Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đo tác động của kích cầu

 


TS Tự Anh bình luận một số biện pháp cụ thể của chính sách kích cầu, trong đó tập trung vào những phản ứng không mong muốn hoặc không kiểm soát được từ phía thị trường

Khó nhất là cầu giảm mạnh

Cần hiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại đối với các doanh nghiệp, để từ đó xem các chính sách của Chính phủ đã giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực này như thế nào. Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra nhanh tháng 3.2009 đối với các doanh nghiệp sản xuất thuộc khu vực dân doanh ở Hà Nội và TP.HCM về các kênh tác động của khủng hoảng cũng như phản ứng của các doanh nghiệp này trước khủng hoảng.

Lý thuyết về những phản ứng phụ

Chính sách kích thích tiêu dùng


Đây là một biện pháp quan trọng, nếu thành công, sẽ trực tiếp giải toả bớt khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Chính phủ đã quyết định giảm 50% thuế VAT đối với 19 nhóm mặt hàng và hoãn thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong năm tháng đầu năm 2009. Các nhà làm chính sách cho rằng giảm thuế VAT sẽ giúp giảm giá bán, nhờ đó tăng cầu cho sản phẩm; còn hoãn thuế TNCN sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng, nhờ đó tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, những chính sách này có thể không kích được tiêu dùng vì phản ứng của họ có thể rất khác so với tính toán.

Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm là chính sách tỷ giá cố định trong khi VND bị định giá cao so với USD sẽ khuyến khích nhập khẩu hàng tiêu dùng. Hơn nữa, rất khác với Trung Quốc, nền kinh tế của Việt Nam nhỏ, lại có tỷ lệ nhập khẩu trong tổng tiêu dùng cao nên không thể kích cầu đơn giản chỉ bằng cách tăng chi tiêu vì khi ấy một phần lớn nhu cầu tăng thêm sẽ được thoả mãn bởi hàng nhập khẩu chứ ít có tác dụng kích thích sản xuất trong nước. Điều này càng đúng hơn khi trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ theo đuổi thị trường xuất khẩu nên không kịp điều chỉnh để quay lại thị trường nội địa khi cầu thế giới đột ngột sụt giảm.

Tương tự, việc miễn thuế TNCN trong năm tháng đầu năm 2009 thực chất là trợ cấp cho những người có thu nhập tương đối cao trong xã hội, mà xu hướng tiêu dùng của nhóm này chủ yếu là các hàng nhập khẩu chứ không phải là các hàng sản xuất trong nước.

Chính sách miễn, giảm, giãn thuế

Trong quý 4/2008 và cả năm 2009, Chính phủ cũng giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đồng thời giãn thuế trong thời gian chín tháng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Mặc dù chính sách này không trực tiếp giải quyết được vấn đề cơ bản của doanh nghiệp nhưng nhờ nó doanh nghiệp giảm được chi phí.

Tuy nhiên, có hai hạn chế lớn. Thứ nhất, nó không giúp được những doanh nghiệp thua lỗ vì đằng nào cũng không phải đóng thuế thu nhập. Thứ hai, cùng với chính sách giảm thuế VAT, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới ngân sách quốc gia vì hai loại này hiện chiếm tới khoảng 40% tổng nguồn thu của ngân sách.

Chính sách bù 4% lãi suất vay

Mục tiêu của chính sách này là giúp các đơn vị sản xuất – kinh doanh giảm giá thành sản phẩm, duy trì hoạt động và tạo việc làm.

Những hạn chế chủ yếu xuất phát từ tình trạng thông tin bất cân xứng (và những rủi ro tiềm tàng) vốn có giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) – đóng vai trò trung gian trong hoạt động bù lãi suất – với một bên là ngân hàng Nhà nước (NHNN) và bên kia là doanh nghiệp.

Tình trạng này khiến nhiệm vụ của NHTM trong việc bảo đảm khách hàng sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có hoạt động phức tạp và có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng. Hệ quả tất yếu là tình trạng “cho vay ảo” – tức là mặc dù khối lượng giải ngân theo chương trình hỗ trợ lãi suất 4% có thể rất cao nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống ngân hàng lại rất khiêm tốn. Nói cách khác, hoạt động vay vốn của doanh nghiệp chủ yếu nhằm mục đích đảo nợ, vốn không đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như mong muốn mà lại quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Chính sách hỗ trợ trả lương cho người lao động


Về mặt lý thuyết, khi một doanh nghiệp không thể trả được lương cho người lao động tức là doanh nghiệp này không thể bù đắp được chi phí biến đổi, và vì vậy nên đóng cửa. Hơn nữa, vì nguồn lực của Nhà nước là hữu hạn nên thay bằng việc kéo dài tình trạng chết lâm sàng của một doanh nghiệp không thể trả lương cho người lao động, Nhà nước nên dành khoản tiền đó hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang hoạt động và có khả năng trả lương cho công nhân.
 


