đặt PetroVietnam vào thế khó xử.
Quản lý thị trường cũng còn nhiều bất cập, không xây dựng được tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm trong nước cùng với các chính sách thuế, nhất là thuế nhập khẩu đối với ngành cơ khí, mặc dù đã được điều chỉnh song DN vẫn kêu khó. Nhiều DN bày tỏ bức xúc về những bất cập chính sách thuế với sản phẩm cơ khí khi nêu dẫn chứng: nhập khẩu nguyên chiếc thiết bị cơ khí thì không bị áp thuế, nhưng nhập khẩu vật tư, phụ tùng để chế tạo trong nước thiết bị đó thì bị áp thuế.
Cũng cần phải nêu thêm tình trạng nhiều chủ đầu tư (thường là DN nhà nước) do tâm lý sính ngoại, sợ trách nhiệm và những lý do khác nên thích chọn nhà thầu nước ngoài cung cấp thiết bị, trong khi nhiều chủ đầu tư tư nhân vì tính hiệu quả lại sử dụng thiết bị trong nước chế tạo.
(Theo Xuân Thùy, Thanh Giang và Liên Hoa // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com