Hầu hết các nhà đầu tư Trung Quốc đều không có bất kỳ lợi thế nào về mặt công nghệ và quản lý.
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2009, tổng ODI của Trung Quốc (vào gần 180 quốc gia) đạt 48 tỷ USD, đưa nước này lên đứng thứ sáu về cung cấp ODI toàn cầu. Theo Bắc Kinh, ODI của Trung Quốc có thể vượt ngưỡng 100 tỷ USD vào năm 2013, với tổng vốn ODI qua các năm lên tới 500 tỷ USD.
Trong khi ODI của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, thống nhất với vai trò ngày một lớn của nước này trong nền kinh tế toàn cầu, quy mô vốn đầu tư vẫn là hiện tượng độc nhất khi đem so sánh với kinh nghiệm quốc tế trước đây. Tất cả các đối tượng lớn "được" nhận ODI của Trung Quốc, như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức và Pháp, đều là những nền kinh tế phát triển: giàu về thu nhập, dồi dào về vốn, hiện đại về công nghệ và quản lý. Ngược lại, Trung Quốc chỉ xếp khoảng thứ 100 thế giới về GDP đầu người, theo số liệu của IMF. Nhà kinh tế học người Nhật nổi tiếng Kiyoshi Kojima từng đưa ra cách phân biệt mô hình Mỹ và mô hình Nhật Bản dựa trên ODI. Theo Kojima, mục đính chính Mỹ thực hiện ODI là tìm kiếm khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài, còn với Nhật, ODI là để tận dụng chi phí sản xuất rẻ hơn ở nước ngoài. Nhưng cả hai loại này đều có một điểm chung: nước đầu tư có những lợi thế rõ ràng về công nghệ và quản lý. ODI của Trung Quốc thể hiện một số điểm rất khác biệt, chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực chính: (1) ngành dịch vụ: phần lớn khoản đầu tư đều nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu, (2) ngành tài nguyên: mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đảm bảo ổn định nguồn cung tài nguyên; và thứ (3) ngành chế tạo công nghệ cao: Trung Quốc muốn tiếp thu công nghệ và kỹ năng quản lý thông qua đầu tư. Rõ ràng, kiểu đầu tư đặc biệt này không nhằm dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài - mà nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước. Và hầu hết các nhà đầu tư đều không có bất kỳ lợi thế về mặt công nghệ và quản lý. Có thể còn quá sớm để kết luận về kiểu ODI đậm chất riêng của Trung Quốc, nhưng có thể thấy rõ ba điểm. Thứ nhất, đầu tư hàng loạt mà không hề có lợi thế công nghệ chỉ chứng tỏ tham vọng, chứ không phải triển vọng thành công, của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thứ hai, ODI của Trung Quốc thể hiện qua lượng vốn sẵn có khổng lồ, khoảng 2,5 nghìn tỷ dự trữ ngoại tệ. Thứ ba, các nhà đầu tư Trung Quốc phải chịu tỷ lệ rủi ro đầu tư cao hơn vì trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp Trung Quốc phải làm quen với môi trường hoàn toàn mới. Các công ty Trung Quốc đã làm ăn với thị trường nước ngoài nhiều năm qua, nhưng đa số chỉ đều là hoạt động mua bán. Hiểu biết của họ về bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế ở nước ngoài hết sức hạn chế. Hậu quả là, các công ty Trung Quốc đang phải trả giá đắt cho điểm yếu này. Một công ty nhà nước Trung Quốc tôi biết dự định đầu tư lớn vào Mỹ. Bởi vì đây là ngành nhạy cảm, nên họ thỏa thuận đòi hỏi phải được chính phủ thông qua. Công ty này đã thuê một luật sư thương mại rất nổi tiếng ở Los Angeles. Rủi thay, vị luật sư này, cũng ở cùng nước Mỹ thôi, nhưng lại không hiểu gì về chính trị ở Washington và không có kỹ năng vận động hành lang. Thỏa thuận đổ vỡ nhanh chóng. Một công ty nhà nước khác mua lại mỏ than ở Australia và tự quảng cáo là công ty khai thác than lớn nhất thế giới. Điều này thật trớ trêu lại không giúp cải thiện hình ảnh của công ty, bởi công chúng Australia nhìn chung đều có quan điểm tiêu cực về các công ty khai thác than vì những hiểm họa về môi trường các công ty này có thể gây ra. Các thống kê cho thấy, ngoài các "thiên đường" thuế như quần đảo Virgin của Anh, ODI của Trung Quốc còn tập trung vào cả những nước có hệ thống luật pháp chưa phát triển và tham nhũng trầm trọng. Điều này có thể vì các thị trường được quản lý tốt có rào cản thâm nhập cao hơn với đầu Trung Quốc. Nhưng cũng có thể vì nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã quen với cách làm "lót tay" nên thấy những môi trường như thế dễ hoạt động hơn. Đôi khi "phương án" này còn được thực hiện với bộ trưởng và thậm chí cả tổng thống. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Một khi người ta đã ác cảm rằng ODI của Trung Quốc mang theo tham nhũng sẽ rất khó để doanh nghiệp Trung Quốc có thể mở rộng trong tương lai. Hiện tại, các công ty nhà nước đóng góp tới 63% ODI của Trung Quốc. Nếu nhìn lại kinh nghiệm hồi bắt đầu cải cách kinh tế, hầu hết ODI đều bắt nguồn từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hồng Kông, Đài Loan. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc những ngành cần nhiều nhân công đều cần phải "di chuyển". Họ cũng có lợi thế về công nghệ, quản lý và tiếp thị. Vậy tại sao họ lại tụt lại phía sau, về mặt ODI? Có ba cơ quan trong chính phủ Trung Quốc kiểm soát ODI: Bộ Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) phê chuẩn ngoại hối, Bộ Thương mại (MOFCOM) cấp phép, và Ủy ban Phát triển quốc gia (NDRC) thẩm định lợi ích quốc gia. Như thế tức là đang có sự chồng chéo không cần thiết, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể vượt qua được những thủ tục hành chính này. ODI của Trung Quốc có thể tiếp tục tăng nhanh, nhưng kết quả và hậu quả đến đâu thì còn chưa rõ. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc còn chưa hiểu rõ tình hình chính trị và kinh tế ở nước tiếp nhận đã ầm ầm đổ vốn vào, không biết vì miếng bánh lớn hay vì tính toán nào khác nữa. Họ cần tỉnh táo khi đưa ra các quyết định, bằng không sẽ là một sự lãng phí vô cùng lớn và làm tổn hại đến hình ảnh doanh nghiệp Trung Quốc vốn vẫn bị đánh giá thấp lâu nay. Tác giả bài viết Yiping Huang là giáo sư kinh tế học tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh và trường Kinh tế và Chính phủ thuộc Đại học Quốc gia Australia.
( Theo Đình Ngân (theo East Asia Forum) // vnr500.vn )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com