Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên theo số liệu thống kê doanh nghiệp thì trên 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu thấp chủ yếu do trình độ khoa học, công nghệ thấp, quá lạc hậu và không được đầu tư thích đáng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên theo các chuyên gia tại Hội thảo “Tăng cường mối liên kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp trong các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam” do VCCI phối hợp với Cục Ứng dụng và phát triển Công nghệ” tổ chức sáng nay tại Hà Nội, thì nguyên nhân chính đó là do công tác thống kê về ứng dụng và phát triển công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển.
Chưa được đầu tư xứng tầm
Theo ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, công tác thống kê về ứng dụng và phát triển công nghệ ở Việt Nam mới được bắt đầu. Ông đưa ra dẫn chứng: Hệ thống chỉ tiêu quốc gia vừa được Thủ tướng ký ban hành hầu như chưa có các chỉ tiêu về ứng dụng và chuyển giao, phát triển công nghệ. Các chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành và địa phương cũng trong tình trạng thiếu vắng. Ông Thúy cũng cho biết thêm, hiện Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang quan tâm phát triển khoa học, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhưng nhìn chung chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu lại nhỏ bé, chưa có thói quen, quan niệm đầu tư phát triển công nghệ để phát triển bền vững, lâu dài. “Theo thống kê, chi phí đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho nghiên cứu khoa học, đầu tư phát triển công nghệ là rất thấp, thậm chí không đầu tư” – Ông Thúy nói.
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cũng khẳng định rằng, cơ sở dữ liệu nói chung và các ấn phẩm, các nghiên cứu khoa học về tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ của các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp hầu như không đáng kể và chưa được quan tâm.
Để khẳng định tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển công nghệ đối với doanh nghiệp, ông Thúy cho rằng con đường duy nhất để phát triển doanh nghiệp Việt Nam đó là đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ để đủ sức cạnh tranh ngay trong nước và quốc tế trong xu hướng hội nhập hiện nay.
Cùng quan điểm với ông Thúy, ông Trần Thanh Thủy - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Điện tử, tin học và Tự động hóa, Bộ Công thương cho rằng, để chuyển giao nhanh các sản phẩm công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất việc cần làm ngay là đẩy mạnh việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ, đặc biệt là các loại hình chợ công nghệ và thiết bị. Để làm được điều đó Việt Nam cần xây dựng một cơ quan quản lý Nhà nước làm đầu mối để kết nối cung cầu công nghệ trên thị trường. Như mô hình mà Bộ KH&CN đã thành lập, đó là Cục ứng dụng và phát triển công nghệ (SATI), đây là một bước đi đúng đắn và cần thiết trong tình hình kinh tế, xã hội hiện nay. Cùng với sự ra đời của SATI thì các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại các địa phương cũng đã được hình thành và phát triển.
Những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp
Theo ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động chuyển giao công nghệ thì sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi. Thứ nhất: Miễn thuế thu nhập cho tổ chức, cá nhân góp vốn bằng Bằng sáng chế, công nghệ; Thứ 2: Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được, tài liệu, sách báo khoa học; Thứ 3: Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ không chịu thuế giá trị gia tăng; Thứ 4: Cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo; Thứ 5: Doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ có tiếp nhận công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao được miễn thuế thu nhập trong 4 năm với điều kiện tổng giá trị miễn thuế không vượt quá 50% tổng kinh phí đầu tư cho đổi mới công nghệ; Thứ 6: Doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn khi thực hiện dự án đầu tư có tiếp nhận công nghệ được hưởng ưu đãi như sau: Miễn thuế thu nhập 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo với điều kiện tổng giá trị miễn thuế không vượt quá tổng kinh phí đầu tư cho đổi mới công nghệ; Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ việc thay thế, đổi mới công nghệ và nguyên liệu, vật tư, linh kiện dùng để sản xuất trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất theo công nghệ mới. Thứ 7: Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao vào vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, được giảm 50% thuế thu nhập đối với thu nhập từ việc chuyển giao công nghệ, cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi. Cuối cùng là đối với cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ được miễn thuế thu nhập trong 4 năm, được giảm 50% thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn thuế sử dụng đất.
Tình hình chuyển giao công nghệ ở Việt Nam giai đoạn 1990 - nay (Một số số liệu Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt cấp đăng ký) - Công nghiệp chiếm: 50,93% - Công nghiệp thực phẩm chiếm: 10,14% - Hóa – Mỹ phẩm: 10,35% - Điện – Điện tử - Bưu chính viễn thông: 13,45% - Nông – Lâm – Ngư nghiệp: 3,51% - Xây dựng – Vật liệu xây dựng: 4,10% - Dịch vụ: 5,40% - Khác: 2,12% (Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ) |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com