Một góc cảng Khánh Hội ở khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
TPHCM, trung tâm kinh tế thương mại của cả nước, có nhiều lợi thế để phát triển các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp thành phố vẫn chưa tận dụng được lợi thế này để phát triển vì nhiều lý do…
Nhiều nhưng không mạnh Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ, nhất là các loại dịch vụ mà TPHCM có thế mạnh, là mục tiêu chiến lược đã được thành phố đề ra và thực hiện từ nhiều năm qua. Thực tế, TPHCM vẫn là địa phương đứng đầu trên cả nước về tỷ lệ phát triển dịch vụ cũng như mức độ đa dạng các dịch vụ. Tuy nhiên, như một chuyên gia kinh tế nhận định khái quát, lĩnh vực dịch vụ của TPHCM “nhiều nhưng không mạnh...”. Dịch vụ logistics được coi là phần bánh lớn trong miếng bánh dịch vụ, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng được. Họ chỉ tham gia được một vài công đoạn của chuỗi dịch vụ, còn phần lớn lợi nhuận đều thuộc về các công ty nước ngoài. Theo một chuyên gia trong ngành, lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong ngành logistics là vận tải biển, doanh nghiệp trong nước chỉ mới khai thác chưa tới 25% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là bất cập lớn trong việc phát triển dịch vụ logistics trong nhiều năm qua. Hiện đến 90% hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển. TPHCM cũng là nơi tiếp nhận hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm qua các cảng. Trong năm 2009, tổng lượng hàng hóa qua các cảng Việt Nam đạt 4,8 triệu TEU trong đó có tới 3,4 triệu TEU qua các cảng của TPHCM. Tuy nhiên, do các cảng đều nằm trên sông, hạ tầng cảng biển chưa tiếp nhận được các tàu có tải trọng lớn, nên phải qua trung chuyển. Mỗi container hàng xuất khẩu hay nhập khẩu đều phải qua trung chuyển làm tăng thêm chi phí 400 đô la Mỹ cho doanh nghiệp. Chỉ riêng hàng xuất khẩu, Việt Nam phải chịu mất 1,7 tỉ đô la Mỹ mỗi năm do phải trung chuyển. Dịch vụ du lịch cũng là một trong những ngành mà TPHCM có thế mạnh. Trong tám tháng đầu năm 2010, doanh thu từ dịch vụ du lịch (lữ hành và khách sạn) đạt 9.340 tỉ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Báo cáo của ngành du lịch thành phố cho thấy, trong sáu tháng đầu năm, lượng khách quốc tế tại TPHCM chiếm hơn 50% lượng khách quốc tế của cả nước. TPHCM cũng là địa phương chiếm số lượng lớn các công ty hoạt động trong ngành du lịch. Hiện cả nước có khoảng 230 công ty nước ngoài và 1.542 công ty trong nước cung cấp dịch vụ du lịch trong và ngoài nước. Dù đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhưng ngành du lịch được đánh giá là chưa phát triển đúng mức. Dịch vụ du lịch nghèo nàn, chăm sóc khách hàng không đầy đủ, sự xuống cấp và ô nhiễm của các điểm du lịch, thiếu nhân viên chuyên nghiệp, ít áp dụng công nghệ, thiếu sự liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch để tăng chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh. Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cũng chủ yếu tập trung ở TPHCM. Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TPHCM và Hà Nội chiếm tới 90% thị phần dịch vụ phát triển kinh doanh, chủ yếu là các dịch vụ kế toán và kiểm toán, dịch vụ pháp lý, dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ marketing và quảng cáo, dịch vụ tư vấn kỹ thuật... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng các dịch vụ chuyên môn và dịch vụ kinh doanh. Lý do là các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam chỉ ở mức trung bình hoặc kém. Lợi thế duy nhất của ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh là có giá rẻ nhưng lại đồng nghĩa với chất lượng thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu lớn và đang phát triển mạnh của thị trường. Một trong những trở lực khi phát triển các ngành dịch vụ của TPHCM là quy mô của doanh nghiệp dịch vụ nhỏ cả về vốn và lao động. Theo báo cáo “Chiến lược tổng thể phát triển ngành dịch vụ tới năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2025 trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ thương mại đa biên Việt Nam - EU (Mutrap II), phần lớn các doanh nghiệp có dưới 9 lao động và rất ít doanh nghiệp có trên 200 lao động. Cụ thể, hơn 82% doanh nghiệp bưu chính và viễn thông sử dụng dưới 9 lao động. Tỷ lệ này đối với các ngành thương mại, sửa chữa ô tô, xe máy và hàng hóa gia dụng, dịch vụ cộng đồng, xã hội và cá nhân là khoảng 75%. Các lĩnh vực thể thao và văn hóa có tỷ trọng doanh nghiệp với trên 200 nhân viên cao nhất, 8,11%, còn nhóm các dịch vụ thương mại và sửa chữa, dịch vụ cộng đồng, xã hội và cá nhân và dịch vụ giúp việc có tỷ lệ này thấp nhất, 0,65% mỗi dịch vụ. Cần một chiến lược tổng thể Nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của ngành dịch vụ logistics của TPHCM vẫn là hạ tầng giao thông vận tải yếu kém, vấn nạn kẹt đường, kẹt cầu, thời gian vận chuyển đường bộ cao và chi phí vận chuyển cũng cao. Hiện chi phí vận tải chiếm 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi các quốc gia khác chỉ ở mức 15%. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong một cuộc hội thảo về tái cấu trúc kinh tế TPHCM vừa được tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, chỉ rõ TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ, cụ thể là dịch vụ logistics. Nhưng để phát triển loại hình dịch vụ này, ưu tiên hàng đầu của thành phố là giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông đường bộ cũng như cảng biển. Để phát triển dịch vụ du lịch, ngành du lịch cần đa dạng hóa các loại hình, ví dụ như du lịch sinh thái, các môn thể thao dưới nước hoặc du lịch văn hóa. Cạnh tranh đối với dịch vụ du lịch đang ngày càng tập trung vào việc tạo ra các tuyến du lịch mới phù hợp với sở thích của khách thay vì chỉ đưa ra một lộ trình định sẵn. Khuyến khích các dự án du lịch nước ngoài phù hợp. Chiến lược du lịch cần hướng đến các khách hàng có thu nhập cao thông qua việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng tốc xây dựng hạ tầng lưu trú. Giám đốc một công ty du lịch ở TPHCM cho biết, công ty của ông dù cố gắng đa dạng hóa các tuyến, tour cho du khách, nhưng đến mùa cao điểm du lịch, tình trạng thiếu phòng khách sạn vẫn diễn ra. “Chúng tôi đã bị hủy nhiều tour vì không thể lo được chỗ lưu trú cho khách, dù kế hoạch đặt phòng đã được chuẩn bị cả năm trời”, vị giám đốc nói trên cho biết. Đối với dịch vụ bán lẻ, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng Nhà nước nên sớm quy hoạch, xây dựng chính sách đồng bộ, minh bạch để làm nền tảng cho việc phát triển dịch vụ phân phối. “Nhà nước kêu gọi phát triển dịch vụ phân phối, nhưng doanh nghiệp trong nước muốn có một mặt bằng bán lẻ phải mất thời gian từ 3-5 năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài luôn được chính quyền địa phương tin tưởng và giao đất ngay, dù đất được giao xong bị bỏ hoang”, giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, bức xúc. Theo phân tích của các chuyên gia, từ báo cáo nghiên cứu về dịch vụ của dự án Mutrap III, ngành kinh tế thường được thúc đẩy tăng trưởng bởi các ngành dịch vụ trung gian. Tuy nhiên, ở Việt Nam các chính sách dường như chỉ chú trọng đến các dịch vụ cuối cùng. Ngành dịch vụ sẽ không tồn tại và hỗ trợ các ngành khác phát triển được nếu không có các dịch vụ đầu vào chất lượng cao như nghiên cứu và phát triển, thiết kế sản phẩm, đào tạo nhân lực... Ngành dịch vụ ở TPHCM hiện vẫn thiếu một chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu cơ sở dữ liệu và thông tin chính xác về các hoạt động dịch vụ để hoạch định chính sách, cũng là một điểm yếu nội tại của ngành dịch vụ. Phát triển các ngành dịch vụ ở TPHCM cũng cần đến sự phối hợp tốt giữa trung ương và chính quyền thành phố. Thực tế, khu vực nhà nước vẫn có vai trò chi phối trong nhiều ngành dịch vụ, cản trở sự phát triển và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ nói chung. Vì vậy, Nhà nước cần loại bỏ những rào cản đối với cạnh tranh, thông qua việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ.
(Theo Ban Mai // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com