Những bất bình và lo lắng của người tiêu dùng về "nghịch lý" giá sữa ở nước ta đã kéo dài từ lâu và vẫn chưa dứt. Ngày 30-7-2009 là thời hạn cuối cùng để các bộ Công thương, Tài chính và Y tế phải báo cáo tình hình giá sữa lên Thủ tướng Chính phủ. Tin rằng mọi chuyện sẽ sớm được làm sáng tỏ và người tiêu dùng sẽ sớm thoát khỏi tình cảnh phải mua sữa ngoại với giá trên trời.
Song, xét trên góc độ trách nhiệm quản lý, bài học rút ra ở đây vẫn không có gì mới, bởi suy cho cùng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là tình trạng thiếu đồng bộ và thiếu sự chủ động, thống nhất, phối hợp giữa các cơ quan chức năng - một "căn bệnh trầm kha" trong công tác quản lý, điều hành của ta ở khá nhiều lĩnh vực.
Trước hết nói về việc quản lý giá sữa. Chúng ta biết rằng, muốn giám sát giá sữa thì phải giám sát được chất lượng sữa. Nhưng ở Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn về tỷ lệ các chất bổ sung vi lượng DHA, ARA trong sữa. Ðây chính là kẽ hở để các hãng sữa nước ngoài thả sức quảng cáo về tỷ lệ những chất bổ sung này trong sản phẩm của họ. Trong khi đó, các phòng thí nghiệm của ta lại chưa có khả năng kiểm định những vi chất này, dẫn đến không thể xác định sữa nào tốt hơn sữa nào.
Một khía cạnh khác, trên thị trường nước ta hiện đang xuất hiện nhiều chiêu quảng cáo bị cấm ở nước ngoài nhưng lại được các doanh nghiệp nhập khẩu áp dụng khá công khai, vì sao? Phải chăng chúng ta còn thiếu các văn bản cho công tác quản lý hay nhiều điều khoản trong văn bản không phù hợp với thực tế cuộc sống đã tạo kẽ hở cho các hãng bắt tay ngầm với nhau thao túng thị trường? Trong bối cảnh đó, chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc xem có yếu tố vi phạm luật cạnh tranh, các nhà sản xuất có bắt tay nhau làm giá, độc quyền hay không. Và nếu chúng ta không có căn cứ rõ ràng thì làm sao có thể khởi kiện, đề nghị bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng?
Vẫn biết rằng bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của chính người tiêu dùng. Nhưng muốn vậy, người tiêu dùng phải có hiểu biết nhất định về sản phẩm, làm cơ sở phân biệt hàng hóa có chất lượng và an toàn vệ sinh. Tiếc thay, điều này còn quá bất cập, vì trên thực tế chưa có cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm, cho nên dù có biết quyền và lợi ích chính đáng của mình bị xâm hại, người tiêu dùng cũng khó tìm đâu ra căn cứ để khiếu nại.
Dẫu sao, "nghịch lý giá sữa" chỉ là một trong nhiều nghịch lý mà thôi. Từ lâu nay, các lĩnh vực khác như quản lý đô thị, quy hoạch, xây dựng... cũng tồn tại những nghịch lý tương tự. Do thiếu đồng bộ mà chúng ta đã phải trả giá cho những tuyến đường "đắt nhất hành tinh" xong cũng nhôm nhoam, nhếch nhác nhất nhì do vô vàn kiểu dạng nhà siêu mỏng, chắp vá và chằng đụp lập tức lộ ra chềnh ềnh trên mặt đường mới khánh thành như một sự chế giễu. Rồi hầu hết các khu đô thị mới đều gặp rắc rối về trường học, bệnh viện, tình trạng ngập lụt và nước sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh; một số chung cư cũ sau khi cải tạo đã xảy ra tình trạng thiếu lớp học, vì cơ quan chức năng không tính đến sự gia tăng dân cư đột ngột khi tòa nhà sau cải tạo đã tăng gấp ba, bốn lần số căn hộ, vân vân và vân vân...
Xét đến cùng, tất cả những nghịch lý trên đây chúng ta đều có thể hạn chế và tránh được, nếu có sự chủ động phối hợp giữa các cơ quan chức năng đề ra những giải pháp phù hợp, đồng bộ cho mỗi dự án, kế hoạch.
(Theo HÀ KHOA // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com