Hà Nội đã có hơn 10 năm phát triển RAT nhưng đến nay vẫn chưa thiết lập quy trình khép kín trong sản xuất và tiêu thụ |
Với hi vọng chấm dứt sự phát triển manh mún đồng thời thiết lập quy trình sản xuất – tiêu thụ rau an toàn khép kín và đảm bảo tiêu chí kỹ thuật, an toàn. Đề án phát triển rau an toàn (RAT) trên địa bàn TP đến năm 2015 đã được Hà Nội phê duyệt từ năm 2009 với sự chuẩn bị công phu, chi tiết; tổng số tiền đầu tư có thể lên đến 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn một năm qua nhìn lại, kết quả đạt được khá khiêm tốn. Một số mục tiêu đặt ra trong đề án chưa được hoàn thành đã và đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện.
Chưa dự án nào cho ra sản phẩm
Đến đầu tháng 8/2010, cả thành phố mới có 16 dự án xây dựng vùng RAT tập trung trình các sở và UBND TP với tổng diện tích 1.925 ha. Trong đó có 3 dự án với 187 ha được TP phê duyệt, một số khác đang phải điều chỉnh; 6 dự án tại Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Cty Phú Tam Nông và Liên danh MVAT với tổng diện tích đề xuất là 1.286 ha đang ở giai đoạn trình và thẩm định hồ sơ lập dự án...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn HN, nhiều dự án do cán bộ trực tiếp lập dự án không sâu sát, làm chỉ để cho có nên dự án không có tính khả thi, trình lên nhưng không được xem xét, phê duyệt. Dự án tại Tráng Việt, Mê Linh là một điển hình. Được trình sớm (từ tháng 1/2009) nhưng do không phân công nhiệm vụ rõ ràng, cán bộ thực hiện không hiểu trình tự thủ tục dự án nên đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Cá biệt, tại Song Phương, Tiền Yên (Hoài Đức) hay Hương Ngải (Thạch Thất) do hoàn thiện hồ sơ chậm nên ngay cả chủ trương đầu tư cũng chưa được phê duyệt.
Chính quyền địa phương một số xã, phường còn ngại va chạm, nên sự phối hợp với cơ quan chuyên môn để phát hiện, xử lý vi phạm còn rất hạn chế, hiệu quả chưa cao.. Ông Trịnh Duy Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP không giấu được sự sốt ruột: “Những vấn đề này, nếu không được tập trung tháo gỡ thì đề án vẫn chỉ là... đề án”.
Khó dung hòa lợi ích
Hà Nội đã có hơn 10 năm phát triển RAT nhưng đến nay vẫn chưa thiết lập quy trình khép kín trong sản xuất và tiêu thụ để đưa RAT đến với rộng rãi người tiêu dùng. Vì vậy, trong đề án lần này, TP khuyến khích các DN vào đầu tư sản xuất theo quy mô lớn, có quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, các DN được UBND TP HN giới thiệu các địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất rau sạch đều gặp khó khăn. Phó Chủ tịch UBND TP lên tiếng về vấn đề này và đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Đó là trường hợp của DN Tôn Kin. Được giới thiệu 3 địa điểm nhưng Tôn Kin đều không thể triển khai vì gặp một loạt rào cản cho dù đơn vị này cam kết bao tiêu tất cả sản phẩm. Tại Sóc Sơn, Tôn Kin không nhận được sự ủng hộ của nông dân bởi giá trị thu được từ trồng rau thấp hơn từ trồng hoa. Một số nơi khác, bà con để đất chờ đợi các dự án khác của thành phố để có mức đền bù cao hơn là trồng rau...
Ngoài ra, các thủ tục để triển khai dự án trồng rau cũng gặp nhiều khó khăn. Những hạng mục phụ trợ như đường giao thông, nhà kho, nhà sơ chế cũng phải lập dự án riêng, trình cơ quan thành phố thẩm định mất nhiều thời gian, khiến các nhà đầu tư nản. Chưa kể, một lỗi kỹ thuật phải mất 5 – 6 tháng để thẩm định hay chỉ xây dựng một máy biến áp mà cũng phải lên Điện lực thành phố xin thỏa thuận cũng đủ khiến nhà đầu tư nản.
Chưa có những chính sách hấp dẫn để tạo sức hút cho DN thì chuyện làm thế nào để dung hòa lợi ích giữa nông dân – những người sản xuất trực tiếp bám đồng ruộng với DN – những người tham gia kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm lại không phải là dễ thực hiện. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Khương - Phó Giám đốc Sở KHĐT cho rằng: DN phải hiểu nông dân, phải chia sẻ lợi ích với nông dân thì dự án mới thành công. Nông dân làm ra sản phẩm thì chỉ quan tâm tới việc bán ở đâu, giá thế nào. Thị trường nào tốt thì họ sẽ theo. Để tham gia vào dự án RAT thì lợi nhuận phải cao hơn rau thường, họ mới tham gia.
(Theo Hạnh My - Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com