Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Câu chuyện lớn của năm 2012

Thương mại sẽ là câu chuyện lớn trong năm tới, mặc dù bức tranh không phải toàn màu xám.
 

Năm 2008, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất hành tinh đối với nhà phân phối nước ngoài. Năm 2009, thứ hạng này tụt xuống thứ 6, năm 2010 tiếp tục tụt xuống thứ 14. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương), sự tụt hạng này chủ yếu là do yếu tố quản lý và những rào cản mà nhà phân phối nước ngoài gặp phải khi thâm nhập thị trường Việt Nam chứ không phải do yếu tố cung - cầu thị trường. Gam màu hồng tất nhiên không phải là chủ đạo trên bức tranh thương mại Việt Nam năm 2012, nhưng gam màu xám cũng vậy!

Khó có đột biến lớn

Trong khi cho rằng, lạm phát chưa phải là nỗi lo lớn nhất trong năm tới, vì nhu cầu nói chung trên thị trường thế giới và Việt Nam đang giảm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ không "thê thảm" quá, vì các nền kinh tế đang gặp khó khăn lớn nhất (như EU hay Mỹ) không phải là các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam… TS Cấn Văn Lực lại quả quyết: "Thương mại sẽ là câu chuyện lớn trong năm tới". Và chỉ dấu quan trọng cần nhắc tới theo ông là lượng hàng tồn kho của hầu hết các mặt hàng đang tăng, đặc biệt cao ở nhóm hàng đồ gỗ, điện tử, cáp điện… chỉ trừ dược phẩm.

Cũng dự báo cho năm 2012, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng. Để giá cả, quan hệ cung - cầu được ổn định và giữ vững, Nhà nước cần có lộ trình thực hiện cơ chế thị trường thích hợp đối với các mặt hàng mà Nhà nước quyết định giá, quản lý giá (điện, than, xăng dầu…) để không gây ra đột biến, tạo ra những cơn sốt giả làm méo mó thị trường.

Bên cạnh đó, ông Phan Thế Ruệ lưu ý, không như dự báo, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam không nhiều, đến nay mới chỉ có 6-7 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, chính sách mở cửa thị trường của Việt Nam không rõ, không dứt khoát hoặc không minh bạch. Đơn cử, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa đưa ra tiêu chí về mở điểm bán lẻ thứ 2 của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam theo cam kết… "Nhưng điều này cũng có nghĩa là cuộc cạnh tranh quyết liệt chưa thực sự bắt đầu, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn sẽ thầm lặng theo đuổi những mục tiêu dài hạn, chuẩn bị tiềm lực chờ thời cơ đến. Hãy xem doanh số mỗi siêu thị của họ lớn đến mức nào, có khi bằng tới hàng chục lần siêu thị của doanh nghiệp nội cỡ trung bình", ông Ruệ khuyến cáo.

 

Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23 - 25%/năm

Xuất khẩu không dễ khi sức cạnh tranh của hàng hóa chưa cao, kinh tế thế giới vẫn đang kỳ khốn khó, thị trường trong nước cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt. Năm 2012 chắc chắn không phải là một năm nhàn nhã mà vẫn bội thu của các doanh nghiệp thương mại. Tuy nhiên, ông Ruệ và tất cả các diễn giả tham gia hội thảo "Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012" do Vietnam CEO Corp, báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp và tạp chí Doanh Nhân đồng tổ chức, đều không quên khẳng định những ưu thế không thể phủ nhận của thị trường Việt Nam và sức sống của nhiều ngành sản xuất trong nước. Khép lại bài tham luận của mình, ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương nói, có thời những chai bia Vạn Lực của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam từ Bắc vào Nam, nhưng đến giờ đã hoàn toàn vắng bóng vì không cạnh tranh nổi với các loại bia nội. Rồi đồ sứ Minh Long, Hải Dương; phích nước Rạng Đông; áo Việt Tiến, May 10, quần An Phước… đều là những cái tên quen thuộc được người tiêu dùng tin cậy và ưa chuộng. Nếu mỗi doanh nghiệp nhanh nhạy bám sát nhu cầu của người tiêu dùng hơn; cộng đồng doanh nghiệp gắn bó với nhau hơn; người mua biết tự bảo vệ mình trước những hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng…, thì thương mại Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung dù chưa "hóa Rồng" trong năm 2012 cũng vẫn có thể "sống khỏe".

