Tuần qua (22 – 26.11), thế giới đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn bất ổn mới, mà tâm điểm là tình hình nợ công châu Âu. Trong nước đón nhận hai thông tin quan trọng có tác động đến các khu vực thị trường là chỉ số giá tiêu dùng và nhập siêu tháng 11.
Tình hình nợ công của châu Âu vẫn tiếp tục là tâm điểm của kinh tế thế giới, ngay cả khi Chính phủ Ireland chấp nhận khoản cứu trợ lên tới gần 100 tỉ euro từ IMF và Liên minh châu Âu. Bên cạnh câu chuyện tái diễn khủng hoảng nợ công của châu Âu là câu chuyện mới về một Trung Quốc thắt chặt tiền tệ để ngăn chặn lạm phát leo thang.
Thế giới bất ổn
Tình hình châu Âu đang diễn biến hết sức phức tạp do hiệu ứng domino lan rộng và nhanh từ Ireland sang các nước có tình trạng kinh tế vĩ mô yếu trong khu vực. Bồ Đào Nha, và có thể cả Tây Ban Nha – đất nước có nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu, cũng sẽ phải cần đến viện trợ bên ngoài để giải quyết vấn đề nợ của mình.
Trong khi đó tại châu Á, biểu tượng tăng trưởng Trung Quốc vốn được kỳ vọng sẽ là đất nước kéo kinh tế toàn cầu nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. GDP của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại xuống còn 9,6% trong khi lạm phát lại tăng tới 4,4%, vượt xa kỳ vọng 4% của các nhà kinh tế.
NHTW Trung Quốc đã phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ năm trong năm. Mức dự trữ bắt buộc áp dụng với các NHTM đã lên tới mức từ 16% đến 18,5%, tuỳ từng loại ngân hàng. Đặc biệt chỉ số giá cả lương thực tăng hơn 10% đã khiến Trung Quốc phải áp dụng nhiều biện pháp có tính hành chính như kiểm soát giá cả, chống đầu cơ. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc tất sẽ dẫn đến sự sụt giảm tiêu thụ các loại hàng hoá cơ bản như kim loại và dầu thô trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư vì thế quay sang bấu víu vào nền kinh tế Mỹ. Chỉ số USD index tiến sát mức 80. Đồng EUR đã bị mất giá giảm 3,25% trong tuần.
Tuy nhiên, trước sự bất ổn của toàn bộ nền kinh tế thế giới thì mối tương quan nghịch giữa đồng USD và các hàng hoá vẫn chưa được tái hiện. Triều Tiên bất ngờ tấn công Hàn Quốc làm lo ngại chiến tranh nổ ra, khiến các thị trường chứng khoán giảm điểm trên toàn thế giới, vàng và một số hàng hoá nông sản khác như càphê và bắp lại trở thành kênh trú ẩn cho các nhà đầu tư.
Như vậy, vô hình trung giá hàng hoá nông sản bị đắt kép so với trước đây do sự đắt lên của chính các hàng hoá và sự đắt lên của đồng USD. Điều này rõ ràng không dễ chịu gì với các quốc gia nhập siêu.
Việt Nam khó khăn với lạm phát và nhập siêu
Tâm điểm kinh tế Việt Nam trong tuần qua là tình hình lạm phát và nhập siêu. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 đã tăng 1,86% so với tháng 10.2010. Đây là tháng CPI tăng cao thứ ba liên tiếp và so với tháng 12.2009 thì chỉ số CPI đã tăng 9,58%, báo hiệu nguy cơ CPI mức hai con số trong năm nay.
Bên cạnh nguyên nhân mùa vụ, theo đó chỉ số giá tiêu dùng thường có xu hướng tăng mạnh từ tháng 11 trở đi và kéo dài đến hết tết sang năm, thì CPI tháng 11 tăng cao còn có nguyên nhân từ chi phí đẩy và cung tiền cao trong quá khứ.
Lãi suất và tỷ giá tăng mạnh khiến chi phí đầu vào tăng, buộc các doanh nghiệp phải nâng giá bán. Hầu hết các ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất cho vay cho khối doanh nghiệp sản xuất lên đến 17 – 18%, cao hơn từ 1 – 2% so với tháng trước. Tỷ giá USD/VND trên thị trường cũng tăng mạnh. Tỷ giá mà NHTM bán cho các khách hàng sau khi cộng thêm phí thì mức tỷ giá thực tế ngày 26.11 đã cao hơn 4,41% so với đầu tháng 11. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND ngày 26.11 đã tăng gần 4,15% so với ngày 1.11.
Với một nền kinh tế mà các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phải nhập khẩu khá nhiều như ở Việt Nam thì ảnh hưởng từ biến động tỷ giá lên chi phí sản xuất hàng hoá sẽ rất lớn.
