Ông Hans-Joerg Grundmann (giữa), Tổng giám đốc phụ trách giao thông của tập đoàn Siemens và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ông Trần Quang Phượng (phải) tại buổi hội thảo ở TPHCM ngày 4-3 - Ảnh: Mộng Bình |
Đầu tư phát triển hệ thống xe điện ngầm (metro) sẽ giúp TPHCM giảm bớt nạn kẹt xe chứ không thể giúp giải quyết dứt điểm vấn nạn kẹt xe tại trung tâm kinh tế của Việt Nam, Tổng giám đốc phụ trách giao thông của tập đoàn Siemens, ông Hans-Joerg Grundmann, cho biết.
Ông Grundmann đã chia sẻ ý kiến trên với Thời báo Kinh tế Sài Gòn khi đến TPHCM tham dự hội thảo bàn về hướng phát triển TPHCM trong thế kỷ 21. Ông cũng góp ý vấn đề làm thế nào để TPHCM trở thành một đô thị giao thông công cộng đáp ứng chuẩn quốc tế.
Ông Grundmann cho rằng TPHCM rất cần phát triển nhanh các tuyến metro để đáp ứng nhu cầu giao thông đang tăng nhanh, nhưng như thế vẫn chưa đủ vì thành phố phải đầu tư xây dựng một mạng lưới giao thông đồng nhất, gồm các phương tiện giao thông phù hợp. Bên cạnh các tuyến metro được kết nối với nhau, thì thành phố cũng rất cần phát triển một hệ thống xe buýt để chở khách và cung cấp khách cho các tuyến metro.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là phải nhanh chóng xây dựng một trung tâm điều khiển giao thông để điều phối luồng giao thông được thông suốt, giúp tiết kiệm thời gian và mang lại sự thuận tiện cho người dân.
Trong phần trình bày tại hội thảo, Trưởng ban quản lý khoa học của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, ông Lê Văn Thành cho biết thành lập một trung tâm điều khiển giao thông và xây dựng các tuyến metro số 1, 3 và 5 là hai trong 5 dự án ưu tiên để phát triển TPHCM thành một đô thị giao thông công cộng chuẩn quốc tế, dựa vào các đề xuất của nhóm chuyên gia và chủ trương của UBND TPHCM.
Ông Thành nói việc giải phóng mặt bằng của tuyến số 1 đã thực hiện năm 2009 và tuyến số 2 năm 2010. Đại diện của chính phủ Tây Ban Nha cũng đã ký bản ghi nhớ với Việt Nam về cung cấp tài chính cho tuyến metro số 5.
Theo bản ghi nhớ được ký tại Tây Ban Nha vào cuối năm 2009, chính phủ nước này sẽ cấp 500 triệu euro vốn ODA cho tuyến metro số 5, dài khoảng 15 km từ cầu Sài Gòn đến bến xe Cần Giuộc (quận 8). Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km từ chợ Bến Thành đến Suối Tiên và có vốn đầu tư là 1,09 tỉ đô la Mỹ.
Vào ngày 2-3, đại diện của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cũng đã ký thỏa thuận với chính quyền TPHCM để cung cấp 28 triệu euro (gồm 10 triệu euro viện trợ không hoàn lại và 18 triệu euro vốn vay) trong tổng số hơn 240 triệu euro (gồm 85,75 triệu euro viện trợ không hoàn lại) của chính phủ Đức cho dự án metro số 2. Tuyến này có tổng chiều dài khoảng 20 km từ Thủ Thiêm đến bến xe Tây Ninh với tổng vốn đầu tư hơn 1,35 tỉ đô la Mỹ.
Ba dự án đầu tư ưu tiên còn lại được ông Thành nêu ra tại buổi hội thảo gồm thực hiện quản lý nhu cầu giao thông bằng phí tắc nghẽn; chống ngập và cấp thoát nước, nhất là giảm thất thoát nước.
Tình trạng ngập lụt là một trong những điểm yếu nhất của TPHCM trong các phân tích về các thế mạnh và điểm yếu hiện tại cũng như những cơ hội và thách thức trong tương lai (SWOT) của dự án TPHCM thế kỷ 21. Nghiên cứu dự án này được thực hiện trong 18 tháng qua, theo sáng kiến chung của lãnh đạo TPHCM, chính phủ Đức và tập đoàn Siemens.
Các nghiên cứu ưu tiên cho các dự án trên sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, tập trung vào cấu trúc hệ thống giao thông tại TPHCM, quy hoạch phát triển theo hướng giao thông công cộng, giảm nhẹ rủi ro do tiến độ chậm của các tuyến metro, cải thiện hệ thống xe buýt, quản lý nhu cầu giao thông, quy hoạch không gian ngầm đô thị, cảnh quan, xác định chiến lược cho thành phố.
Ông Gregor Wessels, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn ITS (Hồng Kông), nói tại buổi hội thảo rằng theo nghiên cứu, phân tích của dự án TPHCM thế kỷ 21 thì cần phải có 80 tỉ đô la Mỹ để đầu tư phát triển hệ thống giao thông tại TPHCM để thành phố trở thành đô thị có hệ thống giao thông công cộng tầm cỡ thế giới. Trong tổng số vốn đầu tư này, các dự án hệ thống vận tải có sức chở lớn bằng đường ray chiếm 59%, đường bộ chiếm 45%, hàng không chiếm 10% và phần còn lại là đường sông. Muốn trở thành một đô thị tầm cỡ của thế kỷ 21 vào năm 2050 thì TPHCM cần có nguồn vốn đầu tư 163 tỉ đô la Mỹ để đầu tư cho các dự án giao thông (49%), năng lượng (21%), chống ngập (6%) và các lĩnh vực khác là 24%. Các chuyên gia thực hiện dự án từ ITS, các cơ quan của Đức và Việt Nam … đã đưa ra số vốn đầu tư trên dựa vào các tiêu chí về tầm quan trọng và tính dễ tiếp cận, an ninh, bảo vệ mội trường, hạ tầng cơ sở, môi trường đô thị của các thành phố phát triển trên thế giới như Paris và New York (hai thành phố được mệnh danh là thủ đô của thể kỷ 19 và thế kỷ 20). |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com