Sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp trong nước đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ảnh: Linh Tâm |
- Nhìn lại tình hình phát triển công nghiệp và thương mại cả nước trong thời gian qua cho thấy, các gói kích thích kinh tế đang phát huy hiệu quả, tạo động lực cho ngành công thương phục hồi tăng trưởng. Đặc biệt, trong quý III, giá trị sản xuất công nghiệp tháng sau tăng hơn tháng trước bình quân 10%. Điều này cho thấy, khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng hơn 8% của ngành vào cuối năm nay tương đối khả quan.
Qua cơn "bĩ cực"
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị vật tư phục vụ nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở tập trung vào khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) thị trường trong nước... đã được triển khai tích cực. Ngành cơ khí đã chuyển đổi từ thụ động sang chủ động hơn trong sản xuất, đầu tư và tìm thị trường; sáng tạo công nghệ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và thích nghi với cơ chế thị trường. Các sản phẩm máy nông nghiệp của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp đã giữ được mức tăng trưởng cao, trong đó sản lượng máy kéo và xe vận chuyển tăng 88,6%, máy cắt lúa gặt đập tăng 24%, máy phun thuốc trừ sâu tăng trên 3 lần... Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai sản phẩm cơ khí nội địa. Riêng Nhà máy Xi măng Thái Nguyên, công suất 1,51 triệu tấn/năm đã nội địa hóa thiết bị đến 73%. Nhằm mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, các chương trình XTTM tiếp tục được triển khai. Thông qua các chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đưa hàng Việt về thị trường nông thôn… các DN đã quan tâm hơn đến phát triển thị trường nội địa, góp phần đáp ứng được nhu cầu của người dân và nâng cao doanh thu. Ngành dệt may là một ví dụ, ngoài việc duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu... ngành còn mở rộng các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông. Cùng với việc mở rộng thị trường ngoài nước, nhiều DN dệt may đã khai thác thị trường nội địa và đạt được kết quả khả quan. Nhiều DN sản xuất giày dép nay cũng đã nhận đơn hàng sản xuất đến cuối năm với sản lượng tương đương như năm 2007. Riêng mặt hàng dép các loại, giày vải, các DN có đơn hàng sản xuất ổn định trong cả năm, không phải dừng sản xuất trong giai đoạn giãn vụ như các năm trước.
Tính đến đầu tháng 10, các sản phẩm chủ yếu tiếp tục tăng trưởng khá cao, trong đó có nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất, tiêu dùng như điện, dầu thô, than sạch, khí đốt, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh tủ đá, xà phòng giặt các loại, các sản phẩm vật liệu xây dựng... Thực hiện các biện pháp kích cầu nội địa của Chính phủ, sức mua tăng dần qua các tháng. Theo Bộ Công thương, các giải pháp, chính sách kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng ở những mức độ khác nhau, giúp cho nền kinh tế vượt qua được "đáy" của sự suy giảm, tiếp tục giữ được sự ổn định, tuy tăng trưởng chậm nhưng vẫn đạt mức khá so với khu vực. Đây cũng là cơ hội tốt cho các DN tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh để duy trì hoạt động và phát triển. Riêng việc hỗ trợ lãi suất cho vay các mặt hàng vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp... theo QĐ 497/TTg đã củng cố niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách của Chính phủ, đồng thời thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Một số kiến nghị
Do các DN tận dụng cơ hội giá rẻ từ thị trường thế giới nhằm tích trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất cho giai đoạn sau và phục vụ Tết Nguyên đán 2010 nên khả năng các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ tăng trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên, Bộ Công thương đang khống chế mức nhập khẩu năm nay ở khoảng 70 tỷ USD để bảo đảm tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu dưới 20% như chỉ đạo của Chính phủ. Mặt khác, để đạt được mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp 8,5-9% trong năm 2009, góp phần vào tăng trưởng GDP nền kinh tế, Bộ Công thương chỉ đạo các DN trong ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, nhất là gói kích cầu thị trường nội địa, hỗ trợ lãi suất vay để tiêu thụ máy móc, thiết bị, vật tư... Cùng với đó là việc tăng cường kiểm tra, quản lý các diễn biến của thị trường hàng hóa để chủ động xử lý những phát sinh nhằm bảo đảm tốt nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm... Bộ yêu cầu DN đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án cần hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm nay, nhất là các công trình nguồn, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, để nông dân có thêm thời gian tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương cho rằng cần kéo dài thời hạn giải ngân có hiệu lực của QĐ 497/TTg thêm 6 tháng (đến ngày 30-6-2010). Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện QĐ này, Bộ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét và cho phép chuyển đổi QĐ 497/TTg thành chính sách ưu đãi đầu tư máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm góp phần thực hiện chiến lược "Tam nông" của Đảng và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Với các biện pháp kích cầu, khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, theo Bộ Công thương, có thể chỉ đấu thầu trong nước, mà không cần đấu thầu quốc tế với một số sản phẩm trong nước đã sản xuất bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng như công tơ điện 1 pha và 3 pha...
(Theo THANH MAI // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com