Lạm phát tăng nhanh trong ba tháng gần đây còn do ảnh hưởng từ việc mở rộng cung tiền trong quá khứ. Theo dõi từ năm 2006 đến nay, ảnh hưởng từ việc tăng cung tiền đến CPI thường có độ trễ từ 8 – 12 tháng. Với tốc độ tăng cung tiền M2 cao nhất trong năm ngoái vào tháng 8.2009 là 38,6% thì sẽ tác động đến CPI tháng 10 và tháng 11 năm nay khá nhiều. Do cung tiền chỉ thực sự giảm từ tháng 11.2009 nên có thể lạm phát sẽ đạt đỉnh vào tháng 12 tới và giảm dần sau đó.
Chúng ta lại chứng kiến một tháng có mức nhập siêu lên tới 1,25 tỉ USD, tăng 16% so với tháng 10.2010, mức cao thứ nhì trong năm nay chỉ sau tháng 2. Nhu cầu nhập khẩu hàng hoá thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm để phục vụ cho tiêu dùng trong nước khiến cho nhập siêu các tháng cuối năm thường tăng cao.
Nhập khẩu vàng cũng đóng một vai trò quan trọng làm gia tăng giá trị nhập khẩu trong tháng 11. Theo số liệu của tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm trong 15 ngày đầu tháng 11 đạt gần 82 triệu USD. Các doanh nghiệp còn tiếp tục nhập khẩu vàng mạnh vào nửa cuối tháng và giá trị nhập khẩu có thể không thấp hơn giá trị đã nhập khẩu trong nửa đầu tháng 11.
Nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh dù tỷ giá USD/VND thực tế trên thị trường biến động tăng thêm hơn 4% cho thấy cơ cấu kinh tế bất hợp lý. Theo lý thuyết, khi tỷ giá tăng thì nhập siêu sẽ phải có xu hướng giảm. Tuy nhiên ở Việt Nam, tỷ giá lại không tạo thành tín hiệu để giảm nhập khẩu mà nhập khẩu lại tăng mạnh cùng với xuất khẩu. Điều này cho thấy xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu.
Ảnh hưởng của CPI và nhập siêu đến các thị trường
Thông tin về chỉ số CPI tăng cao công bố tuần này đã được dự đoán từ tuần trước. Vì thế, mức độ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong tuần lại không nhiều. Thị trường chứng khoán đã tăng nhẹ trở lại sau khi mọi tin xấu trong tháng được công bố. VN-Index đóng cửa ngày 26.11 đạt 439,94 điểm, tăng 3,14% so với cuối tuần trước.
Tuy nhiên, thông tin về chỉ số CPI đặc biệt là nhập siêu lại ảnh hưởng rất mạnh đến thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng từ mức 21.130 vào cuối tuần trước lên mức 21.300 vào cuối tuần này. Giá vàng SJC vì thế vẫn tăng nhẹ ở mức 35,75 triệu đồng/ lượng so với tuần trước bất chấp giá vàng thế giới giảm 0,71%. NHNN phải bán ngoại tệ để bình ổn thị trường ngoại hối và cấp quota cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng để kiềm chế sự bất ổn trên thị trường này.
Đối với thị trường tiền tệ, do tỷ giá USD/VND và giá vàng tăng mạnh, một lượng lớn tiền đồng có thể được rút ra chuyển sang đầu cơ vào vàng và USD làm các NHTM bị thiếu hụt tiền đồng. Lãi suất huy động trên thị trường của các NHTM tiếp tục tăng lên, thực tế lên đến 13 – 14%/năm. Lãi suất huy động tăng khiến lãi suất cho vay tăng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng hơn.
Điểm nóng tuần tới: thị trường tiền tệ và ngoại hối
Với thế giới, tâm điểm tuần tới sẽ là phiên họp của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào 2.12.2010. Nhiều khả năng vấn đề vay nợ của Ireland sẽ được nhắc đến, và ECB sẽ có quyết định về chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới. Điều này tất yếu tác động nhiều đến đồng EUR cũng như lợi tức trái phiếu của các nước châu Âu.
Ở trong nước, thị trường tiền tệ và ngoại hối vẫn sẽ là tâm điểm trong tuần tới. Thị trường tiền tệ đang ở trong giai đoạn khá căng thẳng khi NHNN phải chuyển hướng điều hành sang việc thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Áp lực phải tăng dự trữ trong các tháng cuối năm càng tăng cao khi doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán nhiều sẽ khiến các NHTM tiếp tục phải nâng lãi suất lên.
Tỷ giá hiện đã ở mức khá cao. Trên thực tế, nguồn ngoại tệ trong nước là không thiếu để đáp ứng cho các nhu cầu nhập khẩu. Vấn đề quan trọng là mức giá kỳ vọng mà người dân và các doanh nghiệp đang giữ ngoại tệ sẵn sàng bán ra.
(Theo Đinh Tuấn Minh-Hoa Hùng Cường-Hà Phú Nguyên/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com