Trước những ý kiến nhận xét Đồng bằng Sông Cửu Long ( ĐBSCL) không có tinh thần ham học và là vùng trũng của giáo dục Việt Nam... một nhà báo nhiều năm lăn lộn ở vùng này không nghĩ vậy. "Chỉ là lâu nay họ thiếu vắng sự quan tâm của chính sách", nhà báo này quả quyết.
Bán nhà cho con ăn học
Ông kể lại câu chuyện cách nay đã lâu. Hồi đó ông Võ Văn Kiệt đương là Thủ tướng, một lần họp giao ban Chính phủ ở Cần Thơ có 2 nội dung chính là giao thông và giáo dục. Sau khi có một số ý kiến than khó vực giáo dục ĐBSCL lên vì văn hoá thấp, ông Kiệt đã kể câu chuyện. Một lần ông đi công tác bằng vỏ lãi (ghe nhỏ có gắn động cơ) trên sông nước miền Tây, lúc đi vỏ lãi chạy cà rịch cà tang mãi không tới. Biết ông không hài lòng, cậu thanh niên điều khiển vỏ lãi nói, sẽ về nghiên cứu cải tiến. Lúc đó ông thầm nghĩ, cậu này nói dóc, biết gì máy móc mà sửa. Nhưng chuyến đi công tác sau, vẫn trên chiếc vỏ lãi đó, chạy nhanh gấp đôi lần trước. Ngạc nhiên, ông hỏi "Đổi máy mới à?" Cậu đó thưa, "vẫn máy đó, sau khi nghiên cứu, con sửa lại cái chân vịt có chút xíu...". Qua câu chuyện này ông Kiệt muốn khẳng định người dân miền Tây sáng dạ không kém các vùng miền khác, nhà báo nói.
Là người rất gần gũi với ĐBSCL, nhà báo này chứng kiến vô vàn những câu chuyện cảm động. Một nông dân có 13 đứa con, và 12ha đất vườn, cứ mỗi một đứa con vào đại học, họ lại cắt một khoảnh đất đi bán. Lúc đứa thứ 13 vào được đại học thì cũng là lúc họ không còn "cục đất để chọi chim". Cả nhà đưa nhau xuống một chiếc ghe chèo đi khắp nơi mua trái cây đi bán kiếm tiền mưu sinh.
Một nông dân khác có 7 đứa con, và vỏn vẹn 3 công ruộng. Khó khăn đến mức nhiều lúc người cha định cho 1-2 đứa nghỉ vì không kiếm đâu ra tiền đóng học phí. Nhưng chứng kiến hàng đêm các con miệt mài học dưới ánh đèn leo lét thì ông nghĩ lại, bàn với vợ cầm cố tất cả đất đai, cả hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Cái nghèo níu chân việc học
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như những gia đình đó. Phần đông nông dân khác cũng tha thiết muốn cho con cái học hành tử tế, nhưng "lực bất tòng tâm". Cái nghèo đã buộc ĐBSCL phải sống chung với cái dốt.
Trong một chuyến thực tế xuống Hưng Thạch (Long An), chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn, thuộc Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL gặp những đứa trẻ cỡ 10-12 tuổi đi giã bàng thuê để đan nệm, túi sách nón, kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Tính tiền theo bó, mỗi ngày chưa được 10.000 đồng. Khi ông hỏi, có muốn đi học không? Chúng đều trả lời, "rất muốn đi học nhưng phải nhường cho em, cha mẹ không có tiền đóng học cho con".
Đây là chuyện có thể thấy ở phần đông gia đình nông dân khắp 13 tỉnh miền Tây.
Cái nghèo đeo đuổi khiến cơ hội đến trường của những đứa trẻ này ngày càng nhỏ nhoi. Ảnh minh họa: Thu Hà |
Theo ông Sơn, "với nhiều người dân thành phố khoản học phí chỉ là số tiền nhỏ nhưng với người nông dân thu nhập chưa tới 1USD/ngày/người thì đó là số tiền lớn lắm. Chi tiêu cho giáo dục của cư dân miền sông nước chỉ khiêm tốn ở mức 130.000 -150.000 đồng/người/năm". Rất nhiều trường hợp ở ĐBSCL 8 - 9 tuổi mới vào lớp 1. Mùa vụ suôn sẻ thì không nói làm gì, nhưng nhỡ mất mùa, sâu hại.. sẽ khiến cho nhiều đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng.
Một kết quả điều tra từng được báo chí dẫn lại cũng cho thấy, có 45,1% số người từ 15 tuổi trở lên ở địa bàn nông thôn không hoàn thành cấp học nào; 32,87% tốt nghiệp tiểu học; 13,51% có bằng trung học cơ sở và 5,43% tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chính điều này là một rào cản rất lớn để có thể giúp người dân ĐBSCL thoát nghèo vì họ đang bị hạn chế trong việc tiếp cận với những tiến bộ của xã hội cũng như những cơ hội làm giàu.
Cần một quyết tâm chính trị
Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng sự sa sút của giáo dục ở ĐBSCL không chỉ do phụ huynh không có tiền đóng học phí cho con... mà lớn hơn cả là do lâu nay vùng này chưa được quân tâm đầy đủ.
Cứ nhìn vào thực tế đầu tư xây dựng trường lớp ở ĐBSCL thời gian qua sẽ phần nào thấy rõ. Một lãnh đạo trong vùng đã từng than thở trước một cuộc hội thảo lớn rằng, những chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp ở ĐBSCL thời gian qua mới chỉ tập trung vào xây dựng phòng học chứ không phải đầu tư xây dựng trường học. Cách đầu tư nhỏ lẻ này chẳng những không đủ sức vực dậy giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong toàn vùng mà còn làm lãng phí rất lớn nguồn tài chính của Nhà nước vì thiếu sự đồng bộ nên không phát huy hiệu quả như mong muốn.
Xem ra, để có thể xoá "vùng trũng giáo dục" ở ĐBSCL không phải chỉ là chuyện mỗi năm xây được bao nhiêu phòng học hay trang bị được bao nhiêu máy vi tính mà phải nghĩ cả đến việc học sinh sẽ sử dụng nó như thế nào nếu các em không đủ điều kiện để đến trường.
Từ những hối thúc cấp tập của ổn định xã hội, việc tạo một đường băng để giáo dục, đào tạo và dạy nghề ĐBSCL cất cánh không thể chần chừ thêm nữa. Nhưng, để có thể lay chuyển được tình hình có lẽ một mình ĐBSCL không thể làm nổi, rất cần một quyết tâm chính trị để có sự tiếp sức đặc biệt từ chính sách.
---------------------------------------------------
Tác giả: Thu Hà // Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com