Vấn đề là - nhìn từ góc độ doanh nghiệp - khuyến nghị: "nhanh nhạy bám sát nhu cầu thị trường" và gắn kết với nhau cần được cụ thể hóa như thế nào?

Chỉ "hữu xạ" thì chưa đủ "lên hương"

Theo ông Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đi bằng cả hai chân - xuất khẩu và tiêu thụ nội địa - một cách cân bằng và câu "hữu xạ tự nhiên hương" xem ra không còn đúng nữa. Không chỉ cần đến hàng hóa tốt, giá phải chăng, thậm chí thêm cả vị trí đắc địa cũng không đủ, các doanh nghiệp còn phải có cung cách bán hàng chuyên nghiệp và biết cách tự giới thiệu mình một cách tốt nhất.

Khuyến nghị này là xác đáng khi xét đến cơ cấu chi tiêu và xu hướng tiêu dùng của các tầng lớp dân cư hiện tại. Ông Thắng cung cấp thông tin: mặc dù hơn 70% tổng số thu nhập được dành cho chi tiêu mua sắm hàng hóa, nhưng sự phân bổ mua sắm rất không đều (xem biểu đồ). Sự phân tầng trong chi tiêu cũng rất rõ. 20% dân số nghèo chỉ chiếm 7,2% trong tổng doanh số bán lẻ - số này đặt tiêu chí giá cả lên hàng đầu, sau đó mới đến chất lượng, an toàn. Trong khi đó 20% người giàu tiêu thụ tới 43,3%. Đã xuất hiện một tầng lớp người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến giá cả, sức mua tới 80 - 100 triệu đồng/một lần mua hàng.

Theo chuyên gia này, các nhà bán lẻ Việt Nam phải có chiến lược phát triển nguồn hàng và kinh doanh linh hoạt theo sự dẫn dắt của thị trường, phù hợp với phân bổ và kết cấu chi tiêu của người Việt.

Tán đồng nhận định này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Siêu thị Big C "bật mí", đối với doanh nghiệp này, ứng dụng công nghệ hết sức quan trọng. Công nghệ không chỉ giúp nhà bán lẻ giới thiệu mình với khách hàng mà còn nắm bắt được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của họ, để mời chào đúng cái khách hàng cần, cho phép họ dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa để thực sự tin tưởng vào chất lượng món hàng mình mua. Nhờ áp dụng công nghệ, nhà bán lẻ còn kiểm soát tốt hơn tình trạng hàng hóa tồn kho, lưu giữ, bảo quản hàng hóa… để tiết giảm chi phí và hoạt động có hiệu quả nhất.

Vẫn theo ông Dũng, một kênh quan trọng để hàng hóa Việt Nam có cơ xuất ngoại ổn định và được giá chính là thông qua các nhà phân phối đa quốc gia. "Big C đã đưa được khoảng 200 mặt hàng của Việt Nam vào châu Âu, chủ yếu là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như thủy - hải sản đông lạnh, café, đồ gỗ… Nhưng tôi tin rằng, con số này có thể tăng mạnh, kéo theo đó doanh thu cũng sẽ tăng", ông nói.
 

Theo kế hoạch năm 2012, xuất khẩu dự kiến tăng 13% so với năm 2011 và đạt khoảng 108,5 tỷ USD. Nhập khẩu khoảng 121,5 tỷ USD, tăng 14,6%. Do vậy nhập siêu dự kiến sẽ khoảng 13 tỷ USD, bằng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về định hướng giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12,1%/năm, phấn đấu đến năm 2015 đạt 133 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%/năm, dự kiến khoảng 146 tỷ USD vào năm 2015.

Nguồn: Bộ Công Thương

Theo ông Phạm Tất Thắng, các mặt hàng vẫn là thế mạnh lâu nay của Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu tốt trong năm 2012 và một số năm tới (trừ cao su tự nhiên có một số trở ngại). Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ thông tin, các sản phẩm của công nghệ chế biến, công nghệ tinh xảo cũng rất có tiềm năng.

Tác giả: Cẩm Hà  // Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp

  • Năm 2012: Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam ?
  • Kích hoạt thương hiệu hậu sáp nhập
  • Câu chuyện lớn của năm 2012
  • Kinh tế 2012 qua góc nhìn doanh nhân, chuyên gia
  • Tăng hạng, nhưng vẫn dễ tổn thương
  • 1 và 99: khoảng cách có đáng sợ không?
  • Bức tranh đa sắc của truyền thông Việt năm 2011
  • Việt Nam: Mặt tích cực của suy thoái
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi