Trong giai đoạn Việt Nam đang cần nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, việc dựa vào khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là một trong những khuyến nghị của các chuyên gia, nhà quản lý tham dự hội thảo về đầu tư.
Tại hội nghị Đường đến Việt Nam 2010 (Gateway to Vietnam 2010) diễn ra trong tuần trước tại TP.HCM, ông Phạm Viết Muôn, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phó trưởng ban thường trực chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, mô hình phát triển kinh tế của nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã chứng minh rằng khu vực KTTN rất quan trọng đối với việc tạo sức bậc cho nền kinh tế đất nước. Vì vậy, Chính phủ cần mở ra cho khu vực tư nhân cơ hội tham gia đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, xuất khẩu…
Giảm bớt gánh nặng cho chính phủ
![]() Một khu vực DNTN đã hình thành, đông đảo về số lượng, có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trong thập niên qua. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Thời gian qua, khu vực KTTN của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả chất và lượng trong các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và thu hút nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chính việc hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế ngày một sâu rộng, kinh tế tư nhân đã đứng vững, chiếm lĩnh thị trường nội địa và cạnh tranh cao với các nước trong khu vực và thế giới. Ông Muôn cho biết, con số doanh nghiệp (DN) tư nhân đã tăng 15 lần từ 31.000 năm 2000 lên hơn 400.000 DN hiện nay. Vốn đăng ký kinh doanh trung bình trong giai đoạn này cũng tăng gấp 10 lần, từ 900 triệu đồng/DN năm 2000 lên chín tỉ đồng/DN năm 2010, trong đó khoảng 1,44% DN có vốn đăng ký chiếm hơn 200 tỉ đồng. Dự báo, trong giai đoạn 2011 – 2015 sẽ có khoảng 650.000 DN thành lập mới.
Ông Muôn cho rằng, chính sách phát triển kinh tế khu vực KTTN trong nhiều năm qua đã có những cải biến mạnh mẽ, tạo thuận lợi tối đa cho sự đóng góp của khu vực này vào mức tăng trưởng chung của cả nước. Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để các DN ngoài quốc doanh nhận được các trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, rút ngắn thời gian và chi phí cho DN thông qua quá trình cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các chính sách, cơ chế thu hút sự đầu tư, đấu thầu của DN tư nhân sẽ được xem xét và ban hành kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, trong mô hình tăng trưởng giai đoạn mới này cần hướng đến khu vực KTTN nhằm tận dụng những lợi thế sẵn có cho mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Một khu vực tư nhân lớn hơn sẽ tạo đà cho tăng trưởng, củng cố thêm nền tảng cho cả nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ để thu hút sự tham gia của khu vực này đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu hiện nay của đất nước.
Bà Lê Lệ Hằng, tổng giám đốc công ty quản lý quỹ SSI cho rằng, những cam kết từ phía chính phủ trong việc nâng cao sự cạnh tranh trên thị trường sẽ tạo cơ hội cho khu vực KTTN phát triển. Theo bà Hằng, nên có chính sách và cơ chế khuyến kích nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở.
“Trong năm 2011, Việt Nam cần thúc đẩy, tạo đà cho tăng trưởng tín dụng, duy trì lòng tin vào đồng nội tệ, nâng cao tính cạnh tranh trong xuất khẩu và quan trọng hơn hết là tìm được sự cân bằng giữa các mục tiêu đối chọi nhau”, ông Jose Isidro N. (Lito) Camacho, phó chủ tịch Credit Suisse châu Á - Thái Bình Dương, giám đốc điều hành Credit Suisse Singapore nói. |
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang là một nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn đầu của quá trình tự do hóa và chuyển đổi. Nghiên cứu của viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey tại Đông Nam Á cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là đứng thứ nhì thế giới (sau Trung Quốc). Các báo cáo tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây hay dùng đến cụm từ “Trung Quốc + 1”, điều này có nghĩa là mức tăng trưởng mạnh mẽ tiếp sau Trung Quốc là Việt Nam hoặc Nhật Bản. Trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có sự thay đổi lớn về GDP trên thế giới và sẽ lọt vào danh sách nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển. Ông David Skilling, viện trưởng Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey tại Đông Nam Á, giả định mô hình tăng trưởng cho Việt Nam như sau: từ năm 2010 – 2015: tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm theo tỷ lệ: nông nghiệp 17% - chế tác (xây dựng, gia công…) 42% và dịch vụ 41%. Giai đọan 2020: nông nghiệp 12%, chế tác 50% và dịch vụ 30%. Việt Nam cần tận dụng những tiềm năng dài hạn của mình để tiếp thị nhiều hơn nữa với nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Thomas W. Tobin, tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, những yếu tố mất cân bằng trong quá trình phát triển của Việt Nam thời gian tới là biến động lạm phát, thâm hụt thương mại, bong bóng tài sản. Do vậy, Chính phủ cần sớm có các biện pháp tái cân bằng những thách thức tăng trưởng này bằng việc cải cách, hiện đại hóa cấu trúc nền kinh tế, tăng cường đầu tư hạ tầng, tranh thủ và tối đa hóa các mối quan hệ trong khu vực ASEAN và thế giới để hiện thực hóa những tiềm năng phát triển của mình.
(Theo Ca Hảo/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com