Trước khi một mặt hàng tăng giá, các nhà phân phối, cửa hàng, đại lý thường nhận được thông tin “rò rỉ” từ chính doanh nghiệp cung cấp. Và đây là cơ hội để doanh nghiệp mua hàng trước, trữ chờ giá lên. Nhưng năm nay, sức mua thấp khiến người trữ hàng không dễ gặt hái thành quả.
![]() Bà Vân nhập hàng Ngôi sao Phương Nam (xanh) trong ngày 16.11, mặc dù sản phẩm này thông báo tăng giá đã vài ngày trước. Ảnh: Ca Hảo |
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, chủ một cửa hàng tạp hoá trên tỉnh lộ 10, quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết, cho đến lúc này, kho chứa hàng của bà đã chật cứng hàng và không thiếu một mặt hàng tạp hoá nào. Tổng số tiền nằm trong kho hàng của bà hiện lên đến hơn ba tỉ đồng. Tuy nhiên hàng tết chỉ chiếm khoảng 30%. Giải thích cho việc tập trung vốn cho hàng tiêu dùng hàng ngày thay vì hàng tết như mọi năm, bà Vân cho rằng đã trữ hàng đến cạn vốn, đồng thời cũng sợ nhà sản xuất tung hàng khuyến mãi, nên vẫn còn dè chừng.
Cầm cả nhà… để trữ hàng
Theo bà Vân, cho đến thời điểm này chưa mặt hàng nào là chưa thông báo tăng giá, thậm chí có sản phẩm tăng giá đến bốn năm lần trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, như dầu ăn Tường An. Mặc dù đã hết vốn, song bà Vân vẫn quyết định tiếp tục ôm hàng, vì không như năm ngoái, cứ nhập hàng là có lời. Trong ngày 16.11, bà đã ôm thêm một lượng không nhỏ sữa đặc có đường Ngôi sao Phương Nam (xanh), mặc dù trước đó vài ngày (thời điểm sản phẩm này thông báo tăng giá khoảng 8%) 400 thùng đã được bà Vân nhập kho. Bà Vân cho biết, chỉ riêng sản phẩm sữa, bà đã ôm hàng với giá trị lên đến cả tỉ đồng.
Đối với các đại lý bán sỉ, việc ôm hàng là chuyện bình thường và vốn luôn được chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, năm nay các mặt hàng dù tăng giá liên tục, nhưng việc bán hàng lại khó khăn, khiến họ cũng bị chôn vốn khá nhiều. Theo anh B., “cò” hàng tiêu dùng có nhiều kinh nghiệm cho biết, vào thời điểm này năm ngoái, với số vốn hơn ba tỉ đồng trong tay, khi có thông tin tăng giá của một sản phẩm nào đấy, anh có thể mua hàng và bán ngay trong vòng một tuần để kiếm lợi nhuận, tuy nhiên hiện nay rất khó khăn. Anh B. cho rằng, hiện nhiều mặt hàng có mức tăng giá từ 10 – 25%, song ngược lại sức mua đang chững lại, khiến việc bán gặp khó khăn. Chính vì thế, anh quyết định tiếp tục ôm hàng với hy vọng sức mua sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Theo anh B. các đại lý lớn như X.H (quận Phú Nhuận), T.L (quận 10), H.T (Bình Tân), M.T (quận 7), việc ôm hàng với giá trị vài tỉ đồng là chuyện thường. Chẳng hạn như M.T, hiện số tiền đại lý này trữ hàng đã lên con số gần ba tỉ đồng với hàng loạt sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như bột ngọt, các loại nước chấm, đường, sữa, dầu ăn… song không thể xả hàng với mức giá mới. “Giá mới được nhà sản xuất thông báo hẳn hoi nhưng không cửa hàng nào chịu lấy, bởi họ cũng đầy hàng trong kho”, anh B. cho biết.
Tuần trước, với thông tin sữa đặc của Vinamilk tăng tới gần 50.000 đồng mỗi thùng, anh B. đã thế chấp căn nhà của mình ở quận Tân Bình cho ngân hàng lấy hai tỉ đồng để nhập 3.000 thùng. Với mức lãi suất như hiện nay (khoảng 18%/năm), theo anh B., nếu ôm trong vòng một hai tháng, anh vẫn có lời khoảng 6%. Tuy nhiên, nếu không dự báo đúng điểm rơi của thị trường hoặc không nắm thông tin chuẩn xác từ nhà sản xuất, rất dễ bị… lỗ vốn hoặc không có vốn để xoay vòng.
Tú Loan, một đại lý ở quận 10 (TP.HCM) cho biết, chị thường xuyên phải thế chấp căn nhà của mình vì các chi phí nhân viên, thuê kho… lên đến gần 300 triệu đồng mỗi tháng. Thời gian qua, kho hàng của đại lý này lúc nào cũng đầy ắp hàng nhưng không tìm được mối để… xả. Thỉnh thoảng, để trang trải các chi phí cố định, đại lý này chấp nhận “đạp giá” để đẩy hàng nhằm có vốn xoay vòng.
Gậy ông đập lưng ông
Theo phân tích của anh B., thường các nhà sản xuất thông báo tăng giá vào thời điểm giữa tháng nhằm đánh vào áp lực doanh số của các nhà phân phối. Bởi nhà phân phối thường hưởng phần trăm trên doanh số. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cho nhà phân phối của mình đặt hàng trước, giao hàng sau. “Rất nhiều mặt hàng có mức tăng giá trên 10% và tăng liên tục, tội gì không ôm kiếm lời”, bà Vân nói.
Anh B. cho rằng, nhiều trường hợp ôm hàng rồi... khóc ròng. Chẳng hạn như hai tháng trước, dầu Tường An được cho là sẽ tăng giá, nhà phân phối ồ ạt nhập hàng trữ. Tuy nhiên cho đến cuối tháng 10 vừa qua sản phẩm này mới tăng giá.
Việc ôm hàng trong thời điểm này, theo anh B., vốn sẽ bị chôn trong khi hàng tết thì cần nhập vào. Nếu không xả hàng trong thời gian này, cận tết sẽ rất khó bởi hàng tết tung ra ồ ạt. Anh B. cho rằng, thực chất doanh nghiệp sản xuất tăng giá trong thời điểm này chủ yếu là lấy giá cho năm sau, bởi lượng hàng tồn đọng ở các nhà phân phối cũng như các kho của nhà phân phối rất nhiều. Hầu hết hàng được ôm trong vòng một tháng trở lại đây còn đến 70% trong kho. Chính điều này khiến nhiều mặt hàng dù đã thông báo tăng giá gần một tuần nhưng giá mới vẫn chưa được áp dụng ngoài thị trường. Chẳng hạn như sản phẩm sữa đặc có đường Ngôi sao Phương Nam (xanh) thông báo tăng giá từ 507.000 đồng/thùng lên 549.000 đồng/thùng từ hơn tuần nay, tuy nhiên đến tuần này nhiều cửa hàng vẫn có thể nhập hàng ở mức 530.000 đồng/thùng – thấp hơn giá do nhà sản xuất đưa ra.
Anh B. cho rằng, nhà phân phối nếu không tỉnh táo trước những thông tin tăng giá, vội vã ôm hàng, dễ “dính chiêu” xả hàng của doanh nghiệp sản xuất nhằm đạt kế hoạch trong năm.
(Theo Ca Hảo/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com