Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Định hướng kế hoạch 2011

Sự hồi phục vững chắc của nền kinh tế trong năm 2010 là nền tảng căn bản để Việt Nam xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 với mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%.
 
Các chỉ tiêu kế hoạch đầu tiên của năm 2011 đã bắt đầu hé lộ, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi tới các bộ, ngành, địa phương Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Theo Khung hướng dẫn này, mục tiêu tổng quát trong năm 2011 là phải nỗ lực phấn đấu thúc đẩy sản xuất phát triển, lấy lại đà tăng trưởng của nền kinh tế trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.

Nếu chỉ tính tới các chỉ tiêu kinh tế, có thể nhận thấy những kỳ vọng lớn đối với mục tiêu “lấy lại đà tăng trưởng” mà Chính phủ đã nhắc tới trong chỉ thị mới đây. Tiếp tục đà hồi phục, với tăng trưởng GDP trong năm 2010 được dự báo ở mức 6,5-6,8%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2011 vào khoảng 7-7,5% so với năm trước. Nếu tính theo giá thực tế, GDP sẽ vào khoảng 2.231.000 - 2.252.000 tỷ đồng, tương đương 112 tỷ USD (tỷ giá 20.000 VND/USD). Khi đó, GDP bình quân đầu người khoảng 1.270 USD.

Các chỉ tiêu khác, đó là giá trị tăng thêm của ba khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ tương ứng là 2,5-3%; 7,5-8,2% và 8,2-8,5%. Tất cả các chỉ tiêu này đã tăng đáng kể so với năm 2010.

Tương tự như vậy, sau khi dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng 12-13% so với năm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi xây dựng Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm 2011, đã đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 70,4-71,7 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm 2010.

Trong khi đó, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội sẽ tiếp tục được huy động ở mức cao, khoảng 930.000 tỷ đồng, bằng 42% GDP, tăng 15,5% so với ước thực hiện năm 2010.

Còn chỉ tiêu lạm phát, tiếp tục sẽ được kiềm giữ ở mức tương đương năm 2010, tức là dưới 8%. Với chỉ tiêu này, dường như, Chính phủ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng liên quan tới các cân đối vĩ mô, trong Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán rằng, bội chi ngân sách năm 2010 sẽ khoảng 5,5% GDP. Trong khi đó, với tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến khoảng 86 tỷ USD, thâm hụt cán cân thương mại sẽ ở mức 14,3-15,6 tỷ USD, tiếp tục đứng ở mức cao so với kim ngạch xuất khẩu: bằng 20-22,2%. Còn cán cân thanh toán tổng thể, sẽ thặng 1,3 tỷ USD và có được sự thặng dư này, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do cán cân vốn dự báo thặng dư ở mức khá cao - 11,4 tỷ USD. Đóng góp cho thặng dư vốn là tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng vay nợ trung và dài hạn, trong đó bao gồm cả phần vốn ODA.

Lý giải cho các chỉ tiêu, dù hiện tại chỉ mang tính định hướng, nhưng khá cao so với kết quả dự báo đạt được trong năm 2010, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, là do, sau khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn phát triển với nhiều cơ hội mới. Trong khi đó, ở trong nước, nền kinh tế đang có xu hướng phục hồi khá nhanh trên tất cả các ngành, lĩnh vực, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; môi trường đầu tư được cải thiện; thị trường trong nước có dấu hiệu khởi sắc…

Quả thực, kết quả kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế đang phục hồi khá nhanh, thậm chí nhanh hơn dự báo. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm và đó là nền tảng thuận lợi để Việt Nam bước vào năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn luôn tiềm ẩn, bởi ngay cả nền kinh tế toàn cầu, dù đã dần bước ra khỏi cuộc khủng hoảng, song nguy cơ bất ổn vẫn còn. Bởi vậy, trong Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục đề xuất các giải pháp chính sách nhằm duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh các giải pháp quan trọng, đã và đang được thực hiện, như tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp…, năm 2011, lại một lần nữa, việc thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng của nền kinh tế được nhắc tới.

Điều đáng quan tâm là, cùng với việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu của Chính phủ, việc xây dựng các Đề án Phát triển kinh tế vùng theo hướng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng; khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng; tăng cường sự liên kết giữa các vùng, cũng như giữa các địa phương nội vùng… cũng sẽ được thực hiện, để từ đó có thể nghiên cứu hình thành mô hình tổ chức quản lý phát triển vùng để có thể thực hiện thí điểm vào những năm tiếp theo.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • Phát huy lợi thế kinh tế biển
  • Tập trung một đầu mối cấp giấy phép DN kiểm toán
  • Ứng phó biến đổi khí hậu: Phát triển kinh tế theo hướng carbon thấp
  • Chuẩn bị điều kiện cho thị trường điện cạnh tranh
  • Điều hành giá 6 tháng cuối năm: Kiểm soát chặt giá hàng hóa thiết yếu
  • Cựu Tổng thống Bill Clinton nói về quan hệ Mỹ - Việt
  • Báo Mỹ viết về Việt Nam: Rồng nhỏ, bước đi lớn
  • Kinh tế Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn nhất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi