Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát huy lợi thế kinh tế biển

Mối quan tâm của các tập đoàn cảng biển lớn trên thế giới tới Việt Nam đang tăng điểm cho lợi thế từ phía Đông của Việt Nam.
 
Trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư kinh tế biển Việt Nam 2010 do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và UBND TP. Hải Phòng phối hợp tổ chức diễn ra ngày hôm nay (9/7/2010), Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, chỉ tính riêng tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đã có tới 10 cảng container lớn đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài.

Với riêng Khu vực Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một trong những địa điểm được xác định sẽ phát triển mạnh hệ thống cảng nước sâu, đã có khoảng 20 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như HIT của Hongkong (Trung Quốc), SSA của Mỹ, CMA-CGM của Pháp… xin đầu tư xây dựng cảng.

Khu vực Hiệp Phước của TP.HCM tuy mới trong giai đoạn nạo vét, thông luồng Soài Rạp, luồng tàu biển chính của TP.HCM trong tương lai, song Dubai World -  tập đoàn cảng, biển đứng hàng thứ 2 trên thế giới-  cũng đã có mặt.

Tại khu vực phía Bắc, bên cạnh khoảng 30 doanh nghiệp hiện đang kinh doanh dịch vụ cảng biển tại khu vực Hải Phòng, các nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến việc đầu tư phát triển cụm cảng Lạch Huyện. Theo quy hoạch đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Cảng cửa ngõ Lạch Huyện giai đoạn khởi động và giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng Lạch Huyện (Cát Hải-Hải Phòng) sẽ trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực miền Bắc, đủ sức tiếp nhận tàu container 6.000 TEU hoặc tàu chở hàng tổng hợp từ 80.000 tấn trở lên.

“Đây là một tín hiệu rất tốt cho hoạt động cảng biển Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, nhất là khi hoạt động xuất nhập khẩu của đất nước chủ yếu là bằng đường biển với mức tăng khoảng 20%/năm, trong đó hàng container tăng 25%/năm”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phân tích. Điều quan trọng, theo ông Hoàng, chính các tập đoàn này, với tầm ảnh hưởng mang tính quốc tế sẽ thu hút một lượng khách hàng không nhỏ đến cho Việt Nam, kết nối Việt Nam với thương trường thế giới, một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển hệ thống cảng biển, nhất là cảng container, thành những cảng mang tầm vóc khu vực và quốc tế.

Cơ hội từ biển với nền kinh tế Việt Nam rất lớn khi cứ trung bình 100 km2 đất liền của Việt Nam có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần so với mức trung bình của thế giới. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển...  Ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt 47- 48% GDP của cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu đặt ra là kinh tế trên biển và ven biển sẽ đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.

Tuy nhiên, hiện tại, trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. Điều quan trọng là vị trí địa lý của bờ biển Việt Nam trong khu vực dường như chưa được phát huy đủ tầm.

Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội từ biển của Việt Nam đang gặp rào cản không nhỏ, không chỉ từ việc thiếu các quy hoạch phát triển của các ngành mà quan trọng là thiếu sự liên kết. Chỉ nhìn đơn giản vào mạng kết nối trong vận tải biển, nếu hệ thống đường giao thông Bắc – Nam, hệ thống giao thông nối liền các thành phố ven biển, các khu kinh tế ven biển và với cả những vùng sản xuất sâu vào bên trong, và đặc biệt là nối với tuyến đường xuyên Á để các nguồn hàng đổ về vùng cảng biển chưa được phát triển đầy đủ, cơ hội để Việt Nam trở thành điểm điểm trung chuyển cho cả khu vực sẽ khó khai thác được.

Sự thiếu hụt này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới việc kêu gọi, thu hút đầu tư của các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Một quy trình khá tự nhiên là khi có hệ thống giao thông kết nối tốt thì các khu kinh tế ven biển hay trong lục địa sẽ mọc lên một cách tất nhiên để tận dụng cơ hội. Khi đó, việc quy hoạch trước về mặt bằng, điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở tiện ích của các địa phương sẽ thúc đẩy các điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đến làm ăn. Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, sự đi trước của nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp khi giao thông kết nối chưa tốt là một trong những lý do cản trở tiến độ lấp đầy diện tích các khu kinh tế, khu công nghiệp này.

Được biết, Hải Phòng đang tập trung cao cho việc triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng lớn như: Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Dự án Xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Dự án Nâng cấp Sân bay Cát Bi; Dự án Hạ tầng dịch vụ cảng tại Cát Hải...  Cùng với đó, PGS- TS Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang chuẩn bị các điều kiện để xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển từ Thanh Hoá- Ninh  Bình- Thái Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh cũng như các khu công nghiệp, đô thị ven biển.

Có thể thấy, với các kế hoạch kết nối này, cơ hội của kinh tế biển khu vực biển phía Bắc đang được nhân rộng. Tuy nhiên, sẽ rất khó bàn về tính khả thi nếu chỉ thấy có tên Hải Phòng trong các kế hoạch hành động tới đây.

(Theo Khánh An // Báo đầu tư)

  • Tập trung một đầu mối cấp giấy phép DN kiểm toán
  • Ứng phó biến đổi khí hậu: Phát triển kinh tế theo hướng carbon thấp
  • Chuẩn bị điều kiện cho thị trường điện cạnh tranh
  • Điều hành giá 6 tháng cuối năm: Kiểm soát chặt giá hàng hóa thiết yếu
  • Cựu Tổng thống Bill Clinton nói về quan hệ Mỹ - Việt
  • Báo Mỹ viết về Việt Nam: Rồng nhỏ, bước đi lớn
  • Kinh tế Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn nhất
  • Điện thiếu là tại… thiếu tiền!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi