Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Kiểm toán độc lập so với quy định hiện hành là Bộ Tài chính cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
![]() |
Kiểm toán là dịch vụ đặc biệt, mang tính chứng thực, đem lại lòng tin cho công chúng về các thông tin kinh tế, tài chính của các đơn vị, tổ chức - Ảnh minh họa |
Như quy định hiện nay, Bộ Tài chính chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho kiểm toán viên và quy định điều kiện kinh doanh, còn doanh nghiệp kiểm toán thành lập và đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tiếp tục bài phân tích về dự Luật Kiểm toán độc lập trong đó có lý giải vì sao lựa chọn Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép, quản lý quá trình hoạt động, kiểm tra, giám sát chất lượng DN kiểm toán, Tiến sỹ Đinh Dũng Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Chuyên viên pháp luật Phạm Thúy Hạnh (Văn phòng Chính phủ) viết:
Kiểm toán là ngành kinh doanh có điều kiện, người thực hiện dịch vụ kiểm toán phải là người có chứng chỉ hành nghề, phải tuân thủ chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp. Kiểm toán là dịch vụ đặc biệt, mang tính chứng thực, đem lại lòng tin cho công chúng về các thông tin kinh tế, tài chính của các đơn vị, tổ chức. Hoạt động kiểm toán có ảnh hưởng lớn đến công chúng, đặc biệt là số đông các nhà đầu tư, nên cần phải được quản lý và giám sát chặt chẽ thông qua việc cấp phép thành lập và hoạt động.
Mặt khác, đối tượng của kiểm toán chủ yếu là báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở bất cứ đâu cũng có thể là đối tượng của kiểm toán chứ không phải chỉ trong địa bàn đóng trụ sở, vì thế hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán không gắn với địa phương mà thường là hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Bởi vậy, để đảm bảo chất lượng kiểm toán, người hành nghề kiểm toán phải được đào tạo cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định, phải được kiểm gia, giám sát chất lượng hành nghề bởi cơ quan có lực lượng chuyên môn và có đủ thẩm quyền. Mô hình các nước cũng cho thấy việc cấp phép kiểm toán hầu hết cũng tập trung vào các cơ quan chuyên môn ở cấp quốc gia chứ không quản lý tản mạn ở các địa phương, như Singapore, Australia, Malaysia, Hà Lan,...
Hoạt động kiểm toán có ảnh hưởng lớn đến công chúng, đặc biệt là số đông các nhà đầu tư, nên cần phải được quản lý và giám sát chặt chẽ thông qua việc cấp phép thành lập và hoạt động |
Hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 150 doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện hoạt động (theo quy định hiện hành chỉ yêu cầu đủ 3 kiểm toán viên). Bộ Tài chính dự báo số lượng doanh nghiệp kiểm toán đến năm 2020 cũng chỉ khoảng 400-500 doanh nghiệp. Chưa kể xu hướng hiện nay để đảm bảo năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp kiểm toán có xu hướng sáp nhập để nâng cao quy mô hoạt động. Do vậy, số lượng doanh nghiệp kiểm toán chưa thể tăng quá nhanh đến mức không quản lý được.
Vì vậy, cần thiết để Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước có đội ngũ chuyên môn sâu, thẩm quyền quản lý trên toàn quốc trong việc thực hiện quản lý toàn diện từ việc cấp phép thành lập, quản lý quá trình hoạt động, kiểm tra, giám sát chất lượng, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ kiểm toán.
Chế tài tăng hiệu quả, chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán
Theo dự Luật thì điều kiện để thành lập doanh nghiệp cũng như trong quá trình hoạt động là doanh nghiệp kiểm toán phải bảo đảm ít nhất có 5 kiểm toán viên hành nghề ký hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho doanh nghiệp kiểm toán, bao gồm cả Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (quy định hiện nay là chỉ cần 3 kiểm toán viên hành nghề). Sau 6 tháng liên tục nếu doanh nghiệp kiểm toán không bảo đảm điều kiện này thì phải ngừng cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Bộ Tài chính dự báo số lượng doanh nghiệp kiểm toán đến năm 2020 cũng chỉ khoảng 400-500 doanh nghiệp |
Thực tế hiện nay là một kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán ở nhiều doanh nghiệp kiểm toán khác nhau, nhưng không bảo đảm được chất lượng của báo cáo kiểm toán. Bởi thế, việc tăng số lượng kiểm toán viên hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán là hợp lý nhằm nâng cao chất lượng của dịch vụ kiểm toán, tránh trường hợp 1 kiểm toán viên hành nghề phải ký và chịu trách nhiệm quá nhiều báo cáo kiểm toán hoặc tình trạng 1 kiểm toán viên có thể hành nghề ở nhiều doanh nghiệp kiểm toán, dẫn đến chất lượng kiểm toán thấp và gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý.
Có nên quy định kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp?
Theo quy định của dự thảo Luật Kiểm toán độc lập, một trong những điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán là kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên (bắt buộc) của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên quy định kiểm toán viên hành nghề bắt buộc phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, vì kiểm toán viên hành nghề có quyền tham gia hoặc không tham gia tổ chức nghề nghiệp.
Có thể thấy, quy định như dự thảo Luật là cần thiết nhằm nâng cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp trong việc hỗ trợ cơ quan nhà nước một số hoạt động quản lý như: tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các kiểm toán viên; kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán; thậm chí sau này có thể giao cho tổ chức nghề nghiệp nhiệm vụ tổ chức việc thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho kiểm toán viên như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Chúng ta có thể thấy rằng, việc kiểm toán viên hành nghề (là những người ký báo cáo kiểm toán) tham gia tổ chức nghề nghiệp là quyền, nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ của kiểm toán viên khi tham gia hành nghề để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán và tính trách nhiệm nghề nghiệp của kiểm toán viên. Quy định này cũng tương tự như quy định hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay và thông lệ áp dụng ở các nước như Australia, Anh, Singapore, Trung Quốc.
(Theo TS. Đinh Dũng Sỹ Phạm Thúy Hạnh // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com