Tỷ trọng giá trị tăng thêm (VA) trên tăng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp điện tử và CNTT chỉ đạt tỷ lệ 13,81% trong suốt 5 năm 2001 - 2005 vì DN VN chủ yếu chỉ lắp ráp |
Khủng hoảng là rủi ro, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại một cách hệ thống những vấn đề liên quan cả trong ngắn hạn và cho tầm nhìn dài hạn. Để các giải pháp kích thích kinh tế đạt hiệu quả, chúng ta cần soát xét lại các cơ sở thực tiễn của thực trạng phát triển công nghiệp. Từ đó, đưa ra định hướng cho các chính sách, gắn với yêu cầu tăng tỷ trọng giá trị tăng thêm (VA) và tăng giá trị sản xuất công nghiệp (GO).
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp vẫn phát triển theo bề rộng, theo hướng gia công, lắp ráp là chủ yếu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp luôn cao hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm.
Thực tế phát triển công nghiệp 2000 - 2008
Thời kỳ 2001-2005, giá trị tăng thêm (VA) của sản xuất công nghiệp tăng trung bình 10,11%/năm, VA dịch vụ tăng 5,75% và VA nông nghiệp tăng 4,3%, trong khi đó GDP cả nước chỉ tăng 7,3%. Giai đoạn 2006-2007, VA công nghiệp tăng trung bình 10,27%/năm. Rõ ràng công nghiệp thực sự đã là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Sang năm 2008, VA công nghiệp giảm chỉ còn 8,14%, lý do vì chi phí đầu vào tăng nhanh làm cho hiệu quả sản xuất giảm.
Trong thời gian này, chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế trong ngành công nghiệp đã diễn ra theo chiều hướng: Công nghiệp quốc doanh có xu hướng giảm từ 34,16% năm 2000 xuống 16,5% năm 2008. Công nghiệp ngoài quốc doanh có tăng nhanh từ tỷ trọng 24,55% (năm 2000) lên 33,1% (năm 2008). Công nghiệp có FDI năm 2000 chiếm tỷ trọng 41,3%, năm 2008 chiếm 45,6%. Công nghiệp khai thác có tỷ trọng giảm dần từ 15,78% năm 2000 giảm xuống còn 8,52% năm 2008. Công nghiệp chế biến có tỷ trọng tăng dần từ 78,68% năm 2000 tăng lên 86,36% năm 2008. Tuy nhiên, công nghiệp vẫn phát triển theo bề rộng, chủ yếu là gia công, lắp ráp. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (GO) luôn cao hơn tốc độ tăng VA. Tỷ lệ VA/GO cho thấy công nghiệp khai thác có trị số cao nhất (62,9%), công nghiệp điện tử và CNTT có trị số tỷ lệ này thấp nhất (13,81%), ngành luyện kim chủ yếu là gia công phôi nên tỷ lệ này cũng rất thấp (14,18%). Ngoài ra, tỷ trọng VA/GO liên tục giảm. Mặt khác, hệ số ICOR công nghiệp (theo giá hiện hành) ngày càng tăng, từ 2,29 (năm 2000) lên 2,34 năm 2005, 3,14 năm 2006 và 3,56 năm 2007. Điều này chứng tỏ hiệu quả đầu tư ngày càng giảm sút. Trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển công nghiệp, thì vốn đầu tư của Nhà nước chiếm từ 38-52% tổng vốn đầu tư tuỳ theo từng năm, vốn đầu tư nước ngoài từ 24-32,5%, vốn đầu tư khu vực dân doanh chiếm từ 21-29,5%.
Thay đổi chính sách để kích thích công nghiệp
Kích thích CN cần phải theo hướng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nhằm nâng cao tỷ trọng VA/GO. Phân tích số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng các ngành công nghiệp có tỷ lệ VA/GO cao ngày càng giảm (công nghiệp khai thác giảm 6,93 % sau 12 năm, sản xuất vật liệu xây dựng giảm 2,75%, chế biến nông sản giảm 6,29%). Trong khi các ngành công nghiệp có tỷ lệ VA/GO thấp lại phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao (cơ khí tăng 9,9 điểm %; điện tử tăng 1,57 điểm %; hoá chất tăng 3,44 điểm %...). Sự chuyển dịch cơ cấu ngành là tất yếu theo xu thế phát triển và hội nhập. Nếu như tỷ trọng các ngành khoáng sản giảm là do yếu tố khách quan thì sức tăng VA chậm của các ngành chế biến lại có yếu tố chủ quan, làm cho tỷ trọng VA/GO và tốc độ tăng VA giảm liên tục.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu thành phần theo hướng tăng tỷ trọng khu vực tư nhân và FDI, giảm khu vực nhà nước. Công nghiệp quốc doanh giảm, công nghiệp ngoài quốc doanh và có vốn FDI tăng trong những năm qua, nhưng lại không cải thiện được tỷ trọng VA/GO. Vì việc xác định giá trị DN trong quá trình CPH thời kỳ đến 2005 thường dẫn đến đánh giá thấp giá trị thực tế, làm thất thoát đáng kể tài sản nhà nước. Dù các DN sau CPH có tốc độ tăng trưởng nhanh, VA cao nhưng thực ra là thừa hưởng giá trị từ quá khứ. Bên cạnh đó, các DN ngoài quốc doanh mới thành lập nhiều từ sau khi có Luật DN năm 2000 đã làm cho GO tăng mạnh nhưng hiệu quả không cao nên VA tăng chậm hơn làm cho VA/GO giảm. Dù tích cực thúc đẩy CPH, tuy nhiên mức trang bị vốn, quy mô của khu vực này vẫn lớn, nhưng hiệu quả không cao nên làm cho mức tăng VA chậm trong khi GO lại lớn (do đầu tư nhiều), từ đó đã “kéo” tỷ trọng VA/GO toàn ngành CN giảm. Khu vực FDI có tốc độ tăng GO cao nhưng do đầu tư chủ yếu vào các nhóm ngành có VA thấp nên GO tăng càng cao thì tỷ trọng VA/GO càng thấp.
Hiện nay, sự dịch chuyển cơ cấu thành phần mới chỉ đạt được mục tiêu tăng nhanh, nhưng chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng chưa đạt được. Hiện tượng này đã được các nhà nghiên cứu kinh tế gọi là hiện tượng “Tăng trưởng bần cùng hoá” (càng tăng trưởng thì chất lượng tăng trưởng càng giảm).
Mặt khác, cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu quy mô. Dù chủ trương hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh là đúng đắn. Tuy nhiên, do các thiết chế quản lý chưa đồng bộ nên việc ghép cơ học các DN lại đã tạo ra quy mô hình thức lớn nhưng lại là nguyên nhân làm cho khu vực này kém linh hoạt, kém hiệu quả hơn. Xu hướng tổ chức sản xuất khép kín sẽ là nguy hiểm vì đây là loại hình tổ chức CN kém hiệu quả nhất, đi ngược lại với nguyên tắc phân công chuyên môn hoá, đặc biệt là sự phân công hiệp tác hoá trong quá trình hội nhập. Các Cty lớn thường ngộ nhận là tự mình sản xuất được càng nhiều trong nội bộ thì càng chủ động và nhờ đó càng hiệu quả. Nhưng đây là quan niệm đã bị thực tiễn quản trị hiện đại loại bỏ bởi càng khép kín thì càng lãng phí do không đồng bộ được nguồn lực ngay trong nội tại công ty, nói cách khác sự kém hiệu quả xảy ra ngay trong chính sự khép kín đó. Mặt khác, tổ chức sản xuất khép kín là đi ngược lại với xu hướng hội nhập và phân công chuyên môn hoá, vô hình trung cản trở áp dụng KHCN mới vào sản xuất.
Do vậy, cần định hướng quy mô cho công nghiệp VN. Theo đó, các DNNVV cần được khuyến khích phát triển, tham gia độc lập vào các chuỗi giá trị sản xuất để nhanh chóng tham gia được vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia (MNC).
Cần thúc đẩy chuyển dịch theo quy trình công nghiệp, đặc biệt ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tính chung ở các hãng đa quốc gia trên thế giới, cứ 100 DN trong một chuỗi tham gia chế tạo sản phẩm cuối cùng thì có khoảng 95 DN thực hiện các hoạt động thuộc khu vực hỗ trợ, chỉ có 5 DN lắp ráp-sản xuất sản phẩm cuối cùng. Trong khi đó tỷ trọng DN ở VN tham gia vào khu vực hỗ trợ rất ít, chỉ chủ yếu sản xuất - lắp ráp do đó so với tổng giá trị thì phần VA của VN là thấp. Chẳng hạn, cả nước khoảng 2000 DN may, nhưng mới chỉ có chừng 250 DN hỗ trợ, tương tự như vậy ngành cơ khí chế tạo, ngành diện tử gia dụng cũng chủ yếu dừng lại ở lắp ráp. Đây là nguyên nhân bản chất của sự sụt giảm VA/GO trong CN thời gian qua.
Cần có một cơ quan mạnh làm đầu mối để xúc tiến phát triển CN hỗ trợ. Cơ quan này phải có cơ sở dữ liệu tốt về tình hình công nghiệp hỗ trợ của VN, của các nước xung quanh và đặc biệt là có đủ vị thế để “dàn xếp” việc “kết nạp” các DN VN vào các MNC.