Tác động trên thực tế

Nhìn chung, những lập luận lý thuyết trình bày ở trên được các doanh nghiệp điều tra xác nhận (xem bảng).

Vì số liệu cần thiết để đánh giá tác động của các chính sách kích cầu rất khan hiếm nên phần này chỉ tập trung đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho các khoản vay ngắn hạn.

Nhận định chung của các doanh nghiệp được điều tra là tác động của chính sách là vừa phải. Điều này có thể hiểu được vì các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn rẻ sẽ có thể đảo nợ hay dùng vốn cho các mục đích khác.

Nếu mục tiêu của chính sách hỗ trợ lãi suất 4% là cứu hay kéo dài thêm sự tồn tại của một số doanh nghiệp – những doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ – và thông qua đó gián tiếp hỗ trợ ngân hàng thì có thể nói chính sách này đã đạt được mục đích.

Còn nếu mục tiêu của việc hỗ trợ lãi suất là để kích cầu như kỳ vọng ban đầu thì những số liệu ban đầu cho thấy dường như chưa đạt được.

Tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng cho đến cuối năm 2008 vào khoảng 1,2 triệu tỉ đồng. Như vậy, nếu số tiền hỗ trợ lãi suất hơn 200 ngàn tỉ được chuyển hoàn toàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải làm tăng dư nợ tín dụng lên khoảng 16%. Tuy nhiên dư nợ tín dụng chỉ tăng trên 2%, chứng tỏ rằng phần lớn tiền đã quay ngược lại ngân hàng, có thể dưới hình thức phổ biến là đảo nợ, và vì lẽ đó không kích được cầu.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, động cơ vay mới với lãi suất thấp (5 – 6%) để trả các khoản nợ cũ với lãi suất cao hơn nhiều, nhờ đó tiết kiệm được trên dưới 10% lãi suất là điều hết sức tự nhiên. Cá nhân tôi không phản đối việc doanh nghiệp đảo nợ mà chỉ không đồng tình với việc đưa ra một chính sách mà không lường hết hệ quả ở cả tầm vi mô và vĩ mô, do vậy không có cơ chế kiểm soát để đảm bảo đạt được mục tiêu ban đầu.

Một số nhà bình luận về chính sách này cho rằng với đồng vốn rẻ hơn, doanh nghiệp có cơ hội hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh. Về lý thuyết điều này rất đúng, nhưng trên thực tế thì những số liệu về giá cả không hề cho chúng ta thấy điều này. Đồng thời, cũng khó có thể khẳng định sự cải thiện về năng lực cạnh tranh nếu nhìn vào kết quả xuất khẩu trong quý 1 của những ngành hàng quan trọng nhất. Trong khi đó, báo chí phản ánh rất nhiều về tình trạng DNVVN – khu vực tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp nhất cho nền kinh tế – than phiền là không thể tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.

Việc được cấp cứu bằng nguồn vốn rẻ vô hình trung đã làm trì hoãn việc tái cấu trúc doanh nghiệp và ngân hàng – một nhiệm vụ khó khăn, có thể nói là đau đớn, nhưng cần thiết. Như vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất đã làm lỡ một cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam để chuẩn bị cho sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Từ góc độ vĩ mô, chính sách này làm giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ vốn đã thiếu sức mạnh. Hơn nữa, đồng vốn dễ dãi nếu được sử dụng một cách kém hiệu quả sẽ có thể làm lạm phát quay trở lại, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam và thế giới hồi phục trở lại, vì những nguyên nhân có tính cơ cấu của lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó, vì không kích được cầu và vì khu vực DNVVN khó tiếp cận với chính sách nên cũng không tạo ra được nhiều việc làm mới, dẫn đến tình trạng thất nghiệp và thiểu dụng lao động gia tăng.
 

Theo TS Vũ Thành Tự Anh // SGTT Online

(Trích tham luận hội thảo “Cơ hội của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”)

  • Giải pháp quan trọng để thoát khỏi khủng hoảng:Tái cơ cấu nền kinh tế
  • 15 năm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Kích cầu dễ dẫn tới xin - cho, bao cấp
  • Chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 11,59% so với năm 2008
  • Dấu hiệu kinh tế phục hồi: Cần tránh “ông nói gà, bà nói vịt”
  • Khủng hoảng kinh tế: Cơ hội tái cơ cấu công nghiệp
  • Khẳng định chỗ đứng tại thị trường nội địa : Hướng đi nào cho doanh nghiệp?
  • Tận dụng cơ hội đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi