Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý giá thuốc: Cần nhìn cả góc độ kinh tế và chuyên môn

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế khi xây dựng giá thuốc và cơ chế quản lý giá thuốc cần nhìn cả góc độ kinh tế chứ không chỉ thuần về chuyên môn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tập huấn dành cho lãnh đạo Bộ Y tế. Ảnh: Chinhphu.vn

Tham dự buổi tập huấn ngày 11/8 dành cho lãnh đạo Bộ Y tế về cơ chế, quy luật giá cả trong thị trường dược phẩm Việt Nam, các đại biểu đều thừa nhận, việc quản lý giá thuốc tại Việt Nam đang rất bất cập.

Nhiều cái "quá"

Việc chúng ta không tự chủ được nguồn nguyên liệu cũng như khâu cuối làm ra sản phẩm của hơn 90% loại thuốc mà phụ thuộc vào nhập  khẩu khiến cho việc kiểm soát giá thuốc gặp nhiều bất cập. 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ đã chỉ ra một số cái “quá”. Đó là quá nhiều người dân mua thuốc mà không có đơn thuốc của bác sĩ kê, quá nhiều cơ sở bán lẻ thuốc so với nhu cầu của người dân, số lượng trình dược viên tại các bệnh viện quá đông, quảng cáo thương mại, khuyến mại thuốc quá rầm rộ khiến giá thuốc rơi vào tình trạng bất ổn.

Thuốc là mặt hàng không khuyến khích sử dụng, việc quảng cáo quá rầm rộ không được khuyến khích vì dễ gây ngộ nhận về tác dụng, hơn nữa lại góp phần tăng chi phí giá thành của sản phẩm. Theo ông Nguyễn Hữu Vũ, mọi bất cập trong quản lý giá thuốc bắt nguồn từ việc, về bản chất thị trường dược phẩm Việt Nam là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, nhưng nhà quản lý lại điều hành với chính sách dành cho thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Thậm chí, có một thực tế là Luật Dược quy định Bộ Y tế công bố giá thuốc tối đa đối với các thuốc do ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế chi trả, song theo kết luận của Tổ Công tác liên ngành Bộ Y tế-Tài chính, nếu công bố giá tối đa sẽ làm tăng giá thuốc.

Ở góc độ khác, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách y tế Lê Quang Cường cho biết ngay ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển thì Chính phủ cũng can thiệp rất mạnh vào  giá thuốc. Quốc gia có ít sự can thiệp của nhà nước vào giá thuốc nhất là Mỹ thì giá thuốc cao hơn 30% so với mặt bằng chung.

Ông Lê Quang Cường cho rằng các bác sĩ kê đơn là yếu tố trung gian,  nguyên nhân gián tiếp khiến một số loại thuốc tăng giá.  Một tình trạng rất phổ biến ở Việt Nam  là bác sĩ cho bệnh nhân uống thuốc vô thưởng vô phạt, không có hại cho sức khỏe nhưng cũng không có lợi ích gì.

Không chỉ nhìn dưới góc độ chuyên môn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Y tế khi xây dựng giá thuốc và cơ chế quản lý giá thuốc cần nhìn cả dưới góc độ kinh tế chứ không chỉ thuần về chuyên môn. Bộ cần xem xét mối quan hệ giữa giá cả - sản lượng sản xuất - thu nhập của  người mua và lượng mua để có những điều chỉnh, quy định hợp lý.

Nhóm mặt hàng thuốc nào đang có sự cạnh tranh lành mạnh cần được khuyến khích sản xuất, nhóm mặt hàng nào có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, không đủ lượng để tiêu thụ, có xu hướng tiến tới độc quyền thì phải có sự giám sát chặt chẽ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà thuốc phải niêm yết giá trên bao bì từng sản phẩm để công khai cụ thể hơn nữa giá thuốc đến người dân.

Về công tác đấu thầu thuốc dành cho BHYT dùng trong bệnh viện, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế nên tổ chức đấu thầu cấp quốc gia thay vì cấp tỉnh như trước đây, nhưng trước hết nên thí điểm với những mặt hàng sử dụng số lượng lớn.

Bộ Y tế cũng nên xem xét mức lợi nhuận như thế nào là hợp lý để doanh nghiệp chấp nhận được, đồng thời bằng khuyến khích cạnh tranh, xây dựng mức giá trần, quản lý, điều chỉnh giá thuốc bằng thặng số (quy định mức lợi nhuận cho phép)...

Giá thuốc cần một cơ chế đấu thầu riêng

Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường khẳng định sẽ tiến hành kê khai lại chủng loại và giá thuốc, xem xét việc có thể áp dụng  quản lý giá thuốc bằng thặng số, đặc biệt đối với loại thuốc BHYT chi trả .

Bộ Y tế cũng đang xây dựng một số cơ chế quản lý như Quy định việc bán thuốc theo đơn; Thông tư 13 yêu cầu trình dược viên chỉ được cung cấp thông tin về thuốc chứ không được quảng cáo bán hàng; Quy chế việc đấu thầu thuốc biệt dược thông qua bệnh viện.

Đồng thời sẽ tiến hành phân loại thuốc biệt dược, thuốc thiết yếu để xây dựng cơ chế giá phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định sẽ chấn chỉnh quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện bán theo diện BHYT, yêu cầu các nhà thuốc bán lẻ phải công khai giá sản phẩm lên vỏ thuốc chứ không chỉ có bảng niêm yết như trước, đồng thời giá thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện phải gắn chặt với giá đấu thầu. Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa dược sẽ phải chịu trách nhiệm với Bộ về vấn đề trên.

Theo Bộ Y tế, cần có quy chế đấu thầu riêng cho mặt hàng thuốc do tính đặc thù của loại hàng hóa này. Một loại thuốc có thể có tới hơn 20 hợp chất, hàng chục số đăng ký do vậy quy chế đấu thầu thuốc không thể dùng chung với quy chế đấu thầu hàng hóa thông thường như vật liệu xây dựng, trang thiết bị y tế…

Bộ Y tế cũng cho rằng chế tài xử lý vi phạm về quy định quản lý giá thuốc cần mạnh hơn.

(Theo Nguyệt Hà // Tin Chính phủ)

 

  • Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Tái cấu trúc tập đoàn - Hãy trả về trạng thái tự nhiên
  • Vì sao tỷ lệ nội địa hóa một số ngành đạt thấp ?
  • Thách thức và giải pháp bảo đảm an ninh lương thực
  • Tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp
  • Làm sao để có thực phẩm sạch?
  • Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư
  • Mệt mỏi với giấy phép “tự động”
  • Phát huy sức dân vào đầu tư phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi