Các diễn giả đang thảo luận tại hội thảo bàn về việc những lợi ích khi Việt Nam trở thành thành viên CISG -Ảnh: Quốc Hùng |
Trở thành thành viên Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) của Liên hợp quốc, giao thương của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhiều hơn và các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đây là nhận định của các chuyên gia, luật sư trong và ngoài nước tại hội thảo "CISG - The Rule of Law" diễn ra tại TPHCM ngày 7-9, do Công ty EPLegal phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại học Ngoại thương tổ chức. Có hiệu lực từ ngày 1-1-1988, Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế đã trở thành công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất với sự góp mặt của 74 quốc gia bao gồm các cường quốc kinh tế như Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Nhật...và điều chỉnh hơn 2/3 khối lượng giao dịch hàng hóa quốc tế. Tại hội thảo, ông Matthias Duhn, Giám đốc điều hành Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam), cho rằng CISG được áp dụng ở Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa hiệu quả hơn, giải quyết tranh chấp nhanh gọn hơn. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc áp dụng CISG còn giúp tránh rủi ro bị áp đặt sử dụng hệ thống luật mà mình hoàn toàn không quen thuộc. Giáo sư Hiroo Sono thuộc trường Đại học Hokkaido (Nhật Bản) - đất nước vừa trở thành thành viên của CISG vào năm ngoái cũng đồng ý rằng việc tham gia CISG đem lại nhiều lợi ích về chi phí và tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp mà lợi ích lớn nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông thường không có đủ điều kiện để thuê luật sư riêng cho các hoạt động giao dịch của mình và thường bị lệ thuộc vào phía đối tác là những công ty lớn chọn lựa luật thương mại của nước nào đó có lợi cho mình để phán xét khi có tranh chấp. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn bị bất lợi. Nếu hai doanh nghiệp ở hai quốc gia đều là thành viên của CISG thì CISG sẽ áp dụng cho việc mua và bán hàng hóa giữa hai doanh nghiệp thay vì phải lo lắng việc chọn lựa luật nào để phán xét khi có tranh chấp xảy ra, ông Sono nói. Không như những bộ luật quốc tế khác, CISG là một công ước (hay một thỏa hiệp) giữa các nước mà nó có giá trị pháp lý, nghĩa là khi một quốc gia gia nhập thành viên, công ước sẽ trở thành một phần của hệ thống luật quốc gia đó. Bà Nguyễn Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về pháp luật thương mại quốc tế thuộc Đại học Ngoại thương, cho rằng ngay khi đã là thành viên CISG các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quyền không áp dụng CISG nếu xét thấy không có lợi vì CISG thừa nhận việc tự do lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, và Việt Nam vẫn có quyền bảo lưu những điều khoản phù hợp. Cũng theo bà Hằng, giữa CISG và pháp luật của Việt Nam không có sự mâu thuẫn về nguyên tắc; hầu hết các quy định của pháp luật Việt Nam và của CISG là tương thích; một số khác biệt giữa CISG và pháp luật Việt Nam không phải là yếu tố cản trở, bởi CISG chỉ áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và tiến bộ hơn.
(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com