Trong sáu tháng cuối năm phải sớm giảm thuế thu nhập cho DN, có chính sách cho ngư dân, đặc biệt phải sớm cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Hôm qua (24-6), Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã họp phiên họp toàn thể lần thứ 14 tại TP.HCM. Những vấn đề nóng như cắt giảm đầu tư công chưa hiệu quả, chính sách thuế, tín dụng… được các đại biểu mổ xẻ.
Nhiều địa phương gần như không triển khai dự án mới
Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phải tiếp tục làm rõ những vấn đề kinh tế mà Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện trong sáu tháng đầu năm qua, để có báo cáo thẩm tra phản ánh đúng thực tế. Đặc biệt phải làm rõ các giải pháp đã thực hiện.
Theo ông Hiền, về việc cắt giảm đầu tư nguồn vốn, một số địa phương do việc chỉ đạo chưa kịp thời nên rơi vào tình trạng chờ đợi đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn, có các dự án đang triển khai cũng dừng do không phân biệt được đâu là dự án cần dừng… Điều này chứng tỏ chủ trương cắt giảm đầu tư công chưa rõ ràng, trong khi Chính phủ chủ trương không phải giảm đầu tư mà là điều chuyển vốn cho phù hợp. Nhiều địa phương gần như không triển khai dự án mới.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Văn Vượng cho biết dự án giao thông công chính mà cắt thì rất nguy hại đến nền kinh tế. nếu giao thông đang làm dở mà dừng thì chỉ một cơn bão đi qua là hết.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cũng nhấn mạnh cần xem xét việc cắt đầu tư theo kiểu cào bằng. ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả của việc cắt giảm không đúng? vấn đề này phải xử lý ngay trong năm nay để rút kinh nghiệm cho năm sau.
Sẽ đưa các giải pháp ưu đãi thuế
Theo đại biểu Trần Du Lịch, chúng ta không còn có giải pháp nào mới nên phải kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 đến cùng. Tuy nhiên, chúng ta nên lồng vào những vấn đề rất cơ bản của nền kinh tế như tái cấu trúc, cơ cấu lại nền kinh tế như thế nào. Bởi gốc của kinh tế Việt Nam bất ổn là từ cơ cấu kinh tế mà ra. “Trước mắt, theo tôi, phải đánh giá mức độ nghiêm trọng của nền kinh tế 2011 đến nay đã đến đỉnh chưa? Qua thực hiện sáu tháng có mấy vấn đề rất đáng nói đó là lạm phát, tỉ giá và lãi suất. Đây là ba vấn đề khó nhất” - ông Lịch nói.
Ông Hà Văn Hiền cũng cho rằng phải kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 nhưng phải điều hành đều cả 12 tháng. Cụ thể phải làm sao ưu tiên tín dụng cho thật tốt. Trong sáu tháng cuối năm phải sớm giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp (DN), phải có chính sách cho ngư dân, đặc biệt việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải làm sớm.
Trước những khó khăn của DN, ông Đỗ Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết trong tháng 7 tới Bộ Tài chính sẽ trình các giải pháp về thuế đối với DN vừa và nhỏ. Cụ thể, Bộ muốn xin cho phép được giãn thuế một năm cho nhóm dệt da, may giày… vì đây là những DN khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị miễn giảm thuế cho các DN cung ứng, hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng đánh bắt xa bờ.
Trong khi các DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn như nêu trên thì DN nhà nước lại hoạt động kém hiệu quả. Đại biểu Phương Hữu Việt cảnh báo: hiện DN nhà nước chiếm rất lớn trong số DN của cả nước. Thế nhưng chỉ có 12% DN nhà nước nộp thuế. Vì vậy chúng ta cũng cần đánh giá lại hiệu quả sản xuất kinh doanh của khối DN nhà nước.
(Pháp luật TPHCM Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com