Mới đây, ngày 20-7-2009, báo Pháp Cây Thập giá (La Croix) đã đăng bài của Rémy Favre, đặc phái viên của báo này tại TP Hồ Chí Minh, nhan đề: Việt Nam chống trả tốt cuộc khủng hoảng (Le Vietnam résiste bien à la crise). Chúng tôi xin trích giới thiệu bài viết của Rémy Favre để bạn đọc tham khảo.
Tìm kiếm khách hàng mới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bị cuốn hút bởi những thành tựu của Việt Nam, đất nước ứng phó có hiệu quả trước cuộc chao đảo tài chính toàn cầu.
Ðược giàn đèn rực sáng chiếu rọi, một nhóm công nhân đang điều khiển búa máy nện thình thịch ầm vang. Dưới cơn mưa như trút vào đợt gió mùa, một nhóm công nhân khác đang móc néo những sợi thép vào dây cáp cánh tay cần trục ngang trời. Ðã 21 giờ trên công trường đường Huỳnh Thúc Kháng ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, 500 người thợ đang gấp gáp xây cất một tòa nhà chọc trời, cao 68 tầng.
- Lắm khi họ đổ bê-tông thâu đêm suốt sáng, ông à!
Anh bảo vệ công trường lưu ý tôi về nhịp điệu lao động dồn dập khẩn trương. Một số thợ sẽ phải trở lại làm ngay trong ngày hôm sau, do vậy, họ chẳng được nghỉ ngơi lâu.
- Tòa cao ốc này xây càng nhanh càng tốt, chính vì vậy, chúng tôi phải tuyển cả lao động nữ - anh bảo vệ nói thêm.
Ðược trả công 100.000 đồng/ngày (khoảng 4 ơ-rô), họ làm cả bảy ngày trong tuần.
Khắp TP Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, nằm ở phía nam đất nước, đâu đâu ta cũng thấy những công trường lớn như ở đường Huỳnh Thúc Kháng đây. Những tòa nhà văn phòng cao ngất, những chung cư sang trọng, những trung tâm thương nghiệp đồ sộ bắt đầu đua nhau mọc lên như nấm sau mưa, hai bên sông Sài Gòn. Một khu kinh tế - thương mại lớn đã được hoạch định.
Ðiều nghịch lý là, các công trường xây dựng ở TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ nhộn nhịp như từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới... bắt đầu!
Trước đó, lạm phát khá cao, khiến giá cả vật tư tăng vọt. Nhiều nhà thầu đành chấp nhận sự chậm trễ, vi phạm hợp đồng, và chịu phạt, còn hơn nhắm mắt liều mua vật liệu với giá quá căng.
Nhưng rồi, khủng hoảng bỗng làm cho xi-măng, sắt thép giảm giá. Và, thế là sự nhộn nhịp quay trở lại ngay lập tức.
- Việt Nam đã biết cách giữ cho đầu mình luôn nhô lên trên mặt nước để không bị nhấn chìm trong cơn bão kinh tế thế giới.
Luật sư Albert Franceskini, một chuyên gia Pháp am hiểu Việt Nam, phân tích.
Quả vậy, những lĩnh vực xuất khẩu như đồ gỗ nội thất, áo quần may sẵn đã phải chịu đựng tình trạng các đơn hàng từ châu Âu và Bắc Mỹ giảm bớt. Thế nhưng, những người lạc quan, vẫn hy vọng mức tăng trưởng sẽ lên tới 5%.
Chính là vì, trước hết, nhu cầu nội địa to lớn đã giữ cho nền kinh tế khỏi rơi vào suy thoái. Mức nợ không cao và sức mua vẫn được duy trì.
- Ba tháng gần đây, chỉ số bán ra của cửa hàng chúng tôi tăng 5%.
Người phụ trách cửa hàng áo quần bò của Saigon Square, một trung tâm thương mại được ưa thích, cho biết vậy.
Với số dân hơn 84 triệu người, trong đó có hơn một nửa tuổi dưới 30, Việt Nam không rơi vào tâm lý già nua chán chường.
Ngay từ đầu năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã tiên liệu về một thời kỳ kém ổn định và sớm phòng ngừa tâm lý hốt hoảng. Chính phủ đã có sự điều chỉnh lãi suất cho vay, tạo dễ dàng cho người vay vốn. Nhà nước cũng đã quyết định hoãn việc thu thuế thu nhập đối với người Việt Nam cũng như người nước ngoài làm ăn tại Việt Nam trong sáu tháng. Khoản tiền miễn thuế không đòi hỏi phải đem đầu tư vào nền kinh tế. Quyết định đó có tác động rõ rệt đến việc nâng đỡ tinh thần các bà nội trợ.
Trong những điều kiện như thế, Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Họ đang cố tìm kiếm những thị trường mới nổi, đầy năng động.
- Cần phải nắm lấy ngay cơ hội!
Ông giám đốc một xí nghiệp in châu Âu tin tưởng nói vậy. Ông ta đã nhìn thấy trước khả năng bán được các thiết bị ấn loát của xí nghiệp ông, ngay vào năm tới tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều nhà doanh nghiệp trẻ, vừa tốt nghiệp các đại học phương Tây, cũng đang có ý định lập nghiệp tại cái thành phố lớn ở miền nam nước Việt Nam này.
Với tốc độ phát triển nhanh, Việt Nam rất có thể sẽ sớm gia nhập nhóm "các nước xuất khẩu mới" - hay còn gọi là "năm con hổ châu Á" - gồm: Thái-lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, và Brunei.
Cần phân biệt với "bốn con rồng", khái niệm dùng để chỉ nhóm các nước và vùng lãnh thổ "công nghiệp mới" ở châu Á, gồm: Hàn Quốc, Ðài Loan, Singapore và Trung Quốc.
(Theo HÀM CHÂU // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com