Bên cạnh đó, cần thay đổi chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư. Kết quả thu hút đầu tư ở phạm vi quốc gia và các địa phương đạt được những thành tựu định lượng khá cao. Nhưng “chất lượng thu hút đầu tư” chưa thật sự được quan tâm. Hiệu ứng “chuyển dịch đàn sếu”, mà thực chất là “xuất khẩu sản xuất” công nghiệp hiệu quả thấp từ các nước phát triển sang các nước chậm phát triển đang diễn ra mạnh mẽ ở VN. Chúng ta đã đang tiếp nhận quá nhiều công nghiệp VA thấp vào đất nước. Biểu hiện của nhóm ngành này tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng, giá trị gia tăng thấp, thu hút ít lao động và chủ yếu là lao động phổ thông, gây tổn hại môi trường. Việc tiếp nhận dòng đầu tư công nghiệp đối với các nhóm ngành này không chỉ gây giảm VA/GO trước mắt, mà còn là nguy hại cho sự phát triển bền vững.
Cuối cùng, cần kiện toàn hệ thống quản lý ngành công nghiệp, VA có xu hướng giảm còn do thiếu sự hợp tác, liên kết trong toàn ngành. DN này đang thiếu năng lực thì ở nơi khác lại thừa năng lực sản xuất, thi công. Tuy nhiên, do tổ chức kiểu “khép kín” như trên nên năng lực hay nguồn lực luôn không cân đối, lãng phí xảy ra và hệ quả là VA thấp. Nguồn gốc sâu xa trước hết ở chỗ “nền công nghiệp” đang bị chia cắt và thuộc sự điều hành của nhiều bộ ngành khác nhau. Sự chia cắt này càng làm tăng xu hướng “khép kín” và đối lập với nó là sự thiếu liên kết trong toàn ngành. Có thể coi đây như biểu hiện sinh động nhất của kiểu tổ chức quản lý nền kinh tế quốc dân theo ngành Kinh tế-Kỹ thuật một cách khá cũ kỹ và còn là biểu hiện vẫn muốn có DN trong tầm làm “chủ quản” của các bộ ngành.
Kiến nghị và giải pháp
Giải pháp kích thích đầu tư vào công nghiệp cần tập trung vào 3 nhóm ngành sau: Một là công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất các sản phẩm dệt may, da giày. Hai là công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất các sản phẩm cơ khí như chế tạo máy chế biến nông sản, thiết bị điện... Ba là các chi tiết linh kiện cho ngành sản xuất điện tử gia dụng và điện tử văn phòng.
Về tổng thể, cần hướng sự kích thích vào tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, tái cơ cấu ngành cần được thực hiện theo hai hướng.
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các chính sách từ thu hút đầu tư, các chính sách tài chính tiền tệ, chính sách lao động tiền lương... đều tập trung cho việc khuyến khích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ít sử dụng tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm. Cần ban hành và công bố danh mục các ngành công nghiệp bị kiểm soát và hạn chế đầu tư, các ngành công nghiệp được khuyến khích. Công bố danh mục các ngành CN được kích cầu đầu tư, những ngành hạn chế đầu tư và đặc biệt là những ngành cần tạm thời cấm đầu tư. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu công nghệ bằng các quy định chặt chẽ điều kiện, loại CN được phép nhập khẩu. Khuyến khích áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, tiêu hao ít vật tư, năng lượng...
Thứ hai, tập trung phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Thành lập cơ quan đầu mối đủ mạnh để có chính sách, kế hoạch phát triển CNHT một cách nhất quán, hiệu quả. Thiết lập nhanh hệ thống cơ sở dữ liệu cho CNHT. Lựa chọn các nhóm ngành CNHT cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Dành quỹ đất cho các khu CNHT thí điểm, trước hết là ở các khu kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, cần phát triển nhân lực cho các ngành CN mới, khuyến khích hình thành hệ thống “vườn ươm” DN, xác định, lựa chọn các đối tác chiến lược cho ngành, cho các DN, thúc đẩy DN tham gia vào chuỗi gía trị các MNC với các giải pháp đồng bộ như nâng cao vai trò hoạt động của các tổ chức hiệp hội chuyên ngành... Kết nối các DN FDI với các DN nội địa trong việc sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ công nghệ. Xây dựng và ký kết các hợp đồng liên kết kinh tế với các quốc gia trong khu vực để phối hợp và tận dụng năng lực của nhau và để bước đầu tạo dựng cho DN tham gia vào chuỗi sản xuất kinh tế toàn cầu.
Những chính sách này cần được xây dựng và thực hiện trong sự kết hợp chặt chẽ với các chính sách kích thích phát triển toàn xã hội.
PGS TS Phan Đăng Tuất -
Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương.
(Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com