Nếu không muốn bị mắc bẫy thu nhập trung bình, trong xây dựng Chiến lược phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam cần bắt đầu tính toán đến điều này. Phải cải cách mạnh mẽ, chứ không phải cải cách đơn giản như trước đây - TS Homi Kharas, Viện Nghiên cứu Brookings, Hoa Kỳ trao đổi với Thủ tướng Việt Nam, các học giả, nhà nghiên cứu chính sách cao cấp tại hội thảo ở Hà Nội ngày 18/8. Chiến lược phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2011 - 2020 đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế lớn ở Việt Nam. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chiến lược đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân theo đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD, thu nhập thức tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với hiện tại. Thay chiến lược tăng trưởng TS Homi Kharas lưu ý đặc biệt Việt Nam về nguy cơ bẫy thu nhập trung bình, hay được hiểu là tình trạng bị "kẹt" bởi chất lượng tăng trưởng của mình. Việt Nam đã đạt tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ qua, thể hiện rõ từ việc chuyển từ một quốc gia nghèo lên thu nhập trung bình. Nền sản xuất hàng hóa thương phẩm và hàng hóa chế tạo được trả lương thấp nhưng vẫn có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam hiện chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình nhưng có thể tiến vào "vùng nguy hiểm" của cái bẫy đó trong một thập kỷ tới. Theo ông Kharas, nếu không muốn bị mắc bẫy, ngay từ bây giờ, trong xây dựng Chiến lược phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam cần tính toán đến điều này. Bởi lẽ, các giải pháp để tránh bẫy như giáo dục tiên tiến, năng lực hấp thu kỹ năng và công nghệ, các đô thị hiệu quả, các thể chế để quản lý bất bình đẳng và các rủi ro, pháp quyền... phải được thực hiện không phải bằng "một cái phẩy tay". "Các giải pháp để không rơi vào bẫy không chỉ giải quyết bởi cải cách đơn giản như đã từng làm khi còn ở mức phát triển thấp như tự do hóa, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Mà khi đã đạt mức thu nhập trung bình và để tránh bẫy thì cải cách phải trở nên mạnh mẽ và triệt để hơn như tiến bộ mới trong giáo dục, năng lực hấp thu kỹ năng công nghệ mới, thể chế tốt hơn. Việc này sẽ mất nhiều thập kỷ để giải quyết", ông giải thích. Trong môi trường toàn cầu mới, Việt Nam cần thay đổi chiến lược tăng trưởng của mình. TS Kharas cho rằng, tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào tín dụng. Tỉ lệ tín dụng/GDP lớn và mang khả năng dễ bị tổn thương nên phải có cơ chế tránh khủng hoảng. Bên cạnh đó, tăng trưởng phụ thuộc vào các tập đoàn kinh tế lớn, ít đổi mới, sáng tạo và tích lũy, ngành hậu cần và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, bong bóng bất động sản ở thành phố lớn lại phổ biến. Trong chiến lược xây dựng, phải đầu tư cho một số ngành kinh tế mũi nhọn có cơ hội phát triển tốt hơn chứ không dàn trải cho toàn bộ nền kinh tế, chuyển từ tích lũy sang đổi mới và sáng tạo dựa trên công nghệ và kỹ thuật, giải quyết quan liêu hành chính.... Về xuất khẩu, TS Kharas cho rằng trong thập kỷ tới, đây vẫn là công cụ quan trọng, không chỉ mang lại thu nhập mà cả công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cần xem xét các ngành xuất khẩu có dựa trên xuất khẩu bền vững hay không. "Việt Nam đã tăng trưởng tốt nên nhiều tổ chức muốn cho Việt Nam vay và đương nhiên các chương trình vay có vẻ dễ dàng. Nhưng Việt Nam cần thận trọng hơn trong cách tiếp cận. Sẽ không phải con đường lâu dài nếu khuyến khích mọi người tới Việt Nam và nói rằng chúng tôi giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu. Xuất khẩu không phải là điểm cuối của câu chuyện mà còn vấn đề việc làm, công nghệ, ảnh hưởng chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ... Xuất khẩu có thể tăng cường mối liên hệ giữa nhà chế tạo trong nước và thị trường bên ngoài. Do đó, Việt Nam phải đưa ra chỉ số phát triển rõ ràng để xem xét tác động của xuất khẩu như thế nào, từ đó đưa ra ưu đãi có phù hợp cho doanh nghiệp hay chỉ là trợ cấp tốn kém của chính phủ", TS Kharas nói. Điểm gút: công nghiệp hỗ trợ Làm thế nào để xây dựng một chính sách công nghiệp phù hợp với các lợi thế so sánh của Việt Nam và giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình? Giáo sư Ohno từ Diễn đàn Phát triển Việt Nam cho rằng công nghiệp hỗ trợ là xuất phát điểm phù hợp với Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết vấn đề con người, hậu cần, marketing đến nay vẫn còn chậm trễ. TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện chiến lược công nghiệp đồng tình với GS Ohno rằng công nghiệp hỗ trợ chính là "điểm gút", cũng là điểm khởi động công nghiệp Việt Nam để tiếp cận công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Ông Tuất nhận định công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp rút ngắn quá trình vì là nơi "thúc đẩy tái cơ cấu, giá trị gia tăng cao, đội ngũ lao động được rèn luyện". Chỉ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.TS Homi Kharas trao đổi với đồng nghiệp. Ảnh: XL
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com